Tổ chức Công đoàn cùng người lao động “vượt bão” COVID-19 để đi lên
Thứ hai, 10/01/2022 - 13:56
Trong muôn vàn khó khăn, tổ chức Công đoàn đã khẳng định vai trò, vị thế của mình để cùng công nhân, người lao động “vượt bão” để đi lên.
Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp đặc biệt là đợt bùng phát dịch lần thứ tư (tháng 4.2021) gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh, sinh kế, đời sống của nhân dân, tác động trực tiếp đến đời sống, việc làm của công nhân, viên chức, lao động. Trong muôn vàn khó khăn, tổ chức Công đoàn đã khẳng định vai trò, vị thế của mình để cùng công nhân, người lao động “vượt bão” để đi lên.
Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang (thứ 3 từ trái sang) trao kinh phí của Tổng LĐLĐVN hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 cho tỉnh Bắc Giang. Ảnh: BGP
Những ngày tháng không thể nào quên
Căn nhà trọ với mức thuê chỉ có 1.000.000 đồng/tháng là nơi lưu trú của gia đình chị Nguyễn Ngọc Bích (phường Trà Nóc, quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ). Tình hình dịch COVID-19 phức tạp, chị Bích - người trụ cột duy nhất của gia đình - bị thất nghiệp. Là công nhân của Công ty TNHH FM Việt Nam, thu nhập chỉ vẻn vẹn 5 triệu đồng/tháng, nhưng mỗi tháng chị Bích phải gửi về 2 triệu đồng để phụ giúp cha và con trai lớn tại quê nhà.
Để vượt qua khó khăn, chị đã phải “thắt lưng buộc bụng” tằn tiện chi tiêu hết mức có thể. “Dịch bệnh ập đến, tôi phải nghỉ việc, chỉ biết ngồi nhà không thể làm gì. Mỗi tháng phải đóng tiền trọ rồi chi phí sinh hoạt nên gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn, chỉ biết cầm chừng qua ngày” - chị Bích chia sẻ.
Các khoản hỗ trợ của Tổ chức Công đoàn tới công nhân, người lao động gặp khó khăn bởi dịch COVID-19.
Thời điểm đó, không chỉ riêng gia đình chị Bích mà còn rất nhiều cảnh đời khác đang chật vật vì hai chữ “thất nghiệp”. Cùng chung cảnh ngộ khi phải chăm lo cho con cái, gia đình bà Trần Thị Tuyết Vân cũng rơi vào cảnh ngộ éo le khi chồng mất, giờ một mình phải nuôi con trai đang học lớp 6.
Bà kể, đời công nhân làm lụng vất vả chỉ mong có cái ăn. 9 năm làm công nhân, lương chỉ rơi vào khoảng 5 triệu đồng/tháng. Với số tiền đó, bà Vân cũng chỉ đủ lo cho con đi học và tiền trọ hằng tháng.
Hơn lúc nào hết, những lao động nghèo giờ đây chỉ biết trông chờ vào sự ủng hộ từ các cá nhân, đoàn thể để vơi bớt sự vất vả, khó khăn trong những ngày dịch bệnh.
Ở Bắc Giang, là câu chuyện của chị Lý Thị Hường - công nhân một công ty điện tử thuộc Khu công nghiệp Quang Châu, tỉnh Bắc Giang - từng là F0. Chị được xác định dương tính với COVID-19 vào ngày 20.5.2021 khi đang trong thời gian cách ly tập trung.
“Do sức khoẻ không tốt, có bệnh nền, nên tôi mất nhiều thời gian điều trị bệnh hơn các công nhân khác, lên đến 55 ngày phải nằm trong bệnh viện. Sau đó, tôi cách ly ở huyện nửa tháng, ở nhà nửa tháng nữa. Tính ra, tôi phải xa nhà, xa chồng con gần 3 tháng trời” - chị Hường cho hay.
Trừ những ngày đầu, sau đó, chị Hường không được nhận hỗ trợ lương cho những ngày phải nghỉ làm. Chị rất lo lắng cho quãng thời gian sắp tới khi không có thu nhập, tiền hết, trong khi chị có 3 con đang tuổi ăn, học.
Đó chỉ là 3 trường hợp phải đối diện với những ngày tháng “không thể nào quên” bởi khó khăn của dịch COVID-19. Cùng với họ là hàng triệu công nhân, người lao động khác ở hầu khắp các tỉnh, thành rơi vào hoàn cảnh khó khăn tương tự.
Báo cáo từ các cấp công đoàn cho hay: Do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, số lượng doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất, giải thể tăng, có trên 2,9 triệu công nhân lao động phải nghỉ việc, giãn việc, nghỉ luân phiên, mất việc làm do doanh nghiệp tạm dừng hoạt động. Thu nhập bình quân của người lao động làm công hưởng lương trong 9 tháng đầu năm là 6,7 triệu đồng, giảm nhẹ so với năm 2020. Nhà ở tiếp tục là vấn đề bức thiết đối với công nhân, lao động đặc biệt là ở khu công nghiệp, chỉ đáp ứng được khoảng hơn 30% nhu cầu. Một bộ phận lớn công nhân, lao động nhập cư phải thuê nhà trọ với điều kiện sinh hoạt không đảm bảo.
Dịch bệnh bùng phát gây nhiều khó khăn cho người lao động trong việc chăm sóc, giáo dục con cái, gây ra những xáo trộn, làm thay đổi đời sống tâm lý, tinh thần, thói quen… của công nhân, viên chức, lao động nhất là tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội. Có một bộ phận người lao động đã rời các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, về quê tự phát, dẫn tới các hệ lụy liên quan tới an toàn khi di chuyển cũng như trong công tác phòng, chống dịch bệnh, làm tăng nguy cơ thiếu hụt lao động tại các địa phương nơi người lao động rời đi.
Đặc biệt, tính đến cuối năm 2021 cả nước có hơn 139.000 F0 là công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) trên địa bàn 56 tỉnh, thành phố; có 643 trường hợp CNVCLĐ tử vong do COVID-19, hơn 191.000 CNVCLĐ là F1; hơn 460.000 CNVCLĐ là F2, F3; hơn 625.000 CNVCLĐ đang ở trong các khu vực phong tỏa, cách ly y tế; có hơn 500 trẻ em là con công nhân, lao động mồ côi do dịch COVID-19.
Tổ chức Công đoàn luôn bên cạnh, chăm lo
Trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 vừa qua, Đồng Tháp là một trong những tỉnh đầu tiên tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Khi làn sóng dịch “càn quét” qua các khu công nghiệp nơi đây đã khiến nhiều công nhân mất việc làm. Thấu hiểu được sự vất vả của công nhân thất nghiệp nơi “đất khách quê người” - anh Nguyễn Thanh Nhàn - Phó Chủ tịch Công đoàn Các khu công nghiệp, kinh tế Đồng Tháp - đã đến từng khu nhà trọ công nhân để tặng nhu yếu phẩm và rau củ.
Đầu tuần anh mang gạo, mì gói, cuối tuần anh tặng thêm rau, củ, quả. Công việc được thực hiện đều đặn mỗi tuần hai lần để đảm bảo mọi người không thiếu lương thực, thực phẩm. Nghĩa tình Công đoàn và sự thấu hiểu dành cho công nhân đã thúc đẩy người cán bộ này vượt qua mọi khó khăn của dịch bệnh để hỗ trợ hết mình cho công nhân, người lao động.
Còn ở Cần Thơ, câu chuyện cán bộ Công đoàn “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để trao tiền hỗ trợ cho người dân vùng phong toả trở thành chuyện “rất bình thường”. Bà Huỳnh Thị Hiền - Chủ tịch Công đoàn các Khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ - cho biết: “Để thực hiện ngay việc hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người lao động trong thời gian ngắn, chúng tôi đã hoạt động hết công suất, làm việc ngày đêm không biết mệt mỏi. Trong những ngày đó, chúng tôi không có thời gian để nghĩ đến mệt mỏi hay nghỉ ngơi vì mục tiêu chung là đưa quà nhanh nhất, sớm nhất đến tay người lao động”.
“Gần như chúng tôi làm việc hết công suất, từ những ngày dài, những đêm trắng căng mình lo điều phối nguồn thực phẩm phân chia hợp lý khẩu phần đảm bảo cung ứng đầy đủ lương thực cho người lao động”.
Đó là những câu chuyện bình dị về đội ngũ cán bộ công đoàn tận tụy, bám sát cơ sở, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người lao động, trực tiếp tổ chức, tham gia các hoạt động chăm lo đời sống, hỗ trợ cho công nhân, lao động, các nhiệm vụ của công tác phòng, chống dịch bệnh; tổ chức kịp thời các hoạt động an sinh, đảm bảo người lao động duy trì cuộc sống.
Nhiều mô hình sáng tạo trong công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ đoàn viên, người lao động của tổ chức công đoàn ra đời, phát huy hiệu quả, được cấp ủy, chính quyền, người lao động, người sử dụng lao động đánh giá cao như: siêu thị 0 đồng (Bắc Giang, Bắc Ninh); xe buýt siêu thị 0 đồng, Túi an sinh xã hội (LĐLĐ thành phố Hà Nội), Túi thuốc cho F0; Suất cơm nghĩa tình hỗ trợ các hộ khó khăn, lực lượng phòng chống dịch; Mô hình tư vấn sức khỏe phòng ngừa dịch bệnh COVID-19; Đội tiếp ứng thực phẩm tận nhà cho đoàn viên, người lao động; Đường dây nóng “An sinh công đoàn”; Mô hình đi chợ hộ cho đoàn viên; Mô hình “An toàn phòng chống dịch, an toàn sản xuất” (LĐLĐ Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An)...
Triển khai các gói hỗ trợ đa dạng, quy mô lớn dành cho đoàn viên, người lao động
Tháng 8.2021, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ra lời kêu gọi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần tương thân, tương ái, sẵn sàng ủng hộ để giúp hàng vạn công nhân vượt qua khó khăn trong đại dịch chưa từng có này.
Trước và sau lời kêu gọi ấy, Tổng LĐLĐVN đã tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động. Những đề xuất, kiến nghị của tổ chức Công đoàn đã được Chính phủ ghi nhận trong các Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Tổng LĐLĐVN thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin với các bộ, ngành, cơ quan liên quan, bám sát những diễn biến mới của công tác phòng, chống dịch, tình hình thực hiện các chính sách hỗ trợ để kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, nhằm hỗ trợ kịp thời, hiệu quả người lao động, doanh nghiệp với phương châm “không ai bị bỏ lại phía sau”, góp phần thực hiện tốt mục tiêu kép của Chính phủ.
Tổng LĐLĐVN đã chủ động, kịp thời ban hành và nhanh chóng triển khai các gói hỗ trợ đa dạng, quy mô lớn dành cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; hỗ trợ tăng cường dinh dưỡng cho lực lượng y tế tuyến đầu chống dịch, công nhân, lao động tại các doanh nghiệp đang thực hiện “ba tại chỗ”, “một cung đường hai điểm đến”; tặng sổ tiết kiệm công đoàn cho con đoàn viên bị mồ côi do COVID-19; ban hành văn bản về việc lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn, miễn đóng đoàn phí công đoàn đối với đoàn viên gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19; vận động công nhân, viên chức, lao động đóng góp ủng hộ công tác phòng, chống dịch COVID-19, Chương trình “Triệu phần quà đại đoàn kết tiếp sức đồng bào miền Nam vượt qua đại dịch COVID-19” qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; phát động chương trình “Vaccine cho công nhân” vận động đóng góp ủng hộ cho Quỹ Vaccine phòng COVID-19, ra lời kêu gọi đóng góp ủng hộ công nhân, lao động các địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh… Các đồng chí lãnh đạo Tổng LĐLĐVN dẫn đầu các đoàn công tác hoặc tham gia các đoàn công tác của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trực tiếp đi nắm tình hình, làm việc với các địa phương, doanh nghiệp tại các địa phương vùng tâm dịch về tình hình công nhân, lao động, công tác phòng, chống dịch và các giải pháp đảm bảo việc làm, hỗ trợ đời sống cho người lao động.
Tại các địa phương, các cấp công đoàn đã phát huy tinh thần, trách nhiệm, tập trung tuyên truyền, vận động người lao động chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch, phối hợp tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tại nơi làm việc, tổ chức sản xuất an toàn tại những doanh nghiệp đủ điều kiện với một số mô hình tiêu biểu như “Tổ An toàn COVID-19”, “Vùng xanh doanh nghiệp” của LĐLĐ TP.Hà Nội, mô hình “Tổ An toàn COVID-19” tại các khu nhà trọ và xe ôtô chuyên chở công nhân của LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa…
Công đoàn đã tích cực phối hợp với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức triển khai, giám sát việc triển khai thực hiện các chính sách, các gói hỗ trợ đối với người lao động, đảm bảo minh bạch, đúng đối tượng; kiến nghị, đề xuất chính quyền địa phương ban hành một số chính sách đặc thù hỗ trợ người lao động và đẩy nhanh việc tiêm vaccine cho công nhân; phối hợp với người sử dụng lao động để có giải pháp bảo vệ việc làm, thu nhập của người lao động.
Những nỗ lực của Tổ chức công đoàn đã được, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá, ghi nhận. Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐVN, Ủy viên Bộ Chính trị diễn ra và tháng 10.2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận xét: Với những hoạt động hiệu quả, tổ chức công đoàn đã nâng cao được vị thế, uy tín của mình trong công tác phòng chống dịch và phát triển kinh tế xã hội. Thể hiện được vai trò quan trọng của tổ chức công đoàn trong hệ thống chính trị.
Đó là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm để Tổ chức Công đoàn tiếp tục phát huy vai trò, vị thế của mình để cùng công nhân, người lao động “vượt bão” để đi lên trong năm 2021 và những năm tiếp theo.
Theo số liệu báo cáo bước đầu, các cấp công đoàn đã chi và đang triển khai thủ tục chi hỗ trợ đoàn viên, người lao động và các lực lượng tuyến đầu chống dịch với tổng số tiền trên gần 6.000 tỉ đồng.
Trong đó chi trực tiếp hỗ trợ, chăm lo cho đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19: Hơn 2.000 tỉ đồng; Chi ủng hộ và vận động ủng hộ công tác phòng chống dịch COVID-19, chuyển về Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: hơn 475 tỉ đồng; Chi ủng hộ và vận động ủng hộ vào Quỹ Vaccine phòng chống COVID-19 hơn 340 tỉ đồng; Chi hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu chống dịch COVID-19 từ nguồn tài chính công đoàn hơn 254 tỉ đồng; Chi hỗ trợ đoàn viên, NLĐ tham gia sản xuất “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến” ước gần 1.000 tỉ đồng; Chi trực tiếp tại các công đoàn cơ sở theo các mức ban hành chung đối với NLĐ khó khăn: hơn 1.396 tỉ đồng; Chi gói hỗ trợ “Túi an sinh công đoàn” số tiền gần 400 tỉ đồng...
Nhóm PV Công đoàn (Báo Lao động)