Kỷ niệm 86 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2015)
28/07/2015
Ngày 28/7/1929, tại ngôi nhà số 15 Hàng Nón - Hà Nội, Đại hội Công hội đỏ chính thức được tổ chức. Đại hội đã bầu BCH lâm thời Tổng Công hội đỏ do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đứng đầu. Từ đây, tổ chức Công hội đỏ đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam do Đảng Cộng Sản sáng lập đã chính thức ra đời.
Lần đầu tiên trong lịch sử, giai cấp công nhân Việt Nam có một đoàn thể cách mạng rộng lớn của mình, hoạt động có tôn chỉ, mục đích, phản ánh được ý chí nguyện vọng của đông đảo công nhân, lao động. Chính vì vậy mà theo đề nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định lấy ngày 28/7/1929 làm ngày truyền thống của Công đoàn Việt Nam.
Quá trình hình thành và ra đời của tổ chức Công đoàn Việt Nam gắn liền với tên tuổi và cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam.
Những năm tháng hoạt động trong phong trào công nhân và Công đoàn Quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghiên cứu hình thức tổ chức Công đoàn ở các nước tư bản, thuộc địa và nửa thuộc địa. Từ đó rút ra kinh nghiệm hoạt động Công đoàn nói chung và hình thức tổ chức cho Công đoàn Việt Nam nói riêng.
Trong tác phẩm "Đường Kách mệnh”, Người viết: "Tổ chức Công hội trước là để cho công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình, hai là để nghiên cứu với nhau, ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ, bốn là để giữ gìn quyền lợi cho công nhân, năm là để giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới" .
Quá trình Người chuẩn bị về tư tưởng và tổ chức cho sự thành lập một chính Đảng vô sản cũng là quá trình Người xây dựng cơ sở lý luận và biện pháp tổ chức Công đoàn Cách mạng.
Bác Hồ với công nhân Việt Nam
Sau Đại hội Công hội đỏ lần thứ nhất, trải qua các thời kỳ lịch sử cách mạng Việt Nam trong đấu tranh giành chính quyền cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam luôn là lực lượng nòng cốt đi đầu cùng với nhân dân cả nước viết nên trang sử vẻ vang, truyền thống hào hùng của dân tộc, xứng đáng là giai cấp tiên phong, lãnh đạo trong mỗi thời kỳ cách mạng.
Ngay sau khi ra đời, Công hội đỏ đã cùng giai cấp công nhân, lao động tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh sôi nổi và liên tục của nhân dân ta nhằm giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước. Trải qua các cuộc đấu tranh giành độc lập từ giai đoạn 1930 - 1945, cuộc kháng chiến chống Pháp 1945 - 1954, công cuộc xây dựng XHCN ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam 1954 - 1975, và trong công cuộc xây dựng đất nước từ năm 1975 đến nay, tổ chức Công đoàn được thống nhất về mặt tổ chức trong phạm vi cả nước, thực sự là trung tâm đoàn kết của công nhân lao động Việt Nam.
Trong giai đoạn 1945 - 1954, nhiều phong trào thi đua được phát động như "Thi đua sản xuất", "Thi đua cải tiến kỹ thuật", "Thi đua xây dựng", "Cải tiến phát huy sáng kiến", "Trao đổi nghề nghiệp" được đông đảo công nhân hưởng ứng, có đóng góp tích cực vào việc vận chuyển, máy móc lên chiến khu, huy động sức người tham gia cuộc đấu tranh giành độc lập, góp phần tích cực vào thắng lợi của nhân dân trong cuộc kháng chiến thực dân Pháp kết thúc bằng chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Đồng thời tạo tiền đề và nền móng cho hoạt động Công đoàn sau này.
Trong giai đoạn 1954 - 1975, Công đoàn tích cực vận động CNVC tham gia công cuộc cải tạo XHCN. Năm 1957, Luật Công đoàn được Quốc hội thông qua và Tổng Liên đoàn được công nhận là tổ chức chính trị xã hội của giai cấp công nhân.
Ngày 23/3/1961, Đại hội II Công đoàn Việt Nam được triệu tập và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được chính thức đổi tên thành Tổng Công đoàn Việt Nam. Tổ chức Công đoàn phát triển mạnh mẽ và được củng cố từ Trung ương đến cơ sở. Nổi bật nhất là phong trào thi đua XHCN, hưởng ứng phong trào "Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt" do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động.
Từ năm 1965 -1975 giặc Mỹ đẩy mạnh chiến tranh quy mô lớn ở miền Nam và leo thang ra miền Bắc. Hoạt động Công đoàn chuyển từ thời bình sang thời chiến. Công đoàn đã động viên CNVC sơ tán hàng nghìn xí nghiệp máy móc để tiếp tục sản xuất. Đồng thời, tranh thủ thời gian hoà bình tạm thời, Công đoàn động viên CNVC mau chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, đẩy mạnh sản xuất. Nhiều phong trào thi đua được CNLĐ hưởng ứng như "Ngày thứ bảy đấu tranh thống nhất nước nhà", "Làm thêm phần việc của anh Trỗi", "Chắc tay súng vững tay búa", với những khẩu hiệu hành động cụ thể: "Địch đến là đánh, địch đi lại sản xuất", "Đổi máu lấy dòng điện"…
Trong suốt những năm chiến tranh, Công đoàn Việt Nam đã không ngừng tham gia các hoạt động Quốc tế và được nhiều tổ chức Công đoàn thế giới tận tình ủng hộ. Đặc biệt là sau Đại hội IV Công đoàn thế giới. Công đoàn thế giới đã sử dụng mọi tình hình, biện pháp đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh Việt Nam; một làn sóng biểu tình, mít tinh của người lao động diễn ra trên thế giới; hàng vạn tấn thuốc men, quần áo, dụng cụ y tế của lao động các nước quyên góp giúp đỡ Việt Nam.
Công đoàn Việt Nam đã cùng với giai cấp công nhân hoàn thành sứ mệnh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, Công đoàn đã vận động CNLĐ đẩy mạnh các phong trào thi đua thực hiện kế hoạch Nhà nước tham gia cải tạo XHCN ở miền Nam, phát triển đoàn viên, thực hành tiết kiệm, tăng gia sản xuất.
Năm 1980 Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua Hiến pháp, trong đó Điều 10 xác định vị trí, vai trò của Công đoàn Việt Nam trong thời kỳ mới, đó là cơ sở pháp lý để Công đoàn nhìn lại mình và xác định nhiệm vụ mới.
Công cuộc đổi mới và phát triển đất nước phải trải qua nhiều biến động phức tạp. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Công đoàn cùng giai cấp công nhân Việt Nam đã cùng toàn dân ta vượt qua mọi thử thách.
Có thể khẳng định giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam luôn là lực lượng hăng hái đi đầu trong công cuộc đổi mới, góp phần tạo nên những thành tựu bước đầu, nhưng rất quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và duy trì phát triển sản xuất, quyết tâm đổi mới hoạt động, tiếp cận với hình thức tổ chức kinh tế mới, công nghệ mới hiện đại, cùng đất nước hội nhập sâu vào thế giới.
PL