Công đoàn đàm phán tăng lương tối thiểu vùng: Mục tiêu là đảm bảo đời sống người lao động
Thứ ba, 22/03/2022 - 11:08
Các chuyên gia cho rằng, trong cơ chế thị trường, sự căng thẳng trong đàm phán tăng lương tối thiểu giữa các bên trong Hội đồng Tiền lương Quốc gia là điều bình thường. Bởi Tổng LĐLĐVN luôn kỳ vọng tăng lương để đảm bảo đời sống của người lao động;
Các chuyên gia cho rằng, trong cơ chế thị trường, sự căng thẳng trong đàm phán tăng lương tối thiểu giữa các bên trong Hội đồng Tiền lương Quốc gia là điều bình thường. Bởi Tổng LĐLĐVN luôn kỳ vọng tăng lương để đảm bảo đời sống của người lao động; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lại quan tâm tới mức tăng sao cho doanh nghiệp đảm bảo khả năng chi trả, năng lực cạnh tranh.
Đời sống của công nhân thuê trọ còn nhiều vất vả, thiếu thốn. Ảnh: Bảo Hân
“Tìm được tiếng nói thống nhất rất khó”
Trong những phiên đầu tiên của Hội đồng, luôn xuất hiện những mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng khác nhau. Tại phiên họp thứ nhất, để thương lượng phương án tiền lương tối thiểu vùng năm 2018, Tổng LĐLĐVN đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 là 13,3%. Trong khi đó, đại diện giới sử dụng lao động - VCCI chỉ đề xuất xem xét điều chỉnh mức tăng lương tối thiểu vùng bằng với mức đủ bù trượt giá năm 2017 là dưới 5%.
Ngay ban đầu có sự “vênh” nhau rất lớn trong việc đề xuất mức tăng, nên các phiên họp của Hội đồng diễn ra rất... nảy lửa. Sau 3 phiên đàm phán, Hội đồng Tiền lương Quốc gia bỏ phiếu chọn mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 là 6,5%.
Ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, nguyên Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia - cho biết, từ khi thành lập đến nay, Hội đồng Tiền lương Quốc gia luôn có những ý kiến khác nhau từ phía đại diện người sử dụng lao động và đại diện người lao động. Đại diện người sử dụng lao động - VCCI - cho rằng tiền lương là chi phí. Vì vậy, họ luôn đưa ra quan điểm, tính toán chi phí làm sao cho hợp lý với năng suất, khả năng chịu đựng tồn tại với doanh nghiệp. Còn phía đại diện người lao động là Tổng LĐLĐVN thì tiền lương là sàn để thoả thuận những mức lương khác. Cho nên, khi sàn này nâng lên thì mức lương khác vô hình chung được thoả thuận cao dần.
“Bao giờ, trong những phiên họp của Hội đồng Tiền lương Quốc gia đều có những ý kiến khác nhau. Phía Nhà nước luôn lắng nghe các bên, phân tính những phương án từ các bên đưa ra. Ở đây, cần tìm ra phương án dung hoà, các bên có thể chấp nhận được” - ông Huân nói.
Theo chuyên gia này, lợi ích chia sẻ cần hài hoà là câu chuyện phải bàn bạc, tính toán. Sau các bên đề xuất những phương án về mức tăng lương tối thiểu, thường xảy ra những ý kiến trái chiều. Trong phiên đàm phán, tìm được tiếng nói thống nhất rất khó.
Đáp ứng mong mỏi của người lao động
Còn ông Vũ Quang Thọ - nguyên thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn - nhớ lại lần tham gia thương lượng tiền lương tối thiểu vùng mà ông tham gia. Thời điểm đó, ông Thọ cho biết, tiền lương tối thiểu vẫn còn thấp hơn nhu cầu sống tối thiểu trên 20%.
Bên Công đoàn đề xuất mức tăng 16% thì ngay lập tức phía bên giới chủ phát biểu, trình bày và kết luận chỉ có thể tăng 1%, cùng lắm là 2%, chứ không thể tăng 16%” - ông Thọ cho biết.
Để củng cố cho lập luận phía Công đoàn, ông Thọ đã nêu ra kết quả khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn, trong đó nêu rõ % người lao động phản ánh họ đang phải sống lay lắt, nghĩa là đồng lương của họ chỉ đủ để trang trải cuộc sống, chưa nói gì đến nuôi con, không có tích lũy. Trong khi đó, con người cần phải sống, đi lại, nuôi người ăn theo và phải có phần tích lũy để “tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn” (tích lương thực, ngũ cốc phòng khi đói, tích quần áo phòng khi rét), đề phòng lúc cơ nhỡ có tiền trang trải”.
Trải qua những cuộc tranh luận, đàm phán “nảy lửa”, cuối cùng, tiền lương tối thiểu năm đó đã được Hội đồng Tiền lương Quốc gia chốt tăng trên 10%. “Đây là cuộc để lại sâu đậm trong trí nhớ của tôi về cuộc “chiến đấu” giữa công đoàn và giới chủ. Nếu Công đoàn lùi một bước thì bên giới chủ tiến một bước” - ông Thọ nói. Sau khi kết thúc phiên họp Hội đồng Tiền lương Quốc gia lần đó, ông Thọ cho hay, rất nhiều cán bộ Công đoàn, người lao động nhắn tin vào máy của ông và những người liên quan đến hội đồng - điều này thể hiện họ đang trông chờ vào kỳ họp này.
Hội đồng Tiền lương Quốc gia được thành lập theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2012, Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14.5.2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương, Quyết định số 1055/QĐ-TTg ngày 3.7.2013 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1014/QĐ-LĐTBXH ngày 9.7.2013 của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH.
Hội đồng Tiền lương Quốc gia có 15 thành viên, bao gồm: 5 thành viên đại diện của Bộ LĐTBXH, 5 thành viên đại diện của Tổng LĐLĐVN và 5 thành viên đại diện của tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở Trung ương. Anh Thư
Quế Chi (Báo Lao động)