Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng làm việc với ngành Ngân hàng Đà Nẵng
Thứ sáu, 08/07/2022 - 11:17
Trong khuôn khổ chuyến công tác tại TP. Đà Nẵng, chiều ngày 7/7/2022 Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng có buổi làm việc với ngành Ngân hàng Đà Nẵng.
Trong khuôn khổ chuyến công tác tại TP. Đà Nẵng, chiều ngày 7/7/2022 Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng có buổi làm việc với ngành Ngân hàng Đà Nẵng. Cùng dự buổi làm việc có đồng chí Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam; đại diện lãnh đạo cơ quan NHNN, NHTMCP Nhà nước, NHNN chi nhánh TP. Đà Nẵng cùng các TCTD trên địa bàn...
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng chủ trì buổi làm việc
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Võ Minh - Giám đốc NHNN chi nhánh TP. Đà Nẵng cho biết, với nhiều nỗ lực và quyết tâm cao của các đơn vị trong toàn ngành, hoạt động ngân hàng trên địa bàn TP. Đà Nẵng trong suốt thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế ở địa phương.
Trong đó, hoạt động của ngành Ngân hàng TP. Đà Nẵng từ đầu năm 2022 đến nay ổn định, an toàn, bám sát các mục tiêu, định hướng tăng trưởng tín dụng của NHNN, chính sách tiền tệ, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng.
Cụ thể, đến cuối tháng 6/2022, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn đạt khoảng 170.000 tỷ đồng, tăng 10,39% so với cuối năm 2021, tăng 13,54% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung, tốc độ tăng trưởng huy động tiền gửi trên địa bàn có xu hướng tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2022. Đây là mức tăng cao nhất trong 2 năm gần đây.
Trong khi đó, đến cuối tháng 6/2022, dư nợ các thành phần kinh tế trên địa bàn đạt 209.000 tỷ đồng, tăng 5,04% so với cuối năm 2021, tăng 9,31% so với cùng kỳ năm trước. Cũng như huy động, hoạt động cho vay của các TCTD trên địa bàn từ đầu năm 2022 đến nay cũng đang có mức tăng trưởng tốt. Trong đó, dòng vốn tín dụng được tập trung vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên để hỗ trợ phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn.
Trong 2 năm vừa qua, đại dịch Covid-19 kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình hoạt động và sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn. Đứng trước khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, các TCTD ở Đà Nẵng đã nỗ lực vào cuộc, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Đến 31/5/2022, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ với dư nợ 9.680,84 tỷ đồng cho 3.859 khách hàng; lũy kế tổng giá trị nợ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ (từ 23/01/2020 đến 31/5/2022) là 21.335,47 tỷ đồng với 9.055 khách hàng.
Trong khi đó, cho vay mới từ 23/01/2020 đến 31/5/2022, doanh số cho vay mới lũy kế là 320.968,42 tỷ đồng, số dư nợ cuối tháng 5/2022 là 27.385,45 tỷ đồng với số khách hàng còn dư nợ là 9.741 khách hàng.
Những nỗ lực tiếp sức từ ngân hàng đã góp phần để nhiều doanh nghiệp ở địa phương vượt qua khó khăn, sớm ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh.
Nhằm hỗ trợ cho khách hàng, các TCTD trên địa bàn TP. Đà Nẵng đã kịp thời nắm bắt và triển khai thực hiện các chỉ đạo, chương trình, chính sách của NHNN, hội sở về lãi suất, tỷ giá, các chương trình hỗ trợ khách hàng, miễn giảm lãi, cơ cấu nợ… cho các đối tượng khách hàng theo quy định; cập nhật thường xuyên và niêm yết công khai trên website, các kênh thông tin cần thiết để người dân và doanh nghiệp tiếp cận một cách nhanh chóng và tiện lợi; đồng thời, tiếp tục rà soát, rút ngắn thời gian, đơn giản hóa quy trình hướng tới khách hàng, nhằm tinh giảm lượng hồ sơ mẫu biểu; sử dụng hồ sơ điện tử, giao dịch điện tử; cắt giảm các thủ tục thừa, không cần thiết gây mất thời gian cho khách hàng.
Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 kéo dài trong 2 năm qua đã tạo cơ hội để mở rộng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt và nhận thức của người dân về sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt đã có những chuyển biến tích cực. Qua đó, góp phần hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, kiểm soát dịch bệnh song song với ổn định xã hội và thúc đẩy sự phát triển trở lại của nền kinh tế.
Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt của các TCTD trên địa bàn tiếp tục phát triển ổn định, cơ sở hạ tầng thanh toán dần được hoàn thiện và chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cao, nhiều ứng dụng điện tử ra đời đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng.
Tính đến tháng 6/2022 trên địa bàn TP. Đà Nẵng có 555 ATM và 8.000 POS đang hoạt động, đáp ứng các yêu cầu về trang bị, quản lý, vận hành và đảm bảo an toàn hoạt động thông suốt, ổn định theo quy định của NHNN. Số lượng thẻ đã phát hành lũy kế đến 6/2022 trên địa bàn khoảng 650.000 thẻ. Trong đó, có 400.000 thẻ nội địa và 200.000 thẻ quốc tế...
Cũng theo ông Võ Minh, tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của địa phương, trong thời gian đến ngành Ngân hàng trên địa bàn Đà Nẵng sẽ nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, kiểm soát và xử lý nợ xấu, đảm bảo nâng cao chất lượng tín dụng, hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng; đặc biệt, tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu vốn tín dụng để phục hồi, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh; đồng thời, thúc đẩy chuyển đổi số, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của NHNN; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm vi phạm pháp luật trong hoạt động thanh toán; tăng cường theo dõi, giám sát tình hình hoạt động của mạng lưới ATM, POS của các TCTD và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán trên địa bàn...
Kết luận buổi làm việc, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đánh giá cao hoạt động của NHNN Chi nhánh TP. Đà Nẵng trong thời gian qua. Trong đó, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ của Ngành, hỗ trợ Đà Nẵng phát triển kinh tế - xã hội, phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19. Thời gian tới, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, Thống đốc đề nghị ngành Ngân hàng trên địa bàn cần tiếp tục nỗ lực triển khai có hiệu quả các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng, đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ, phục vụ tốt cho nhu cầu các tổ chức, doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Trong đó, Thống đốc đề nghị NHNN Chi nhánh TP. Đà Nẵng cần bám sát các chủ trương, định hướng từ NHNN; kịp thời nắm bắt, xử lý những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện; chỉ đạo các TCTD trên địa bàn kịp thời nắm bắt các hướng dẫn của NHNN, hội sở về chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN của NHNN tăng cường mở rộng truyền thông, đảm bảo khách hàng thụ hưởng tiếp cận kịp thời chương trình hỗ trợ lãi suất; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc hỗ trợ lãi suất của các chi nhánh TCTD; chỉ đạo các TCTD trên địa bàn triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng và các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19...
Đối với TCTD, cần tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, kiểm soát và xử lý nợ xấu, đảm bảo nâng cao chất lượng tín dụng, hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng; đặc biệt, tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu vốn tín dụng để phục hồi, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn...
Nghi Lộc (TBNH)