[In trang]
Ngành Ngân hàng đẩy mạnh các hoạt động về bình đẳng giới
Thứ sáu, 16/12/2022 - 15:47
​Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình đối với sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó. Mục tiêu bình đẳng giới là xóa bỏ phân biệt đối xử về giới; tạo cơ hội như nhau đối với nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội, nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ;
Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình đối với sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó. Mục tiêu bình đẳng giới là xóa bỏ phân biệt đối xử về giới; tạo cơ hội như nhau đối với nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội, nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ; thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng quan tâm đến công tác bình đẳng giới, được cụ thể hóa trên nhiều văn bản, quy định của pháp luật như: Luật Bình đẳng giới số 73/2006/QH11 ngày 29/6/2006 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Nghị định số 70/2008/NĐ-CP ngày 04/6/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bình đẳng giới; Nghị định số 48/2009/NĐ-CP ngày 19/5/2009 của Chính phủ quy định về các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới; Quyết định số 2351/QĐ-TTg ngày 24/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020; Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030...

Theo quan điểm của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020, công tác bình đẳng giới là một trong những yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và toàn xã hội; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp, sự tham gia của mỗi cá nhân, từng gia đình và cả cộng đồng đối với công tác bình đẳng giới; huy động tối đa mọi nguồn lực để thực hiện có hiệu quả công tác bình đẳng giới. Ngày 02/10/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1696/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016 - 2020; theo đó, hằng năm, sẽ triển khai thực hiện các hoạt động “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới” trong thời gian từ ngày 15/11 đến ngày 15/12.

Đối với Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030, mục tiêu chính là tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước. Để tuyên truyền sâu rộng trong toàn dân về công tác bình đẳng giới, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1790/QĐ-TTg ngày 23/10/2021 phê duyệt Chương trình truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030 đề ra một số nhiệm vụ, trong đó, yêu cầu tăng cường cung cấp thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách và kết quả thực hiện công tác bình đẳng giới cho các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân; tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền phù hợp cho các nhóm đối tượng theo định kỳ và vào các đợt cao điểm hằng năm; đẩy mạnh xã hội hóa công tác truyền thông, huy động nguồn lực, phương tiện và sự tham gia, hưởng ứng của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là các nhà lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, những người có uy tín và ảnh hưởng lớn trong xã hội; mở rộng và đẩy mạnh công tác giáo dục về bình đẳng giới trong gia đình, nhà trường, cộng đồng và thúc đẩy sự tham gia của trẻ em; tăng cường truyền thông về luật pháp, chính sách và những thành tựu, kết quả về bình đẳng giới của Việt Nam cho các đối tác quốc tế; tích cực đấu tranh, phản bác những thông tin sai lệch về bình đẳng giới và các chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam…

Để tạo sự chuyển biến tích cực và nâng cao trách nhiệm của các cấp công đoàn trong công tác bình đẳng giới, dân số và phát triển; đồng thời, tăng cường hoạt động của các cấp công đoàn trong tuyên truyền, vận động và tham gia xây dựng, giám sát, phản biện xã hội việc thực hiện chính sách, pháp luật về dân số, bình đẳng giới, chăm lo tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nữ đoàn viên người lao động (ĐVNLĐ), ngày 05/7/2021, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 120/KH-TLĐ thực hiện “Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030” và “Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030” trong công nhân viên chức lao động.


Ngành Ngân hàng tích cực triển khai các chương trình hành động về bình đẳng giới

Xác định được vai trò quan trọng của công tác bình đẳng giới đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, trong thời gian qua, Ban Cán sự Đảng, Ban Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác cán bộ nữ và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, tạo điều kiện để phụ nữ phát triển, phát huy năng lực, trí tuệ đóng góp cho sự phát triển của Ngành.
 
 

Lực lượng lao động nữ trong toàn ngành Ngân hàng đang chiếm tới hơn 58% 

Tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Kế hoạch hành động về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Ngân hàng giai đoạn 2016 - 2020 diễn ra cuối năm 2020, con số thống kê cho thấy, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy Đảng các cấp của hệ thống NHNN là 42,6%, của ngân hàng thương mại (NHTM) chiếm 32,4%; con số chung của Ngành là 39%, so với mục tiêu quốc gia là 25% trở lên. Vị trí lãnh đạo, quản lý cấp trung của NHNN là 51%, NHTM là 54%; vị trí lãnh đạo cao cấp của NHNN là 24%, NHTM là 30%; cán bộ nữ thuộc quy hoạch cấp Vụ của NHNN giai đoạn 2021 - 2026 là 39%, quy hoạch cấp Phòng là 62%; tỷ lệ nữ tiến sỹ của Ngành là 59%, nữ thạc sỹ là 63,3%. Những con số này là một minh chứng sinh động về vai trò, vị trí quan trọng của lao động nữ trong ngành Ngân hàng1.

Theo thống kê, lực lượng lao động nữ trong toàn ngành Ngân hàng đang chiếm tới hơn 58%, tham gia trên tất cả các lĩnh vực, từ hoạch định chính sách, đào tạo, thực hiện các nghiệp vụ khác nhau của Ngân hàng Trung ương, ngân hàng thương mại, đến các hoạt động xã hội, đoàn thể.

Thực hiện Nghị quyết số 28/NQ-CP và các văn bản hướng dẫn có liên quan của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, đồng thời nhằm tiếp tục duy trì và phát huy kết quả đã đạt được và hướng tới thúc đẩy bình đẳng giới trong ngành Ngân hàng, ngày 31/12/2021, Thống đốc NHNN đã ký Quyết định số 2133/QĐ-NHNN ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới ngành Ngân hàng giai đoạn 2021 - 2030.

Kế hoạch đã đề ra mục tiêu tổng quát là tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm thu hẹp khoảng cách giới; tạo điều kiện, cơ hội bình đẳng đối với nữ cán bộ, ĐVNLĐ ngành Ngân hàng khi tham gia các lĩnh vực hoạt động cũng như thụ hưởng các chế độ, chính sách, góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành Ngân hàng và thực hiện có hiệu quả chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030.

Kế hoạch cũng đề ra một số nhiệm vụ chung, yêu cầu cấp ủy đảng các cấp, lãnh đạo cơ quan, đơn vị trước hết là người đứng đầu lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và tăng cường phối hợp triển khai, thực hiện: (i) Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, lãnh đạo chuyên môn các cấp trong việc nâng cao nhận thức, triển khai thực hiện công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Ngân hàng. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách về bình đẳng giới; (ii) Xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật ngân hàng bảo đảm các nguyên tắc bình đẳng giới. Thực hiện lồng ghép các nội dung bình đẳng giới trong xây dựng chính sách, pháp luật và các chương trình, kế hoạch hoạt động có liên quan của ngành Ngân hàng; (iii) Nâng cao năng lực về bình đẳng giới cho cán bộ làm công tác pháp chế, tăng cường lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ vào các vị trí quản lý ở các cấp hoạch định chính sách; (iv) Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, ứng dụng công nghệ thông tin để phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới trong đội ngũ cán bộ, ĐVNLĐ trong ngành Ngân hàng; (v) Tăng cường năng lực, kiến thức cho cán bộ làm công tác bình đẳng giới; thường xuyên theo dõi, tăng cường công tác kiểm tra việc triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch có liên quan đến công tác bình đẳng giới; (vi) Chủ động, tăng cường hợp tác quốc tế, mở rộng hoạt động phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước để thực hiện thành công các mục tiêu bình đẳng giới của ngành Ngân hàng và của quốc gia.

Bên cạnh đó, ngày 14/4/2022, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam đã có Hướng dẫn số 261/HD-CĐNH triển khai công tác bình đẳng giới, dân số, gia đình và trẻ em năm 2022 đối với các cấp công đoàn trong ngành Ngân hàng, trong đó, về công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, yêu cầu các cấp công đoàn thuộc hệ thống Công đoàn Ngân hàng Việt Nam chủ động phối hợp với Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ cùng cấp nghiên cứu, xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện các hoạt động về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ phù hợp, trên cơ sở Quy chế phối hợp hoạt động bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Ngân hàng...; đồng thời, quán triệt triển khai và phổ biến kịp thời, đầy đủ nội dung đã nêu trong Văn bản số 37/CĐNH ngày 26/01/2022 của Công đoàn Ngân hàng Việt Nam về việc triển khai kế hoạch thực hiện “Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới” và “Chiến lược Dân số” đến năm 2030...

Trong năm 2022, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam đã triển khai, hướng dẫn thực hiện nhiều văn bản của các cấp, các ngành liên quan đến công tác bình đẳng giới đến các cấp công đoàn trong toàn hệ thống; tổ chức nhiều chương trình, hoạt động như nói chuyện chuyên đề, tổ chức gặp mặt, thi nấu ăn, giao lưu thể thao, văn nghệ nhân dịp Kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 20/10, tạo những sân chơi bổ ích cho nữ ĐVNLĐ; tổ chức thành công tọa đàm với chủ đề: “Tăng cường phúc lợi cho lao động nữ - Thúc đẩy hoạt động nữ công công đoàn trong ngành Ngân hàng” vào ngày Gia đình Việt Nam 28/6/2022; tổ chức Hội nghị truyền thông chuyên đề về công tác phòng, chống bạo lực, chống quấy rối tình dục... cho hơn 200 cán bộ, ĐVNLĐ ngành Ngân hàng trên 09 tỉnh miền Bắc gắn với Kỷ niệm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 20/10 và Tháng hành động vì bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2022 tại tỉnh Thái Nguyên vào ngày 21/10/2022.

Cũng nhân dịp Kỷ niệm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 20/10 và Tháng hành động vì bình đẳng giới, nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa đã được các đơn vị trong ngành Ngân hàng triển khai tích cực như: Nói chuyện chuyên đề về Bình đẳng giới tại nơi làm việc của Ngân hàng Hợp tác xã; tập huấn về bình đẳng giới, dân số, gia đình và trẻ em của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam; nói chuyện chuyên đề về Chăm sóc sức khỏe phụ nữ tại các Công đoàn cơ sở thuộc Ngân hàng Chính sách xã hội; Giải Bóng đá Mùa thu của Ngân hàng Trung ương...

Ngày 08/7/2022, tại Đà Nẵng, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Ngân hàng đã phối hợp với Công đoàn Ngân hàng Việt Nam tổ chức Hội nghị Phụ nữ ngành Ngân hàng năm 2022. Hội nghị có sự tham dự và chỉ đạo của Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, cùng với sự điều hành của Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú - Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam, Trưởng Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Ngân hàng. Tại Hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú đã phát biểu, đánh giá cao sự đóng góp của nữ cán bộ, ĐVNLĐ ngành Ngân hàng đối với sự phát triển của Ngành. Phó Thống đốc cũng chia sẻ, công tác bình đẳng giới là một bộ phận cấu thành quan trọng của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, là cơ sở nền tảng của chiến lược phát triển con người của Đảng và Nhà nước ta, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Ngân hàng đã xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới ngành Ngân hàng giai đoạn 2021 - 2030. Bên cạnh đó, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam với vai trò là tổ chức đại diện cho người lao động Ngành đã làm tốt công tác chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, người lao động, trong đó có lao động nữ.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết, công tác bình đẳng giới, chăm lo bảo vệ quyền lợi cho nữ cán bộ, ĐVNLĐ trong ngành Ngân hàng vẫn luôn được quan tâm và được thực hiện bài bản, có kế hoạch rõ ràng và lộ trình triển khai chi tiết, bám sát chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Ủy ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ và các bộ, ngành có liên quan. Phát triển đội ngũ cán bộ nữ là một nội dung quan trọng trong triển khai công tác cán bộ, đó là xây dựng đội ngũ cán bộ nữ có bản lĩnh, phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ giỏi, tâm huyết với công việc. Trong thời gian tới, để nâng cao công tác cán bộ nữ ngành Ngân hàng, các đơn vị cần tiếp tục chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ nữ có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ giỏi, nhiệt tình, tâm huyết với công việc. Từ đó, lựa chọn, giới thiệu những nữ cán bộ có đủ tiêu chuẩn tham gia cấp ủy, quy hoạch và bổ nhiệm giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, tạo điều kiện để cán bộ nữ đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của Ngành.

Trong quá trình xây dựng các chương trình, kế hoạch triển khai công tác bình đẳng giới và hoạt động công đoàn, nữ công, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ và Công đoàn các cấp cần chú trọng hướng đến các giải pháp thực chất, hiệu quả; hạn chế đến mức tối đa hoạt động mang tính hình thức; tăng cường triển khai hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn và kỹ năng để nâng cao năng lực cho cán bộ nữ. Trong đó, chú trọng các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý, kỹ năng cân bằng giữa công việc và gia đình.

Bên cạnh đó, cần tăng cường tìm kiếm sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế trong việc triển khai công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ và các phong trào thi đua mang tính đặc thù về giới trong ngành Ngân hàng. Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Ngân hàng và Công đoàn Ngân hàng Việt Nam thúc đẩy triển khai giải pháp để phụ nữ ngành Ngân hàng thể hiện trách nhiệm xã hội, có đóng góp vào sự phát triển chung của phụ nữ Việt Nam và của cộng đồng, qua đó, góp phần xây dựng uy tín, hình ảnh của ngành Ngân hàng.


Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động bình đẳng giới

Xác định công tác bình đẳng giới là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần được ưu tiên, trong thời gian tới, ngành Ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh triển khai có hiệu quả Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới của ngành Ngân hàng giai đoạn 2021 - 2030, trong đó, tập trung thực hiện 6 mục tiêu cụ thể sau:

Thứ nhất, trong lĩnh vực chính trị: Tỷ lệ cán bộ nữ giữ vị trí lãnh đạo NHNN đạt ít nhất 25% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030; đến năm 2030, 100% đơn vị NHNN có nữ cán bộ lãnh đạo chủ chốt (cấp phòng trở lên);

Thứ hai, trong lĩnh vực kinh tế, lao động: Hằng năm, số người được tuyển dụng mới của Ngành đảm bảo tỷ lệ nữ chiếm ít nhất 40%; tỷ lệ cán bộ nữ giữ vị trí lãnh đạo, quản lý đạt ít nhất 40% vào năm 2025 và 50% vào năm 2030;

Thứ ba, trong đời sống gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới: 100% đơn vị triển khai các hoạt động trợ giúp, truyền thông nâng cao nhận thức về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; từ năm 2025 trở đi đạt tỷ lệ 100% đơn vị ban hành chính sách hỗ trợ, bảo vệ cho nữ cán bộ hoặc lồng ghép các nội dung nói trên trong xây dựng các văn bản chính sách liên quan.

Thứ tư, trong lĩnh vực y tế: 100% cán bộ được khám sức khỏe định kỳ và cán bộ nữ được khám chuyên khoa nữ hằng năm; 100% các đơn vị thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật về các chế độ, chính sách liên quan đến chăm sóc sức khỏe cho cán bộ.

Thứ năm, trong giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng: 100% cán bộ làm công tác bình đẳng giới được đào tạo kỹ năng về bình đẳng giới. Từ năm 2025 trở đi: Tỷ lệ nữ thạc sĩ đạt tỷ lệ không dưới 55% trong tổng số thạc sĩ ngành Ngân hàng và tỷ lệ nữ tiến sĩ đạt tỷ lệ không dưới 35% trong tổng số tiến sĩ; 100% cán bộ quản lý, lãnh đạo các cấp (từ cấp phòng trở lên) được trang bị kiến thức về bình đẳng giới và kỹ năng quản lý, lãnh đạo; 100% cán bộ tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; các thành viên của Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ và Ban Nữ công các đơn vị được tuyên truyền, phố biến, tập huấn kiến thức về giới, phân tích và lồng ghép giới; đưa nội dung về giới, bình đẳng giới vào chương trình đào tạo tại các trường đại học của ngành Ngân hàng.

Thứ sáu, phấn đấu đạt tỷ lệ 100% đơn vị và cán bộ được tuyên truyền, phổ biến về giới và bình đẳng giới. Hằng năm, đạt tỷ lệ 100% các đơn vị xây dựng kế hoạch, triển khai hoạt động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạn lực trên cơ sở giới.

Ngành Ngân hàng tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về công tác bình đẳng giới trong tình hình mới nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, lãnh đạo chuyên môn và các tổ chức đoàn thể các đơn vị; từ đó, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ và hiệu quả trong công tác bình đẳng giới, thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ tại các đơn vị; xây dựng và tổ chức triển khai có hiệu quả các kế hoạch, chương trình, chính sách, quy định dành cho cán bộ nữ, hướng tới bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Ngân hàng; kịp thời điều chỉnh cách thức triển khai các chương trình đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lao động nữ đảm bảo kế hoạch đào tạo đã đặt ra, trong đó chú trọng công tác đào tạo cán bộ nữ trong diện quy hoạch và nữ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; tiếp tục tìm kiếm nguồn hỗ trợ, phối hợp công tác từ các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Ngân hàng.
Phương Linh (tapchinganhang.gov.vn)