Hoàn thiện mô hình hoạt động công đoàn ngành xuyên suốt
Thứ bảy, 25/03/2023 - 17:17
Ngày 25/3/2023, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam phối hợp cùng báo Lao Động tổ chức Hội thảo Hoàn thiện mô hình hoạt động công đoàn ngành xuyên suốt.
Ngày 25/3/2023, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam phối hợp cùng báo Lao Động tổ chức Hội thảo Hoàn thiện mô hình hoạt động công đoàn ngành xuyên suốt.
Tới dự Hội thảo có đ/c Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực NHNN, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam; đ/c Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; đ/c Nguyễn Ngọc Hiển - Tổng biên tập báo Lao động; đ/c Nguyễn Văn Tân - Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn NHVN; đ/c Nguyễn Khánh Chi - Phó Chủ tịch Công đoàn NHVN; cùng lãnh đạo các Công đoàn ngành trung ương, công đoàn cấp trên cơ sở, công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn NHVN...
Đ/c Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực NHNN, Chủ tịch Công đoàn NHVN và đ/c Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam chủ trì hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Thống đốc Thường trực NHNN, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam Đào Minh Tú nhấn mạnh: “Ngành Ngân hàng đã có 30 năm hoạt động theo mô hình công đoàn ngành. Chặng đường đi qua đã chứng minh mô hình Công đoàn Ngành hiệu quả, phù hợp với đặc thù, chức năng mô hình tổ chức dọc của ngành Ngân hàng (từ Trung ương đến địa phương).
Việc tiếp tục hoàn thiện mô hình này cũng là vấn đề rất được quan tâm, đặc biệt sau Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã có những Nghị quyết, chỉ đạo chung để 10 công đoàn chuyên ngành tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện để mô hình hoạt động này nhằm phát huy hiệu quả vai trò của những tổ chức công đoàn và chăm lo cho người lao động”.
Thông qua hội thảo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước mong muốn sẽ tập hợp được sức mạnh và tạo ra diễn đàn chung theo tính chất ngành nghề. Ông cũng nhận định việc công đoàn tiếp tục hoàn thiện theo mô hình dọc là hết sức phù hợp.
Tại hội thảo, ông Đỗ Văn Quảng - Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn Xây dựng Việt Nam cho rằng, hiện nay, mô hình tổ chức trong hệ thống công đoàn ngành Xây dựng chưa có sự thống nhất.
Một số doanh nghiệp đủ điều kiện nhưng chưa thành lập công đoàn cơ sở mà chỉ là công đoàn cơ sở thành viên hoặc công đoàn bộ phận nên hạn chế vai trò, quyền hạn của công đoàn cơ sở nhất là việc đại diện người lao động trong quan hệ lao động tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Chính vì vậy, ông Quảng kiến nghị, cần tiếp tục thực hiện thí điểm mô hình công đoàn ngành xuyên suốt: Công đoàn ngành Trung ương, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở (trong đó có công đoàn ngành địa phương), công đoàn cơ sở.
“Về cơ bản, hệ thống Công đoàn Việt Nam đã có các công đoàn ngành theo hai lĩnh vực nêu trên và đây cũng là xu hướng phổ biến của các quốc gia, có những công đoàn ngành đã vượt ra ngoài biên giới quốc gia để liên kết quốc tế theo xu hướng hội nhập. Vì vậy, trong thời gian tới, đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh thực hiện thí điểm mô hình công đoàn ngành xuyên suốt: Công đoàn ngành Trung ương, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở (trong đó có công đoàn ngành địa phương), công đoàn cơ sở. Đồng thời vận động các tổ chức mới thành lập của người lao động gia nhập các công đoàn ngành, nghề đang có trong hệ thống Công đoàn Việt Nam”, ông Quảng nói.
Bà Nguyễn Thị Bích Hợp, Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ đạo Liên đoàn Lao động các địa phương thực hiện chuyển công đoàn các đơn vị trực thuộc Bộ GDĐT về Công đoàn Giáo dục Việt Nam quản lý. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có cơ chế, lộ trình phù hợp để Công đoàn Giáo dục Việt Nam được thực hiện mô hình công đoàn ngành xuyên suốt từ Trung ương đến cơ sở theo tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12.6.2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.
Bà Nguyễn Thị Bích Hợp, Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam
Ông Quách Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam cho biết, trong những năm gần đây, hoạt động của Công đoàn Công Thương Việt Nam có những thay đổi, điều chỉnh. Trọng tâm hoạt động công đoàn hướng vào thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi người lao động, thông qua việc thực thi pháp luật về lao động, đẩy mạnh thương lượng, ký kết thoả ước lao động tập thể, đối thoại tại nơi làm việc, giải quyết hài hòa lợi ích của người lao động với lợi ích doanh nghiệp.
Ông Quách Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam
Tuy nhiên, ông Quách Văn Ngọc cho rằng, Công đoàn Công Thương Việt Nam là công đoàn ngành đa lĩnh vực nên không thể tập trung vào một ngành cụ thể, chất lượng tham gia ngành nghề hạn chế, khó có thể xây dựng thoả ước lao động tập thể cấp ngành. Ông cũng cho rằng mô hình công đoàn ngành theo hệ thống quản lý hành chính trên dưới (theo chiều dọc) chặt chẽ, bài bản, nhưng quan hệ với các công đoàn khác cùng ngành nghề (quan hệ ngang) còn thiếu quy định, thiếu kinh nghiệm. Còn lực lượng lớn người lao động cùng ngành nghề khu công nghiệp, khu chế xuất địa phương không có sự liên hệ ngành nghề với công đoàn ngành địa phương, công đoàn ngành Trung ương.
Phó Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam đề xuất, kiến nghị, lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các cấp ủy Đảng quán triệt, thực hiện có kết quả Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới. Trong đó, quan tâm chỉ đạo hoàn thiện tổ chức và đổi mới hoạt động của các công đoàn ngành Trung ương để đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới.
Đ/c Nguyễn Văn Tân - Phó Chủ tịch thường trực Công đoàn NHVN phát biểu tại hội nghị
Theo ông Lê Giang Long - Công đoàn Ngân hàng Chính sách xã hội, trong dịch COVID-19 vừa qua, Công đoàn đã quan tâm kịp thời, hỗ trợ đến các đoàn viên công đoàn bị ảnh hưởng bởi dịch và tham gia hỗ trợ công tác ở tuyến đầu chống dịch. Trong những đợt thiên tai, lũ lụt trong năm vừa qua, Công đoàn cũng đã hỗ trợ kịp thời cho những đối tượng gặp khó khăn đó... “Những thông tin trên đã minh chứng cho mô hình hoạt động xuyên suốt từ Trung ương tới cơ sở trong hệ thống Công đoàn Ngân hàng Chính sách xã hội. Dưới sự chỉ đạo của cấp uỷ Đảng đồng cấp, cũng như ban lãnh đạo chuyên môn và ban lãnh đạo Công đoàn ngân hàng từ Trung ương tới cơ sở của Ngân hàng Chính sách xã hội đã đạt được những kết quả tích cực, tạo nên sự đoàn kết, gắn bó giữa những đoàn viên công đoàn để chung tay thực hiện nghiệm vụ chuyên môn và an sinh xã hội khác”, ông Long nói.
Ông Lê Giang Long - Đại diện Công đoàn Ngân hàng Chính sách xã hội
Ông Hà Văn Nam - Ủy viên Ban chấp hành Công đoàn cơ sở Ngân hàng SHB chia sẻ, Công đoàn cơ sở SHB được thành lập năm 2009, ban đầu sinh hoạt tại Liên đoàn Lao động Quận Hoàn Kiếm - TP Hà Nội. Đến năm 2011, Công đoàn cơ sở SHB chính thức chuyển sinh hoạt về Công đoàn Ngân hàng Việt Nam (Công đoàn ngành Ngân hàng - Công đoàn Ngành Trung ương) và hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích, dưới sự quản lý và chỉ đạo của Công đoàn ngành ngân hàng suốt từ đó đến nay.
Thực tế cho thấy, khi chưa trực thuộc Công đoàn Ngân hàng Việt Nam, tình hình hoạt động của Công đoàn cơ sở SHB còn nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập khi hoạt động rải rác trên nhiều địa bàn trong cả nước. Đặc biệt chưa có sự thống nhất, tập trung trong toàn hệ thống, các hoạt động công đoàn và chuyên môn chưa thực sự gắn kết. Nhiều nơi công đoàn chưa nhận được sự ủng hộ chuyên môn (vì các hoạt động công đoàn không được chỉ đạo từ hệ thống Hội sở chính…), đội ngũ cán bộ công đoàn hoạt động kiêm nhiệm cũng chưa được tạo điều kiện về chuyên môn, nghiệp vụ, về thời gian và kinh phí hoạt động… Tuy nhiên, khi chuyển sinh hoạt theo hệ thống Công đoàn ngành Ngân hàng, nhờ sự chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt, các hoạt động giữa chuyên môn và công đoàn từ cấp Trung ương/Hội sở chính đến từng cơ sở có sự gắn kết.
Ông Hà Văn Nam - Ủy viên BCH CĐCS SHB
Những chuyển biến tích cực, hiệu quả được thể hiện rõ nét trên các mặt sau: Thứ nhất, các hoạt động công đoàn khi tổ chức, phát động có sự gắn kết với nhiệm vụ chuyên môn và có những đóng góp to lớn cho kết quả hoạt động kinh doanh của toàn đơn vị. Thứ hai, cán bộ công đoàn kiêm nhiệm được Công đoàn ngành Ngân hàng tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ và có sự trợ giúp tích cực, kịp thời về chuyên môn… mọi vướng mắc, phát sinh đều được Công đoàn Ngân hàng Việt Nam chỉ dẫn, giải quyết nhanh chóng.
Thứ ba, công đoàn đã phát huy tốt vai trò trong việc tham gia đề xuất lãnh đạo các cấp trong hệ thống quan tâm, tạo điều kiện trong hoạt động và đặc biệt là trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ vào các chức danh, vị trí lãnh đạo công đoàn các cấp. Thứ tư, đời sống của đoàn viên công đoàn trong hệ thống SHB đã được công đoàn ngành quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp, kịp thời; Nhiều trường hợp cán bộ, đoàn viên công đoàn SHB có hoàn cảnh khó khăn, nhất là những trường hợp bị nhiễm Covid-19 trong đại dịch vừa qua, đã được Công đoàn ngành Ngân hàng hỗ trợ một cách khẩn trương, đầy đủ, đúng quy định…
Từ đó giúp đoàn viên, người lao động yên tâm, phấn khởi công tác, tích cực hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần vào thành công chung của cơ quan, đơn vị, tổ chức công đoàn và của ngành.
Thứ năm, theo đó hoạt động của Công đoàn cơ sở SHB cũng ngày càng đi vào nền nếp, bài bản hơn; Chế độ phúc lợi, đời sống của đoàn viên, người lao động ngày càng được cải thiện, nâng cao, uy tín của Công đoàn cơ sở dần được khẳng định, “tiếng nói của công đoàn” ngày càng được Ban lãnh đạo quan tâm, đánh giá cao... Thứ sáu, có thể khẳng định việc Công đoàn cơ sở SHB chuyển sinh hoạt về trực thuộc Công đoàn Ngân hàng Việt Nam thực sự là kết quả đáng khích lệ và trân trọng, đã góp phần phát triển cả về chất và lượng của đội ngũ cán bộ Công đoàn SHB nói riêng và đời sống của đoàn viên, người lao động SHB nói chung.
Hội thảo là một trong những hoạt động nổi bật chào mừng kỷ niệm 30 năm thành lập Công đoàn Ngân hàng Việt Nam, hướng tới Đại hội VII Công đoàn Ngân hàng Việt Nam và Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2023 - 2028. Hội thảo cũng khẳng định sau 30 năm thành lập Công đoàn Ngân hàng Việt Nam theo mô hình tập trung, xuyên suốt đã chứng minh được tính hiệu quả của mô hình tổ chức này, mô hình cũng phù hợp theo yêu cầu tất yếu của phong trào công nhân, viên chức, người lao động trong ngành Ngân hàng. Đồng thời cũng thể hiện xu thế của công đoàn ngành nghề các nước trên thế giới.
Việc triển khai xây dựng mô hình công đoàn ngành thống nhất, tập trung, xuyên suốt là cần thiết đối với các nơi có tính chất ngành nghề rõ rệt để tập hợp đoàn viên người lao động, tạo được tiếng nói chung, đại diện cho đoàn viên, người lao động động hoạt động trong cùng ngành, lĩnh vực, giúp hoạt động công đoàn các Bộ, Ngành phát huy tối đa được vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình và tạo điều kiện chăm lo tốt nhất cho đoàn viên, người lao động hoạt động trong cùng lĩnh vực, ngành, nghề.
Thanh Thuỷ