Cần sớm triển khai thí điểm mô hình công đoàn ngành, công đoàn tổng công ty trực thuộc tập trung, xuyên suốt, hiệu quả
Thứ ba, 30/07/2024 - 13:47
Chiều 29/7/2024, tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện Đề án và Kế hoạch triển khai thí điểm mô hình công đoàn ngành, công đoàn tổng công ty trực thuộc, tập trung, xuyên suốt, hiệu quả.
Hội thảo có với sự tham dự của 5 đơn vị thí điểm và 16 địa phương có các công đoàn cơ sở trực thuộc các đơn vị thí điểm.
Hội thảo diễn ra dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Xuân Hùng; Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam Đào Minh Tú; ông Tống Văn Băng - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Trưởng ban Tổ chức Tổng Liên đoàn.
Báo cáo đề dẫn Hội thảo, đồng chí Tống Văn Băng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban tổ chức Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, việc xây dựng Đề án và Kế hoạch triển khai Đề án thí điểm sắp xếp công đoàn ngành, công đoàn tổng công ty trực thuộc, tập trung, xuyên suốt, hiệu quả nhằm thực hiện Chương trình hành động số 02/CT-BCH ngày 20/7/2021 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khoá XII về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 02- NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”; Thông báo số 97/TB-TLĐ ngày 14/6/2024 kết luận Hội nghị Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn lần thứ năm (khoá XIII) về thống nhất chủ trương thí điểm mô hình sắp xếp công đoàn ngành, công đoàn tổng công ty trực thuộc theo hướng tập trung, xuyên suốt, hiệu quả.
Ngành Ngân hàng đã sẵn sàng thực hiện thí điểm
Theo Dự thảo Kế hoạch triển khai Đề án thí điểm mô hình sắp xếp công đoàn ngành, công đoàn tổng công ty trực thuộc theo hướng tập trung, xuyên suốt, hiệu quả 5 đơn vị được chọn bao gồm: 1 đơn vị thí điểm toàn diện 01 ngành: Công đoàn Ngân hàng Việt Nam, 4 công đoàn ngành thí điểm từng phần là Công đoàn Giáo dục Việt Nam; Công đoàn Y Tế Việt Nam; Công đoàn Công thương Việt Nam; Công đoàn Dệt May Việt Nam.
Trong đó, việc thí điểm toàn diện Công đoàn Ngân hàng Việt Nam sẽ bắt đầu thực hiện từ Quý IV năm 2024 và hoàn thành công tác bàn giao tổ chức, đoàn viên công đoàn; sắp xếp lại mô hình cho phù hợp (nếu cần thiết). Từ quý I năm 2025 đến hết quý III năm 2027, Công đoàn ngành xây dựng nội dung, chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị thực hiện nhiệm vụ trong khung khổ thí điểm. Quý IV năm 2027 tổng kết hoạt động thí điểm.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Xuân Hùng cho biết: “Đây là nhiệm vụ mới, khó và việc triển khai thí điểm sẽ ảnh hưởng có tính quyết định đến việc thành công thực hiện công cuộc đổi mới hoạt động của tổ chức công đoàn”. Mặc dù là mô hình chưa có tiền lệ triển khai trong thực tế, song đại diện các đơn vị thí điểm và các địa phương ủng hộ cao về việc thực hiện thí điểm để từ đó tìm ra mô hình công đoàn hiệu quả nhất, hợp lý nhất phát huy quyền lợi vai trò của đoàn viên công đoàn.
TS. Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho biết, việc hướng tới mô hình công đoàn ngành là cơ sở để công đoàn mở rộng mối quan hệ quốc tế. Ông cũng cho biết đây là nhu cầu của các công đoàn trong ngành. Như Công đoàn giáo dục Việt Nam, hiện chỉ quản lý 60 đầu mối là các trường đại học trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhưng hiện nay nhiều trường đại học không trực thuộc Bộ đã viết đơn và gia nhập Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Một số ý kiến khác cho rằng, việc triển khai công đoàn ngành còn góp phần thực hiện các công ước ILO và hiệp định FTA thế hệ mới.
Đ/c Nguyễn Xuân Hùng - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu tại hội nghị
Trước những băn khoăn của một số địa phương về lợi ích việc chuyển đổi mô hình công đoàn chuyển từ ngang sang dọc Phó bí thư Ban cán sự Đảng, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam, Đào Minh Tú cho biết, việc chuyển đổi mô hình công đoàn này không phải là vấn đề quá lớn vì nó không mới khi trước đây chúng ta đã có công đoàn ngành nghề, cũng như hiện tại là mô hình công đoàn theo tỉnh thành phố. Ông cho rằng mỗi một giai đoạn cần một mô hình phù hợp và mục tiêu cuối cùng là để chăm lo cho người lao động tốt hơn.
Như với Công đoàn Ngân hàng Việt Nam, thành lập hơn 30 năm, từ khi hoạt động ngân hàng còn đơn điệu, đến nay với mô hình tổ chức lớn phức tạp đòi hỏi cần có một tổ chức công đoàn đủ tầm và sức làm tốt vai trò của nó. Hơn thế, ngân hàng là ngành nghề hoạt động có tính chất đặc thù, với một hệ thống có hoạt động chặt chẽ an toàn thống nhất từ đồng vốn đến cho vay, từ trung ương đến chi nhánh đến phòng giao dịch. Vì vậy phải gắn được hoạt động công đoàn với hoạt động chuyên ngành của ngành Ngân hàng để tạo mối quan hệ chặt chẽ trong toàn ngành. Đây cũng là lý do mà Ban Cán sự Đảng, Ban lãnh đạo NHNN nhiều năm qua luôn bố trí một Phó thống đốc tham gia hoạt động công đoàn giữ vai trò Chủ tịch công đoàn.
Cũng từ đặc thù của ngành, những năm qua, Ban cán sự Đảng, Ban lãnh đạo NHNN chỉ đạo công đoàn phải hoạt động gắn với chuyên môn, xem đây là một hoạt động trọng điểm của Công đoàn Ngân hàng Việt Nam. Chuyên môn phải gắn chặt với đoàn thể để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của ngành. Hiện mô hình Công đoàn Ngân hàng Việt Nam đã chiếm hơn ⅔ tổng số người lao động trong ngành. Một số công đoàn ngân hàng thương mại cổ phần ngoài nhà nước vẫn đang trực thuộc Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, nên đoàn viên, người lao động không được cập nhật thông tin đầy đủ, kịp thời về chủ trương của Ban cán sự Đảng, Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và các chỉ đạo của Công đoàn Ngân hàng Việt Nam về việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn cũng như không có điều kiện được tham gia các hoạt động phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao do Công đoàn Ngân hàng Việt Nam tổ chức.
Bên cạnh đó Công đoàn Ngân hàng Việt Nam không chỉ hoạt động theo chiều dọc mà phân công cho các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước làm đại diện Công đoàn Ngân hàng Việt Nam trên địa bàn tỉnh thành phố cũng như là đại diện phối hợp với liên đoàn lao động tỉnh, thành phố chăm lo bảo vệ quyền lợi người lao động. Với một mô hình theo chiều dọc và có cả chiều ngang như hiện tại, hoạt động công đoàn của ngành Ngân hàng đã tạo ra hiệu quả tích cực.
Đặc biệt, thông qua khảo sát và làm việc với các công đoàn ngân hàng chưa tham gia sinh hoạt với Công đoàn Ngân hàng Việt Nam cho thấy, họ có nguyện vọng được gia nhập công đoàn ngành để nhận được chỉ đạo điều hành xuyên suốt cũng như gia tăng quyền lợi cho người lao động với những hoạt động đặc thù cho riêng của ngành.
Từ thực tế của ngành cũng như để đưa Nghị quyết số 02- NQ/TW vào cuộc sống Phó Thống đốc Đào Minh Tú đề nghị “Không nên kéo dài việc chuyển giao và nên sớm hoàn thiện và thông qua Kế hoạch, và Đề án thí điểm để triển khai sớm nhất có thể. Với ngành ngân hàng đã chuẩn bị sẵn sàng và có những điều kiện thực hiện đề án này nhanh nhất đáp ứng ý nguyện của đoàn viên và đặc thù tính chất ngành nghề”.
Đ/c Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực NHNN, Chủ tịch Công đoàn NHVN phát biểu tại hội nghị
Tăng tính khả thi cho Kế hoạch, Đề án
Tại Hội thảo, các đại diện đến từ các đơn vị được lựa chọn thí điểm và địa phương cũng thẳn thắn chỉ ra một số vấn đề cần hoàn thiện và xử lý trong thực tế khi đưa Đề án, Kế hoạch vào triển khai. Ông Ân đề nghị Đề án cần có những nghiên cứu những đánh giá về thuộc tính công đoàn với những đối tượng mà chúng ta chuẩn bị thí điểm như với người lao động, đoàn viên ở khối phổ thông thì hiện nay mối quan hệ quốc tế như thế nào, việc đảm bảo quyền lợi người lao động thực hiện ra sao, cũng như hiểu biết của họ về công đoàn. Đồng thời, cần cụ thể hóa hơn các công việc thí điểm, để sau hai năm có cơ sở đánh giá.
Bà Trần Thị Thu Thảo, Trưởng ban Quản lý Nguồn nhân lực Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, hiện nay với các đảng bộ là thành viên công ty mẹ, chi nhánh công ty mẹ ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, doanh nghiệp là thành viên của công ty mẹ thì Đảng ủy tập đoàn lãnh đạo công đoàn thông qua cấp ủy. Theo Đề án, tập đoàn tiếp nhận 3 công đoàn ngành dệt may địa phương (tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương) về quản lý chỉ đạo trực tiếp, nhưng đảng bộ của các đơn vị này lại do Đảng ủy địa phương quản lý. Thực tế này đặt ra câu hỏi tổ chức lãnh đạo Đảng của các đơn vị này sau khi chuyển giao là ai ? Và theo bà Thảo, để có thể thiết lập phát huy được ý nghĩa của việc thành lập công đoàn theo ngành theo đề án thì cần phải đảm bảo sự lãnh đạo Đảng đồng bộ thống nhất để thực hiện các nhiệm vụ của Tập đoàn.
Đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương đề nghị cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận từ cán bộ đến đoàn viên người lao động về việc bàn giao hoạt động công đoàn. Đồng thời cần phải có quy chế phối hợp giữa công đoàn ngành và liên đoàn lao động tỉnh cùng các đơn vị liên quan để xử lý các vấn đề vướng mắc liên quan đến người lao động khi phát sinh, tránh tình trạng khi sự việc xảy ra lại đùn đẩy trách nhiệm…
Đồng quan điểm này, ông Trần Quang Huy, Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ, nguyên Chủ tịch công đoàn Bộ Công Thương nhìn nhận, công đoàn tập hợp theo ngành nhưng cũng không thể tách rời khỏi hoạt động địa phương, vì vậy cần có sự chỉ đạo phối hợp với tỉnh để gia tăng hiệu quả hoạt động công đoàn khi chuyển giao.
Đồng quan điểm này, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đề nghị tăng cường thêm quy chế cơ chế phối hợp trong hoạt động giữa các đơn vị trong Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tạo hiệu quả bằng các văn bản có tính pháp quy của Tổng liên đoàn và cơ chế phối hợp với tỉnh và thành phố.
Kết luận Hội thảo, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Xuân Hùng cho biết, những đóng góp, góp ý hội thảo sẽ là cơ sở quan trọng để Tổng Liên đoàn và tổ nghiên cứu tiếp thu hoàn thiện Kế hoạch, Đề án trình Đoàn chủ tich thông qua và xin ý kiến Ban tổ chức trung ương thực hiện thí điểm.
Nhất Thanh. Ảnh Hoàng Giáp (TBNH)