Bình đẳng giới – Lịch sử và hiện tại
Thứ ba, 14/12/2021 - 10:04
Theo Báo cáo Khoảng cách giới toàn cầu 2021 (Global Gender Gap Report 2021) được công bố tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới: cần 135,6 năm để xóa bỏ hoàn toàn khoảng cách giới.
Theo Báo cáo Khoảng cách giới toàn cầu 2021 (Global Gender Gap Report 2021) được công bố tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới: cần 135,6 năm để xóa bỏ hoàn toàn khoảng cách giới. Tỷ lệ phụ nữ từ 15-64 tuổi tham gia vào lực lượng lao động là 55%, trong khi đó ở nam giới là 78%;phụ nữ chỉ nắm giữ 25% số ghế trong quốc hội và 21% vị trí bộ trưởng trên toàn thế giới. Thậm chí hiện nay có đến 72 quốc gia không cho phép phụ nữ được cấp tín dụnghoặc mở tài khoản ngân hàng. Đó cũng chính là những con số biết nói thể hiện cho việc tại sao vấn đề Bình đẳng giới lại là vấn đề toàn cầu và rất cần sự chung tay của các quốc gia để giải quyết.
Khái niệm quyền bình đẳng nam nữ được công nhận lần đầu tiên tại Hiến chương Liên Hợp quốc năm 1945, theo đó quyền bình đẳng nam nữ được xác định là một quyền cơ bản của con người. Có được sự công nhận này là do sự đấu tranh lâu dài của phụ nữ trên toàn thế giới mà khởi nguồn là ở Pháp. Năm 1791, Olympe de Gouges – nhà tiên phong của phong trào nữ quyền đã soạn thảo Tuyên ngôn về quyền của phụ nữ để yêu cầu công nhận cho phụ nữ các quyền được tuyên bố trong Tuyên ngôn về nhân quyền và dân quyền Pháp năm 1789.Năm 1910, Đại hội phụ nữ quốc tế lần thứ 2 họp tại thủ đô Co-pen-ha-gen (Đan Mạch) đã quyết định lấy ngày 8/3 làm ngày "Quốc tế Phụ nữ", ngày đoàn kết đấu tranh của phụ nữ thế giới với khẩu hiệu: Ngày làm 8 giờ; việc làm ngang nhau, tiền lương ngang nhau và Bảo vệ bà mẹ, trẻ em...
Việc đấu tranh cho quyền lợi của phụ nữ, cho Bình đẳng giới là cuộc đấu tranh lâu dài, kết quả từng bước được công nhận trên thế giới mà vai trò của Liên Hợp quốc là rất quan trọng. Đại hội đồng Liên Hợp quốc họp ngày 16/12/1966 đã thông qua Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa. Điều 3 của Công ước này khẳng định: “Các quốc gia thành viên của Công ước này cam kết đảm bảo quyền bình đẳng giữa nam và nữ trong việc hưởng thụ tất cả các quyền dân sự và chính trị mà Công ước đề ra”. Với việc Công ước được thông qua và cam kết tham gia của các quốc gia thành viên đã cho thấy những động thái tích cực trong việc đảm bảo quyền của phụ nữ.
Tập huấn về Sổ tay bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ NHNN Việt Nam. Ảnh: H.Giáp
Trải qua nhiều năm từ sự công nhận tại hiến chương Liên Hợp quốc năm 1945 đến các Công ước năm 1966,mặc dù đã có nhiều nỗ lực của Liên Hợp quốc cũng như những tổ chức trực thuộc trong việc thúc đẩy Bình đẳng giới, tuy nhiên trong quá trình thực hiệnlại chưa đem lại nhiều kết quả, việc thực thi quyền bình đẳng tại nhiều quốc gia vẫn còn hình thức đòi hỏi cần có những văn bản quốc tế có tính ràng buộc hơn. Cần có những điều kiện cụ thể để quyền bình đẳng được thực thi trong thực tiễn.
Một dấu ấn quan trọng đó là vào năm 1972, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc yêu cầu phải có các nghiên cứu, khảo sát thực tiễn để ban hành công ước về bình đẳng giới. Năm 1979, Công ước về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW) được Đại hội đồng Liên Hợp quốc thông qua và có hiệu lực từ ngày 3/8/1981. Việt Nam là một trong những nước ký tham gia Công ước đầu tiên. Tính đến nay đã có hơn 185 nước tham gia ký công ước.
Công ước CEDAW được coi như là một bản tuyên ngôn nhân quyền quốc tế dành cho phụ nữ. Khi tham gia công ước này, các nhà nước phải đưa khái niệm “bình đẳng giới” vào pháp luật của quốc gia, bãi bỏ mọi phân biệt đối xử trong luật và ban hành các quy định để chống phân biệt đối xử. Việc giám sát Công ước này là nghiệm vụ của Ủy ban phụ trách việc loại bỏ phân biệt đối xử với phụ nữ, gồm các chuyên gia về các vấn đề phụ nữ thuộc nhiều nước thành viên của Liên Hợp Quốc.
Nỗ lực bảo đảm bình đẳng giới cũng ngày càng được củng cố với sự tham gia ngày càng nhiều của các tổ chức Quốc tế và các nước trên Thế giới, cụ thể làTuyên bố về việc tham gia của phụ nữ trong thúc đẩy hòa bình và hợp tác quốc tế năm 1982 và tại Hội nghị thế giới lần thứ tư về phụ nữ năm 1995, lý tưởng về bình đẳng và tôn trọng phẩm giá con người trong tiến bộ xã hội một lần nữa được thể hiện mạnh mẽ trong Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, một trong những văn kiện toàn diện nhất của thế giới về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Những nội dung đề ra trong Văn kiện này với mục đích góp phần thúc đẩy việc hoàn thiện khung pháp lý nhằm trao quyền và cơ hội bình đẳng của phụ nữ vào các vị trí ra quyết định, từng bước đến gần hơn lý tưởng về một xã hội công bằng, tiến bộ và không còn các rào cản về giới.
Năm 2000, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết số 1325 về chương trình phụ nữ, hòa bình và an ninh. Tại Nghị quyết đã đưa vấn đề phụ nữ, hòa bình và an ninh trở thành một trong những chương trình thảo luậnchính tại Hội đồng Bảo an. Nghị quyết nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tham gia đầy đủ và bình đẳng của phụ nữ là những chủ thể năng động trong vấn đề hòa bình và an ninh.Từ năm 2008, Hội đồng Bảo an đã thông qua các Nghị quyết số 1820, 1888, 1960, 2106, 2467, khẳng định các hình thức bạo lực tình dục đối với phụ nữ được coi là tội ác; các quốc gia cần nâng cao vai trò và trách nhiệm trong việc giải quyết bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Ngày nay, vấn đề bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ cũng được quan tâm hàng đầu tại các diễn đàn khu vực và quốc tế. Hội nghị thượng đỉnh các nữ Chủ tịch Quốc hội lần thứ 13 do Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) tổ chức vào ngày 17/8/2020 và Đại hội đồng 41 Liên Nghị viện ASEAN (AIPA) tổ chức tại Hà Nội đã khẳng định vai trò và đóng góp của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và ứng phó với các tình huống khẩn cấp, trong đó có đại dịch Covid-19.
Tại Việt Nam, công tác Bình đẳng giới được Đảng và Nhà nước quan tâm triển khai và hoàn thiện các văn bản về Bình đẳng giới, đồng thời lồng ghép giới trong luật pháp và chính sách. Từ năm 1982, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, từ năm 2006 thông qua Luật Bình đẳng giới, năm 2007 thông qua Luật Ngăn chặn và chống bạo lực gia đình, cùng rất nhiều các văn bản khác nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác Bình đẳng giới. Nhiều tổ chức phi chính phủ trên thế giới hay của Việt Nam cũng đang hoạt động mạnh mẽ nhằm giải quyết vấn đề Bình đẳng giới, nâng cao nhận thức về thúc đầy quyền năng của phụ nữ, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới và bước đầu cũng đã đạt được thành quả: Tỷ lệ lao động chính là nữ giới chiếm 47,3% trong cả nước; Tính đến tháng 10/2019, có khoảng trên 285,6 nghìn doanh nghiệp có người đứng đầu là nữ, chiếm 24% tổng số doanh nghiệp cả nước. Tỉ lệ nữ thạc sỹ đạt 54,25%, tỉ lệ tiến sĩ đạt 30,8%,….
Ngày 02/10/2015, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016 – 2020 tại Quyết định số 1696/QĐ-TTg, theo đó, Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới được tổ chức từ ngày 15/11 đến ngày 15/12 hàng năm trên phạm vi toàn quốc. Thông qua việc triển khai Tháng hành động đã góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cán bộ và người dân đối với công tác bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Nếu như hơn 10 năm về trước cụm từ “bình đẳng giới”, “phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới” còn là xa lạ với người dân, thì nay đã được nhắc đến nhiều hơn, ngay cả các vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đối với ngành Ngân hàng, dưới sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Ban Cán sự Đảng, Ban lãnh đạo NHNN cũng như của cấp uỷ và lãnh đạo các đơn vị, công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ đã đạt được nhiều kết quả tích cực: Theo báo cáo về công tác Bình đẳng giới, Vì sự tiến bộ của Phụ nữ giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy Đảng là 39%;tỉ lệ nữ cử đi đào tạo sau đại học đạt 62%;tỷ lệ nữ tiến sĩ đạt 50,33%; tỷ lệ nữ thạc sĩ đạt 63,3%; cán bộ nữ thuộc quy hoạch cấp Vụ và tương đương chiếm tỉ lệ 39%; cán bộ nữ thuộc quy hoạch cấp phòng và tương đương chiếm tỉ lệ 62%; 100% nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được khám sức khỏe định kỳ và được khám chuyên khoa phụ sản,… Các chỉ tiêu đều vượt so với mục tiêu đề ra trong Kế hoạch hành động hành động về Bình đẳng giới và Vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Ngân hàng.
Ngày nay trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa, việc đánh gia vị thế hay năng lực của một Quốc gia không chỉ là dựa vào các chỉ số về kinh tế, mà còn các yếu tố xã hội, môi trường và bao gồm cả chỉ số về Bình đẳng giới. Thực tế cho thấy, những năm gần đây nhất là khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát cũng đe dọa đến những thành quả đạt được về Bình đẳng giới trong thời gian qua. Đại dịch đã làm xáo trộn, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người, đặc biệt là đối với phụ nữ. Do đó các cấp ủy đảng, lãnh đạo chuyên môn tại các đơn vị trong ngành Ngân hàng cần có những biện pháp hỗ trợ tích cực, không chỉ thể hiện vai trò đồng hành cùng đoàn viên, người lao động nữ mà còn góp phần chung tay cùng hệ thống chính trị trong cuộc chiến đẩy lùi đại dịch. Đại dịch là thách thức nhưng cũng mở ra những cơ hội mới, do đó rất cần sự chung tay của các cấp Ngành để có những chính sách đồng bộ, mang tính xúc tác, thúc đẩy để nâng cao vai trò, quyền năng của phụ nữ trong thời đại mới.
Hà Hạnh