[In trang]
Công bố kết quả nghiên cứu về hiện trạng nữ giới ngành Ngân hàng
Thứ tư, 13/07/2022 - 11:09
Ngày 08/7/2022, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Ngân hàng đã phối hợp với Công đoàn Ngân hàng Việt Nam và Tổ chức tài chính (IFC) công bố kết quả nghiên cứu về hiện trạng nữ giới ngành Ngân hàng.
Ngày 08/7/2022, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Ngân hàng đã phối hợp với Công đoàn Ngân hàng Việt Nam và Tổ chức tài chính (IFC) công bố kết quả nghiên cứu về hiện trạng nữ giới ngành Ngân hàng. Đây là một nội dung trong chương trình Hội nghị phụ nữ Ngân hàng năm 2022 được tổ chức tại Đà Nẵng.
Nghiên cứu được thực hiện dựa trên kết quả của cuộc khảo sát về giới lớn nhất trong ngành Ngân hàng từ trước đến nay, do 39.094 nhân viên của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và 50 ngân hàng thương mại tham gia, một cuộc khảo sát nhân sự do 17 ngân hàng thương mại và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tham gia, và phỏng vấn định tính với lãnh đạo cấp cao và quản lý cấp trung tại 4 ngân hàng. Kết quả nghiên cứu cung cấp tổng quan về vị trí của nữ giới và nam giới trong ngành Ngân hàng, đồng thời chỉ ra các cơ hội để cải thiện mức độ tham gia của nữ giới trong các vị trí lãnh đạo trong ngành. Toàn bộ nghiên cứu được thực hiện từ tháng 9/2021 đến tháng 3/2022.
Tại Lễ công bố, bà Shalaka Joshi, Trưởng nhóm Giới và phát triển kinh tế bao trùm khu vực Nam Á, IFC đã trình bày tóm tắt báo cáo kết quả nghiên cứu hiện trạng nữ giới ngành Ngân hàng. Báo cáo tập trung vào một số nhóm vấn đề chính như: Vị trí của nữ giới và nam giới trong ngành Ngân hành; Thực trạng bình đẳng giới trong Ngành; Sự thăng tiến của nữ giới tại nơi làm việc, cơ hội học tập và phát triển; Cân bằng công việc và cuộc sống gia đình; Môi trường làm việc…
Chuyên gia IFC trình bày tại hội nghị
Thông qua kết quả nghiên cứu, IFC nhận định ngành Ngân hàng đã có tiến bộ tốt về bình đẳng giới. Để cải thiện hơn nữa trong thời gian tới và giúp thu hẹp khoảng cách giới còn lại, IFC cũng đưa ra một loạt khuyến nghị, với trọng tâm là việc tăng cường mức độ tham gia của nữ giới trong các vị trí lãnh đạo và quản lý cấp cao, vì đây là nơi có khoảng cách giới lớn nhất. Những số liệu trong báo cáo cũng là tiền đề gợi mở ra những điều cần phân tích, làm rõ về vấn đề bình đẳng giới trong ngành Ngân hàng, được đưa ra tại Tọa đàm "Phụ nữ Ngân hàng bình đẳng, tiến bộ vì mục tiêu phát triển bền vững" sau đó.
Được biết nghiên cứu hiện trạng nữ giới ngành Ngân hàng là hợp phần đầu tiên trong Thỏa thuận hợp tác giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và IFC về Nâng cao vai trò lãnh đạo nữ trong ngành Ngân hàng. Đây là cơ sở quan trọng phục vụ cho IFC trong việc nghiên cứu về giới trong ngành tài chính Ngân hàng tại Việt Nam để hướng đến tăng cường vai trò của lãnh đạo nữ trong Ngành Ngân hàng, qua đó góp phần vào công tác thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam nói chung.
Báo cáo đầy đủ về nghiên cứu thực trạng nữ giới ngành Ngân hàng sẽ được Công đoàn Ngân hàng Việt Nam đăng tải sớm nhất để làm cơ sở để các đơn vị trong Ngành nghiên cứu và triển khai tốt hơn công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Ngân hàng.
Hà Phương