Chất vấn là cơ hội để hoạch định chính sách cũng như quản lý nhà nước về hoạt động ngân hàng hiệu quả hơn
Thứ tư, 08/06/2022 - 21:08
Chiều 8/6, Quốc hội chuyển sang chất vấn nhóm vấn đề thứ ba, thuộc trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã trả lời chất vấn.
Chiều 8/6, Quốc hội chuyển sang chất vấn nhóm vấn đề thứ ba, thuộc trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã trả lời chất vấn.
Các nội dung tập trung vào tình hình triển khai và giải pháp đẩy nhanh việc thực hiện Nghị quyết 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của NHNN; việc phối hợp chính sách tài khóa để kiểm soát lạm phát, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô; việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu lại tổ chức tín dụng (TCTD), xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém gắn với xử lý nợ xấu; cơ chế cấp hạn mức tín dụng hàng năm cho các ngân hàng thương mại; việc quản lý, kiểm soát tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nhất là cho vay chứng khoán, bất động sản và phát hành trái phiếu doanh nghiệp; thực trạng và giải pháp phòng, chống tín dụng đen, tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực tiền tệ và tín dụng…
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV
Chất vấn là cơ hội để vượt qua khó khăn, thách thức
Phát biểu trước khi chất vấn, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN với vai trò là ngân hàng trung ương của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ và theo đó tác động nhiều đến kinh tế vĩ mô của đất nước. Đồng thời, hệ thống ngân hàng là huyết mạch chu chuyển vốn và cung ứng dịch vụ cho nền kinh tế. Bởi vậy, hoạt động ngân hàng luôn gắn liền với hoạt động của doanh nghiệp và người dân.
Với vai trò quản lý nhà nước về tiền tệ và ngân hàng, NHNN cùng với nhiệm vụ về điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian qua cũng đã luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự đồng hành của Quốc hội. Đặc biệt là sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành, sự đồng hành của doanh nghiệp, người dân và sự ủng hộ của đồng bào và cử tri cả nước.
Bởi vậy, ngành Ngân hàng trong những năm qua đã đạt được những kết quả nhất định, đóng góp vào việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đồng thời đảm bảo an toàn hoạt động của TCTD. Tuy nhiên, hoạt động ngân hàng vẫn còn những tồn tại, hạn chế, cần tiếp tục khắc phục để thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian tới.
“Tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV này, lĩnh vực ngân hàng là một trong 4 nhóm vấn đề được Quốc hội lựa chọn, dành thời gian chất vấn. Đây là cơ hội Thống đốc NHNN được lắng nghe ý kiến của các đại biểu để tiếp thu, giải trình, để thời gian tới sẽ chỉ đạo, điều hành và cùng Ban lãnh đạo NHNN tổ chức triển khai việc hoạch định chính sách cũng như quản lý nhà nước về hoạt động ngân hàng hiệu quả hơn và có nhiều đóng góp hơn vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước... Sự quan tâm của các đồng chí là nguồn động viên to lớn để ngành Ngân hàng vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ và hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng phát biểu.
Có điều kiện sẽ giảm lãi suất cho doanh nghiệp
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Văn Thân, đoàn Thái Bình liên quan đến những vấn đề về tín dụng và lãi suất của doanh nghiệp nhỏ và vừa, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, điều hành lãi suất và giảm lãi suất để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân là một nhiệm vụ trọng tâm mà NHNN quan tâm điều hành. Trên thực tế, trong những năm qua, bằng rất nhiều giải pháp điều tiết tiền tệ, NHNN đã chỉ đạo hệ thống và có các giải pháp để làm cho mặt bằng lãi suất giảm mạnh.
Những năm trước, lãi suất rất cao nhưng đến năm 2020-2021, lãi suất đã được giảm. Tuy nhiên 5 tháng đầu năm 2022, điều hành chính sách lãi suất của NHNN Việt Nam chịu những áp lực khá lớn. Từ những áp lực bên ngoài, chúng ta thấy lạm phát đang có xu hướng tăng. Trong nước, lãi suất phụ thuộc vào cung - cầu vốn. Từ đầu năm đến nay, chỉ trong 5 tháng khi doanh nghiệp và người dân hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại thì tăng trưởng tín dụng đã lên đến 8%. Đây là mức khá cao so với mục tiêu, định hướng của cả năm 2022 là 14%, cho thấy áp lực tăng lãi suất là lớn nhưng NHNN đã điều tiết và cơ bản ổn định mặt bằng lãi suất.
Cụ thể, lãi suất chỉ tăng 0,09% so với đầu năm ngoái. Đây cũng là câu hỏi của đại biểu Leo Thị Lịch (đoàn Bắc Giang) về Nghị quyết 43 có đưa ra là phải giảm 0,5 - 1% lãi suất trong 2 năm 2022-2023.
Thống đốc cho biết, quan điểm và mục tiêu của Nghị quyết 43 là thực hiện các Chương trình phục hồi kinh tế nhưng vẫn phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô theo Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII và các Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm cũng như hàng năm. Cho nên trong điều hành lãi suất, NHNN cũng cần điều hành trên cơ sở tổng thể với tất cả các công cụ, giải pháp điều hành khác để vẫn phải kiên định được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Còn đối với điều hành lãi suất, nếu như có điều kiện, NHNN cũng luôn chỉ đạo TCTD phải tiết kiệm các chi phí trong hoạt động, cố gắng giảm lãi suất và hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn.
Đối với lãi suất cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, Thống đốc cho biết, đối tượng này chiếm đa số trong tổng số các doanh nghiệp trong nền kinh tế và đây là khối doanh nghiệp có điều kiện bị hạn chế hơn so với những loại hình doanh nghiệp khác về tài chính, khả năng quản trị hay thương hiệu… nên mức độ xếp hạng tín nhiệm của các doanh nghiệp còn hạn chế, khi vay vốn thường TCTD sẽ phải đánh giá trên cơ sở tín nhiệm của từng ngân hàng, của từng doanh nghiệp thì có thể đưa ra những mức lãi suất cao hơn so với những doanh nghiệp có mức độ tín nhiệm cao hơn.
Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, NHNN đã chỉ đạo TCTD thực hiện giảm lãi suất cho doanh nghiệp, người dân trong 2 năm với tổng lượng lãi suất giảm khoảng 478 nghìn tỷ đồng. Đây là cố gắng rất lớn của hệ thống ngân hàng nhằm chia sẻ với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Về tiếp cận tín dụng, Thống đốc cho biết, do doanh nghiệp nhỏ và vừa có những điểm hạn chế nên nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn. Các TCTD phải thực hiện theo nguyên tắc khi cho vay, khách hàng phải đảm bảo có khả năng trả nợ thì mới cho vay. Bởi lẽ, tiền cho vay cũng là tiền huy động của người dân nên phải đảm bảo khả năng thu hồi nợ.
Trong thời gian qua, chúng ta đã có Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chính phủ cũng có một số Nghị định để tháo gỡ khó khăn và có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đối với lĩnh vực tín dụng, chúng ta cũng có Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của hệ thống TCTD. Ở các địa phương đến nay, đã có khoảng 29 Quỹ bảo lãnh tín dụng hoạt động. Thời gian tới sẽ thực hiện đánh giá, tổng kết hoạt động của các quỹ bảo lãnh này và sẽ đề xuất các chính sách để tạo nhiều hơn cơ hội cho doanh nghiệp có thể tiếp cận được vốn vay của hệ thống các TCTD.
Về phía ngành Ngân hàng, Thống đốc cho biết sẽ phối hợp với các bộ, ban, ngành để có những chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Phối hợp để tháo gỡ vướng mắc Nghị quyết 42
Trả lời câu hỏi của đại biểu Thanh Mai (đoàn Hà Nội) về việc kéo dài Nghị quyết 42 có giải quyết dứt điểm nợ xấu, Thống đốc cho biết, trên thực tế đánh giá tổng kết Nghị quyết có một số những khó khăn, vướng mắc. Nhưng điều quan trọng trong Nghị quyết 42 là cho phép người cho vay thu giữ tài sản đảm bảo cũng như được bán những tài sản đảm bảo có thể cao hơn hoặc có thể thấp hơn giá trị tài sản để xử lý nợ xấu. Vì vậy, đây là điểm rất quan trọng để hệ thống ngân hàng thu hồi nợ xấu.
Tổng kết số liệu triển khai Nghị quyết 42 cho thấy, trong số 541.000 tỷ đồng trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, thì có tới 380 nghìn tỷ đồng đã xử lý được và trong đó khoảng 40% là khoản khách hàng tự trả nợ.
Tuy nhiên trên thực tế, đây chỉ là những khoản nợ theo phạm vi Nghị quyết 42. Khi nền kinh tế chịu tác động của đại dịch Covid-19 trong năm 2020-2021, nhiều khoản vay đã được TCTD hỗ trợ và đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ thì có thể dẫn đến nợ xấu gia tăng. Thời gian tới, NHNN sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ngành để cố gắng khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong Nghị quyết 42 nhằm xử lý hiệu quả nợ xấu của nền kinh tế.
Đẩy nhanh tái cơ cấu ngân hàng yếu kém
Liên quan đến xử lý, tái cơ cấu một số ngân hàng yếu kém, Thống đốc cho biết: "Trong điều kiện bình thường đã rất khó bởi vì đối với đặc thù của chúng ta, nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào tín dụng của hệ thống ngân hàng".
Thế nhưng trong điều kiện nền kinh tế chịu tác động bởi đại dịch Covid-19 trong 2 năm vừa qua, cùng những diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế thế giới cũng đã tác động đến nền kinh tế và tác động mạnh đến hoạt động của TCTD, do vậy việc thực hiện Đề án tái cơ cấu gặp nhiều khó khăn hơn. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo rất quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự phối hợp của các bộ, ban, ngành trong thời gian qua, NHNN đã chủ trì và có báo cáo trình các cấp có thẩm quyền về chủ trương tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém này. Trong thời gian tới, NHNN sẽ tích cực phối hợp triển khai để đạt mục tiêu đảm bảo an toàn hệ thống TCTD và tạo sự yên tâm cho người gửi tiền.
Liên quan đến câu hỏi cho vay qua web, app, Thống đốc cho biết, Chính phủ cũng đã chỉ đạo rất quyết liệt và giao cho NHNN chủ trì cùng với các bộ, ban, ngành để nghiên cứu. NHNN đã cùng với các bộ, ngành tổ chức khảo sát, đánh giá ở Việt Nam và thấy có những tổ chức xuất hiện tình trạng này. Hiện NHNN đang dự thảo một nghị định về hoạt động này để có hành lang pháp lý, đảm bảo mục tiêu hoạt động lành mạnh, an toàn và hiệu quả.
Phòng ngừa, ngăn chặn rủi ro mất an toàn thông tin trong lĩnh vực ngân hàng
Trả lời câu hỏi các đại biểu về tình hình tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, an toàn thông tin tại Việt Nam có nhiều diễn biến phức tạp. Tại Việt Nam, đã có trường hợp làm giả các hồ sơ, giấy tờ để giao dịch với ngân hàng; lấy cắp thông tin cá nhân của khách hàng, tiếp cận lấy tiền qua internet banking; lấy thông tin khách hàng để mua bán, đòi tiền chuộc; dùng giấy tờ giả để mạo danh lừa đảo…
Trước tình hình trên, năm 2021, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị riêng về tăng cường công tác bảo vệ an ninh mạng trong tình hình hiện nay; đầu năm 2022 tiếp tục có Chỉ thị số 02/CT-NHNN đẩy mạnh chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng, trong đó tập trung chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm.
Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, Thống đốc NHNN nêu rõ, sẽ tiếp tục rà soát, kiện toàn phương án bảo vệ an ninh mạng cho các hệ thống thông tin quan trọng; xây dựng nguồn nhân lực an ninh mạng đáp ứng yêu cầu quản lý; ban hành Hướng dẫn xử lý khủng hoảng khi xảy ra sự cố an toàn thông tin mạng để nâng cao năng lực chung của toàn Ngành về khả năng ứng phó, sẵn sàng xử lý các sự cố an ninh mạng, phòng ngừa, ngăn chặn rủi ro mất an toàn thông tin. Đồng thời, hàng năm sẽ tổ chức các đợt diễn tập, cuộc thi về điều tra, xử lý, ứng cứu sự cố an toàn thông tin nhằm nâng cao năng lực, trình độ và kinh nghiệm xử lý sự cố an toàn thông tin cho các đơn vị trong Ngành.
Bên cạnh đó, NHNN cũng đã phối hợp với Bộ Công an, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đưa ra các tình huống để có biện pháp ứng phó, kịp thời ngăn chặn. Ngoài ra, các TCTD cũng đầu tư nâng cấp trang thiết bị, phần mềm phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh, an toàn bảo mật thông tin cho khách hàng. Trong thời gian vừa qua, với sự tham gia của các bộ, ngành, tình trạng này đã suy giảm đáng kể.
Đối với vấn đề vốn của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước, Thống đốc cho biết, mức vốn tiềm lực tài chính của các tổ chức tín dụng trong nước nói chung và của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước nói riêng còn thấp so với các nước trong khu vực. Trong thời gian qua, vấn đề này nhận được sự quan tâm của Quốc hội và Nghị quyết 43/2022/QH15 đã có nội dung cho phép các ngân hàng thương mại Nhà nước được tăng vốn điều lệ.
Ngoài ra, liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14, Thống đốc khẳng định, Nghị quyết này rất hiệu quả với xử lý nợ xấu, nếu không được kéo dài thì việc xử lý nợ xấu sẽ gặp khó khăn khiến doanh nghiệp khó tiếp cận với vốn tín dụng của ngân hàng. Nếu sửa Nghị quyết 42 thì cần nhiều thời gian đánh giá tác động của việc sửa đổi các chính sách này, vì vậy NHNN đề xuất với Quốc hội kéo dài. Trong thời gian Nghị quyết gia hạn, NHNN sẽ phối hợp với các bộ, ngành rà soát các quy định của pháp luật, tham mưu cách thức xử lý nợ xấu.
Tăng cường các kênh tiếp cận tín dụng chính thức, hạn chế tín dụng đen
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (đoàn Tiền Giang) về các giải pháp ngăn chặn tín dụng đen, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định: "Tín dụng đen là vấn đề nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Theo đó, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 12 giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành để thực hiện các giải pháp hạn chế tín dụng đen; NHNN được giao nhiệm vụ tăng cường các kênh tiếp cận tín dụng chính thức. Thời gian vừa qua, NHNN đã ban hành Thông tư cho vay của TCTD đối với khách hàng, trong đó có một phần quy định về cho vay phục vụ nhu cầu của đời sống".
Hiện nay, NHNN đang rà soát, sửa đổi và áp dụng công nghệ vào hoạt động cho vay bằng việc cấp, lưu giữ hồ sơ để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; ban hành Thông tư về tín dụng của công ty tài chính, trong đó quy định rất rõ về các quy định đòi nợ, lãi suất...
Ngoài ra, trong quá trình chỉ đạo, điều hành, NHNN chỉ đạo các TCTD đa dạng hóa sản phẩm, triển khai các chính sách cho vay ở vùng sâu, vùng xa. NHNN cũng chủ trì xây dựng chiến lược về tài chính toàn diện quốc gia, theo đó tất cả những đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc, cũng như những người yếu thế sẽ được quan tâm. NHNN cũng phối hợp tích cực với Bộ Công an tổ chức các hội nghị về phòng, chống tín dụng đen tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Một điểm quan trọng nữa, NHNN rất chú trọng truyền thông để bà con vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn hiểu được các chính sách tín dụng của Nhà nước, tín dụng cho hộ nghèo, đối tượng chính sách… NHNN đã triển khai một số chương trình trên truyền hình như Chương trình Tiền khôn, tiền khéo; Chương trình Tay hòm chìa khóa… trong đó bao hàm những hướng dẫn để bà con có thể biết được những sản phẩm, dịch vụ ngân hàng.
Đối với câu hỏi của đại biểu Vũ Thị Hương (đoàn Hà Giang) về tình trạng các TCTD báo cáo nợ xấu không đúng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN đã ban hành quy định pháp lý về phân loại các nhóm nợ và khi nào thì chuyển thành nợ xấu. Đối với các TCTD phân loại nợ sai hoặc báo cáo không đúng với tình trạng nợ, qua thanh tra phát hiện sẽ xử lý. Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng có hệ thống thông tin tín dụng, đây là một công cụ rất là tốt để các TCTD có thể kiểm tra xem khách hàng có khoản nợ ở TCTD khác hay không, trên cơ sở đó phân loại nợ chuẩn xác.
Dương Công Chiến (TBNH)