Khẳng định vai trò của nữ cán bộ “Giỏi việc ngân hàng, đảm việc nhà”
31/07/2015
Phong trào thi đua "Giỏi việc ngân hàng, đảm việc nhà" do Công đoàn Ngân hàng Việt Nam (CĐNHVN) phát động đã và đang là một trong những điểm sáng trong hoạt động nữ công của Công đoàn Ngành. Để tìm hiểu sâu hơn về hoạt động nữ công của CĐNHVN, phóng viên đã có cuộc trò chuyện với bà Phạm Phương Lan - Phó Chủ tịch CĐNHVN.
Bà Phạm Phương Lan - Phó Chủ tịch CĐNHVN
P.v: Được biết, hoạt động nữ công của CĐNHVN trong những năm qua đã đạt được nhiều thành tích, bà có thể chia sẻ một số nội dung trọng tâm về hoạt động phong trào nữ CNVCLĐ ngành ngân hàng, thưa Phó Chủ tịch?
Bà Phạm Phương Lan: Trong những năm qua, công tác nữ công và các hoạt động phong trào nữ CNVCLĐ trong ngành Ngân hàng luôn được CĐNHVN triển khai, phát động sâu rộng trong đoàn viên, lao động toàn Ngành, đã được Ban Cán sự Đảng, BLĐ Ngân hàng Nhà nước và Tổng LĐLĐVN quan tâm chỉ đạo và đánh giá cao về kết quả đạt được. Với đặc thù tỷ lệ lao động nữ chiếm gần 60% đoàn viên, lao động trong Ngành, các phong trào nữ công đã được chị em nhiệt tình ủng hộ và tham gia. Mặc dù áp lực của nhiệm vụ chuyên môn rất lớn, nhưng nữ cán bộ, CNVCLĐ trong Ngành luôn phấn đấu hết mình, thu xếp hợp lý công việc gia đình để không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn, mà còn tích cực tham gia các phong trào nữ CNVCLĐ.
Để đưa các hoạt động nữ công được triển khai sâu rộng, đặc biệt là đến được từng CĐCS trong Ngành, Ban Nữ công CĐNHVN đã hướng dẫn Ban Nữ công các cấp triển khai chương trình công tác nữ công với những đổi mới về nội dung và phương pháp hoạt động tại từng đơn vị, tập trung vào một số nội dung và nhiệm vụ chính trong từng giai đoạn; phát động các phong trào thi đua gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn; đề xuất với lãnh đạo các cấp các giải pháp hỗ trợ, động viên lao động nữ, tạo điều kiện cho chị em thể hiện được năng lực bản thân và có môi trường làm việc thuận lợi để có cơ hội đề bạt vào các vị trí lãnh đạo, phù hợp với khả năng của từng người.
Ban Nữ công CĐNHVN đã phát động nhiều phong trào thi đua thiết thực trong nữ CNVCLĐ toàn Ngành, trong đó có phong trào Giỏi việc ngân hàng, đảm việc nhà, được cụ thể hóa từ phong trào Giỏi việc nước, đảm việc nhà do TLĐLĐVN phát động. Phong trào này đã triển khai được nhiều năm và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình không chỉ của nữ cán bộ, đoàn viên, mà còn được lãnh đạo các cấp trong Ngành quan tâm, tạo điều kiện và đánh giá cao. Từ phong trào này, đã phát hiện, nhân rộng nhiều gương điển hình tiên tiến của nữ cán bộ ngân hàng, vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn, vừa xây dựng gia đình hạnh phúc. Trong tháng 9/2015 này, CĐNHVN phối hợp với Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Ngân hàng tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm Kế hoạch bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Ngân hàng & phong trào Giỏi việc ngân hàng, đảm việc nhà giai đoạn 2010 – 2015. Tại hội nghị sẽ có trên 300 tập thể và cá nhân được Thủ tướng Chính phủ, Tổng LĐLĐVN, Hội Liên hiệp Phụ nữ VN, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và CĐNHVN tôn vinh khen thưởng về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua của nữ CNVCLĐ ngành Ngân hàng.
Ban Nữ công CĐNHVN truyền thông về chính sách cho lao động nữ và nuôi con bằng sữa mẹ tại các đơn vị trong Ngành
Bên cạnh các phong trào thi đua, CĐNHVN và các cấp công đoàn còn triển khai nhiều hoạt động thiết thực cho nữ CNVCLĐ toàn Ngành, như tổ chức tập huấn, hội thảo, tọa đàm, giao lưu văn nghệ, thể thao, nói chuyện chuyên đề... để vừa nâng cao năng lực chuyên môn cho chị em, vừa hướng dẫn, trao đổi các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống và xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Ban Nữ công các cấp đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, sinh động mang đặc thù giới như cuộc thi “Viết về văn hóa công sở”; tập huấn Kỹ năng giao tiếp và nghệ thuật lãnh đạo cho cán bộ nữ lãnh đạo; Hội thi nấu ăn, thi cắm hoa; Hội thi nữ cán bộ tài năng, thanh lịch; Hội thi nữ giao dịch viên duyên dáng...
Đặc biệt, CĐNHVN còn thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn và truyền thông về chế độ chính sách dành cho lao động nữ và chương trình hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ tại nơi làm việc. Đồng thời phát động và động viên nữ cán bộ, CNVCLĐ tích cực tham gia các chương trình đóng góp cho công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo để đề cao vai trò, trách nhiệm xã hội của nữ cán bộ ngân hàng.
P.v: Công tác bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho nữ CNVCLĐ là một trong những trọng tâm trong hoạt động của Ban nữ công, công tác này đã được triển khai như thế nào thưa Phó chủ tịch?
Bà Phạm Phương Lan: Dưới sự chỉ đạo của Ban Nữ công CĐNHVN, Ban Nữ công các cấp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách đối với lao động nữ, chú trọng đến thời gian làm việc và thời gian nghỉ ngơi theo chế độ. Quan tâm sắp xếp công việc phù hợp với năng lực, không phân biệt giới, nhất là với lao động nữ có thai và nuôi con nhỏ. Quan tâm tới công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ, tổ chức khám sức khỏe định kỳ hàng năm cho chị em. Bên cạnh đó, chủ động nắm bắt tâm tư nguyện vọng, những khó khăn trong công tác cũng như trong đời sống hàng ngày của nữ CNVCLĐ để kịp thời có những đề xuất, kiến nghị với lãnh đạo các cấp có biện pháp giải quyết thỏa đáng bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của nữ CNVCLĐ, đặc biệt là trong việc sắp xếp, bố trí công việc phù hợp với năng lực, sức khỏe, tạo điều kiện giúp chị em yên tâm công tác.
Ban Nữ công các cấp công đoàn cũng thường xuyên tổ chức Chương trình đào tạo, tập huấn, truyền thông về chế độ chính sách cho lao động nữ, các kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, kiến thức về bình đẳng giới, Luật hôn nhân gia đình, kiến thức nuôi dạy con cái... Ban Nữ công CĐNHVN tổ chức khảo sát và lấy kiến của lao động nữ ngành Ngân hàng tại các CĐCS trong hệ thống với mục đích tìm hiểu thực tế về việc thực hiện chế độ chính sách dành cho lao động nữ. Trên cơ sở đó kiến nghị đề xuất nâng cao điều kiện thụ hưởng cho người lao động nữ trong ngành.
Ngoài ra, các cấp Công đoàn trong hệ thống luôn tham mưu đề xuất và tạo điều kiện để nữ CNVCLĐ được tham dự các lớp tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng công tác. Tích cực tham gia các buổi tập huấn do Công đoàn cấp trên tổ chức, tham gia các Hội nghị, hội thảo, tọa đàm quốc tế về quyền của phụ nữ trong lao động và việc làm; Hội nghị đối thoại xã hội ba bên cấp quốc gia về chủ đề “Nỗ lực của các bên nhằm thúc đẩy việc làm đích thực cho lao động nữ tại Việt Nam và khu vực ASEAN”; Tham dự Hội nghị tập huấn về Bình đẳng giới và công tác Vì sự tiến bộ phụ nữ do Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Ngành Ngân hàng tổ chức...
Bên cạnh đó, chủ động tham mưu, giới thiệu cán bộ nữ ưu tú cho cấp ủy Đảng, chính quyền trong công tác quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ... giới thiệu chị em tham gia các lớp đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, quan tâm tạo điều kiện để chị em tham gia thi nâng ngạch lương, nâng lương trước hạn, xét hưởng phụ cấp...
Các hoạt động phong phú, sôi nổi của nữ CNVCLĐ tại các đơn vị trong Ngành
P.v: CĐNHVN nói chung và Ban nữ công nói riêng đã có nhiều hoạt động hướng về trẻ em, an sinh xã hội, bà có chia sẻ gì về các chương trình này?
Bà Phạm Phương Lan: Trong những năm qua, ngành Ngân hàng luôn là ngành đi đầu trong các hoạt động an sinh xã hội nói chung và hoạt động xã hội dành cho trẻ em nói riêng. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác nữ công trong nhiệm kỳ này. Ban Nữ công CĐNHVN đã triển khai hướng dẫn Công đoàn các cấp thực hiện công tác xã hội từ thiện dành cho trẻ em. Hàng năm, CĐNHVN đã dành từ 04 - 06 tỷ đồng thông qua việc hỗ trợ kinh phí cho Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, Quỹ Bảo trợ trẻ em Công đoàn Việt Nam để triển khai thực hiện cuộc vận động: “Vì trái tim và nụ cười trẻ thơ” nhằm thực hiện mổ tim, phẫu thuật hàm ếch cho con cán bộ CNVCLĐ là đoàn viên Công đoàn và triển khai nhiều hoạt động thiết thực như: Hỗ trợ xây nhà trẻ, lớp học, bếp ăn cho các trường học vùng cao, vùng sâu tại Quảng Bình, Kon Tum, Sơn La, Tuyên Quang...; hỗ trợ tặng trang thiết bị, dụng cụ học tập, tủ sách, máy tính, xe đạp, cặp phao cứu sinh và học bổng cho học sinh nghèo.
Bên cạnh đó, Ban Nữ công còn tích cực vận động nữ CNVCLĐ đóng góp các quỹ tình thương, tình nghĩa, vì trẻ thơ, quỹ học bổng, quỹ chăm sóc bảo vệ trẻ em… để hỗ trợ cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em tật nguyền, trẻ em nghèo vượt khó học giỏi, trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa. Tiêu biểu như Công đoàn BIDVtrao tặng 550 triệu đồng cho Quỹ học bổng “Tiếp bước cho em đến trường” để tài trợ học bổng cho con em chiến sỹ Biển đảo và trao tặng 50.000 cuốn vở viết trị giá 150 triệu đồng cho học sinh nghèo tại 10 tỉnh trên cả nước. Công đoàn Vietinbank đã trao tặng 50 căn nhà cho phụ nữ nghèo, 03 trường mầm non cùng với một số công trình khác trên địa bàn tỉnh Hà Nam với tổng trị giá trên 38 tỷ đồng; CĐCS Vietinbank TP Hồ Chí Minh đã thăm và trao quà cho cán bộ nữ có hoàn cảnh khó khăn trong hệ thống với số tiền 38 triệu đồng.
Ngoài ra, thực hiện các chương trình xã hội từ thiện phối hợp với các tổ chức trong cả nước, nhiều đơn vị trong ngành đã tổ chức chương trình tặng cặp phao cứu sinh cho trẻ em vùng sông nước; tặng quà cho học sinh nghèo, khuyết tật, mồ côi như: Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng tổ chức chương trình “Hành động vì những ước mơ” trao tặng 17.000 chiếc cặp sách và 1.000 xuất học bổng cho học sinh nghèo hiếu học; Công đoàn Ngân hàng TMCP Hợp tác xã tổ chức tặng quà cho các cháu học sinh nghèo vượt khó …Hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em và năm Gia đình Việt Nam, các đơn vị đã tích cực tổ chức nhiều hoạt động thiết thực động viên các cháu thiếu niên nhi đồng con em trong ngành, và tổ chức các hoạt động từ thiện vì trẻ em tại các địa phương.
Bà Phạm Phương Lan đại diện cho CNVCLĐ ngành Ngân hàng trao tiền ủng hộ cho Quỹ Bảo trợ Trẻ em VN
P.v: Để hoạt động nữ công phát triển mạnh mẽ và toàn diện hơn nữa, trong thời gian tới, hoạt động nữ công cần tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm gì, thưa bà?
Bà Phạm Phương Lan: Bên cạnh những mặt công việc đã làm tốt vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục như: Tại các đơn vị NH TMCP ngoài quốc doanh, cán bộ Công đoàn và cán bộ Nữ công chủ yếu làm kiêm nhiệm, nhiệm vụ chuyên môn nặng nề nên thời gian dành cho hoạt động nữ công còn hạn chế, chủ yếu triển khai bằng văn bản theo hướng dẫn của cấp trên, hoạt động nữ tại một số đơn vị chưa phong phú, chưa thu hút được nhiều lao động nữ tham gia. Việc triển khai thực hiện theo sự hướng dẫn chỉ đạo của công đoàn cấp trên đôi khi còn chưa kịp thời.
Vì vậy, trong thời gian tới, để hoạt động Nữ công ngày càng hiệu quả, ngoài việc xây dựng chương trình công tác cụ thể, phù hợp, bám sát mục tiêu, nhiệm vụ của đơn vị, của Ngành, Ban nữ công CĐNHVN và ban nữ công các cấp cần tiếp tục tổ chức các hoạt động nữ gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, phù hợp với thực tiễn tại từng đơn vị, và phải được triển khai thực hiện đồng bộ, có hệ thống. Ban Nữ công các cấp cần đẩy mạnh công tác tham mưu cho Ban Thường vụ, Ban Chấp hành đề xuất với cấp ủy Đảng, lãnh đạo chính quyền quan tâm hơn nữa đến hoạt động công tác nữ công và các chế độ chính sách dành cho lao động nữ và trẻ em tại đơn vị.
Bên cạnh đó, tăng cường mối quan hệ và sự phối hợp với Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ cùng cấp thông qua sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và chính quyền. Cần kiểm tra đôn đốc thường xuyên đối với việc triển khai hoạt động ở cơ sở. Thực hiện rà soát đối với các CĐCS về công tác kiện toàn Ban Nữ công nhằm thực hiện có hiệu quả các hoạt động công tác nữ công tại cơ sở.
P.v: Xin cảm ơn Phó Chủ tịch!
Thanh Thủy