Mang niềm vui đến người lao động không về quê đón Tết
Thứ bảy, 29/01/2022 - 15:10
Chị Nguyễn Thị Thủy, công nhân môi trường đã không giấu được nước mắt khi nghe hỏi khi nào về quê đón Tết. Quê ngay Phú Thọ nhưng 5 - 6 năm rồi chị Thủy chưa về đoàn viên cùng mẹ trong những ngày năm mới.
Chị Nguyễn Thị Thủy, công nhân môi trường đã không giấu được nước mắt khi nghe hỏi khi nào về quê đón Tết. Quê ngay Phú Thọ nhưng 5 - 6 năm rồi chị Thủy chưa về đoàn viên cùng mẹ trong những ngày năm mới. Sự vất vả, khó khăn và nỗi nhớ nhà ấy của chị Thủy được tổ chức Công đoàn chia sẻ trong những ngày giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần.
Công đoàn giúp vơi bớt nỗi nhớ nhà
Khu vực chị Thủy phụ trách nằm ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). Chị làm mẹ đơn thân. Hai mẹ con thuê nhà ở Hà Nội. Có đến 5-6 năm chị Thủy đón giao thừa ở Hà Nội.
Những năm ấy, quét dọn đường phố đêm giao thừa theo ca làm việc chị cũng chạnh lòng nhớ nhà, nhớ không khí sum họp, nhớ hơi ấm khi vòng tay ôm mẹ, chúc Tết mẹ. Đêm Giao thừa đi làm việc, chị phải gửi con ở nhà hàng xóm. Chỉ khi đường phố sạch sẽ, chị Thủy và đồng nghiệp mới về nhà theo đúng tinh thần “thu dọn hết rác, đường phố sạch mới về nhà ăn Tết cùng gia đình".
Khi được hỏi Tết năm nay có về quê không, chị Thủy bật khóc. Dường như bao nhiêu nỗi nhớ nhà và cả có đôi chút tủi thân dồn nén bấy lâu đến lúc không kìm nén được. “Năm nay tôi định về nhà nhưng ở quê yêu cầu phải cách ly. Nếu thực hiện cách ly thì tôi quay lên Hà Nội sẽ không kịp với thời gian làm việc. Lại thêm 1 năm nữa tôi không được ở bên mẹ ngày Tết, mà mẹ thì ngày càng nhiều tuổi. Nhưng năm nay tôi được đi dự Tết Sum vầy do Liên đoàn Lao động Hà Nội tổ chức, được nhận quà là tiền mặt và túi quà Tết. Tôi khóc vì nhớ nhà nhưng cũng vì rất xúc động trước sự quan tâm của tổ chức Công đoàn” - chị Thủy nức nở nói.
Để dành tiền chữa bệnh
Không rơi vào hoàn cảnh không thể về quê đón Tết như chị Thủy, nhưng hoàn cảnh của chị Nguyễn Minh Thúy, công nhân Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam khó khăn không kém. Thúy mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2, hằng tháng phải đi lấy thuốc điều trị. Chồng Thúy làm nghề tự do, có việc thì thu nhập mới được 3-5 triệu đồng/tháng. Thu nhập của Thúy nếu không nghỉ ốm và tăng ca được khoảng 6-7 triệu đồng/tháng.
Làm được bao nhiêu tiền thì gần như dồn hết cho việc chữa bệnh vì Thúy phải điều trị bệnh ở tuyến trung ương để chuẩn bị cho việc thụ tinh nhân tạo. Bên cạnh đó, do nhà ở Sơn Tây, làm tận Gia Lâm nên vợ chồng Thúy phải thuê nhà gần công ty. Gia đình hai bên đông anh em, bố mẹ cũng đã cao tuổi. Tết năm nay Thúy gần như không mua sắm gì. Tiền lương và thưởng Tết cộng với tiền hỗ trợ của tổ chức Công đoàn Hà Nội tại Tết Sum vầy, Thúy sẽ để dành cho việc chữa bệnh.
Điều đáng quý ở Thúy là đây không phải là năm đầu tiên Thúy được bình xét dự Tết Sum vầy vì hoàn cảnh khó khăn. Nhưng những năm trước Thúy đều nhường cho các bạn đồng nghiệp quê xa Hà Nội.
Thúy bảo: “Mình khó khăn nhưng các bạn quê ở các tỉnh về Hà Nội làm còn khó khăn hơn mình”. Năm nay, cán bộ công đoàn công ty đã động viên Thúy đi dự Tết Sum vầy vì thời gian dich bệnh phải nghỉ luân phiên, hàng tháng tiền điều trị bệnh của Thúy cũng hết khoảng 2,5 triệu đồng, tháng cao là 5 triệu đồng… Tết năm nay, Thúy sẽ không mua đào, mua quất, vì theo Thúy, những thứ đó chỉ mua sắm khi thu nhập đã đủ trang trải những chi tiêu chính trong gia đình.
Linh Nguyên (Báo Lao động)