Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ tư, 20/11/2024 | 06:49

Sổ tay cán bộ công đoàn

Các quy định của pháp luật về nghĩa vụ của người sử dụng lao động, người lao động đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động

05/01/2016

Luật An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) đã được thông qua tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XIII, ngày 25/6/2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016. Đây là Luật ATVSLĐ đầu tiên của Việt Nam và là nước thứ sáu trong ASEAN ban hành luật này.

Luật An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) đã được thông qua tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XIII, ngày 25/6/2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016. Đây là Luật ATVSLĐ đầu tiên của Việt Nam và là nước thứ sáu trong ASEAN ban hành luật này.

 Dưới đây là một số điểm mới của Luật so với Bộ Luật Lao động năm 2012:


Theo quy định hiện hành (Bộ luật Lao động năm 2012; có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2013)


Theo quy định của Luật ATVSLĐ (Luật số 84/2015/QH13; có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016)


 

Theo Điều 138, khoản 1 Bộ LLĐ - Người sử dụng lao động có các nghĩa vụ sau:

a) Bảo đảm nơi làm việc đạt yêu cầu về không gian, độ thoáng, bụi, hơi, khí độc, phóng xạ, điện từ trường, nóng, ẩm, ồn, rung, các yếu tố có hại khác được quy định tại các quy chuẩn kỹ thuật liên quan và các yếu tố đó phải được định kỳ kiểm tra, đo lường; b) Bảo đảm các điều kiện an toàn lao động, vệ sinh lao động đối với máy, thiết bị, nhà xưởng đạt các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động, vệ sinh lao động hoặc đạt các tiêu chuẩn về an toàn lao động, vệ sinh lao động tại nơi làm việc đã được công bố, áp dụng; c) Kiểm tra, đánh giá các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc của cơ sở để đề ra các biện pháp loại trừ, giảm thiểu các mối nguy hiểm, có hại, cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe cho người lao động; d) Định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng máy, thiết bị, nhà xưởng, kho tàng; đ) Phải có bảng chỉ dẫn về an toàn lao động, vệ sinh lao động đối với máy, thiết bị, nơi làm việc và đặt ở vị trí dễ đọc, dễ thấy tại nơi làm việc; e) Lấy ý kiến tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở khi xây dựng kế hoạch và thực hiện các hoạt động bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động.


Theo Điều 7, khoản 2 Luật ATVSLĐ - Người sử dụng lao động có các nghĩa vụ sau:

a) Xây dựng, tổ chức thực hiện và chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc thuộc phạm vi trách nhiệm của mình cho người lao động và những người có liên quan; đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động; b) Tổ chức huấn luyện, hướng dẫn các quy định, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm ATVSLĐ; trang bị đầy đủ phương tiện, công cụ lao động bảo đảm ATVSLĐ; thực hiện việc chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; thực hiện đầy đủ chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động; c) Không được buộc người lao động tiếp tục làm công việc hoặc trở lại nơi làm việc khi có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của người lao động; d) Cử người giám sát, kiểm tra việc thực hiện nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc theo quy định của pháp luật; đ) Bố trí bộ phận hoặc người làm công tác ATVSLĐ; phối hợp với Ban chấp hành công đoàn cơ sở thành lập mạng lưới an toàn, vệ sinh viên; phân định trách nhiệm và giao quyền hạn về công tác ATVSLĐ; e) Thực hiện việc khai báo, điều tra, thống kê, báo cáo tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố kỹ thuật gây mất ATVSLĐ nghiêm trọng; thống kê, báo cáo tình hình thực hiện công tác ATVSLĐ; chấp hành quyết định của thanh tra chuyên ngành về ATVSLĐ; g) Lấy ý kiến BCH công đoàn cơ sở khi xây dựng kế hoạch, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm ATVSLĐ.



Theo Điều 138, khoản 2 Bộ LLĐ - Người lao động có các nghĩa vụ sau:

a) Chấp hành các quy định, quy trình, nội quy về an toàn lao động, vệ sinh lao động có liên quan đến công việc, nhiệm vụ được giao; b) Sử dụng và bảo quản các phương tiện bảo vệ cá nhân đã được trang cấp; các thiết bị an toàn lao động, vệ sinh lao động nơi làm việc; c) Báo cáo kịp thời với người có trách nhiệm khi phát hiện nguy cơ gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, gây độc hại hoặc sự cố nguy hiểm, tham gia cấp cứu và khắc phục hậu quả tai nạn lao động khi có lệnh của người sử dụng lao động.


Theo Điều 6, khoản 2 Luật ATVSLĐ - Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) có các nghĩa vụ sau:

a) Chấp hành nội quy, quy trình và biện pháp bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc; tuân thủ các giao kết về ATVSLĐ trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể; b) Sử dụng và bảo quản các phương tiện bảo vệ cá nhân đã được trang cấp; các thiết bị bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc; c) Báo cáo kịp thời với người có trách nhiệm khi phát hiện nguy cơ xảy ra sự cố kỹ thuật gây mất ATVSLĐ, tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp; chủ động tham gia cấp cứu, khắc phục sự cố, tai nạn lao động theo phương án xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp hoặc khi có lệnh của người sử dụng lao động hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Theo Điều 6, khoản 4 Luật ATVSLĐ - Người lao động làm việc không theo HĐLĐ có các nghĩa vụ sau: a) Chịu trách nhiệm về ATVSLĐ đối với công việc do mình thực hiện theo quy định của pháp luật; b) Bảo đảm ATVSLĐ đối với những người có liên quan trong quá trình lao động; c) Thông báo với chính quyền địa phương để có biện pháp ngăn chặn kịp thời các hành vi gây mất ATVSLĐ.


 Nguyễn Thị Thái – UBKT CĐNHVN 

Tin cùng chuyên mục