Công đoàn VietinBank Lào: Cầu nối văn hóa trên "Đất nước Triệu voi"
01/02/2016
Công đoàn VietinBank Lào là bộ máy ra đời cùng với sự hình thành và phát triển của hệ thống VietinBank tại Thủ đô Vientiane (Lào). Trong những năm qua, cán bộ công đoàn VietinBank Lào đã nỗ lực xây dựng, kiện toàn bộ máy và đẩy mạnh các hoạt động an sinh xã hội, giữ vài trò là cầu nối văn hóa trên “Đất nước Triệu Voi”.
Tuy nhiên, để xây dựng một bộ máy công đoàn vững mạnh trên nước Lào là cả một chặng đường gian khó mà những người tiên phong như chị Lê Thùy Nhung - Trưởng Phòng Quản lý Cân đối vốn và Đầu tư, Phó Chủ tịch Công đoàn VietinBank Lào không thể quên. Chị Nhung chia sẻ: Cán bộ được cử sang Lào không nhiều nên mỗi người phải kiêm nhiệm nhiều vai trò, vừa phải hoàn thành các nhiệm vụ kinh doanh được giao vừa thực hiện công việc đảm bảo các hoạt động công đoàn tại cơ sở và hòa nhập môi trường sống mới.
Cán bộ VietinBank Lào tham gia hội thao tại Thủ đô Vientiane (Lào)
Trong khi đó, bất đồng ngôn ngữ là rào cản lớn đối với công tác tổ chức các hoạt động chung cho cán bộ Việt - Lào. Thêm nữa, theo điều lệ của Công đoàn Việt Nam thì cán bộ người nước ngoài không được tham gia vào tổ chức Công đoàn. Vì vậy, Ban Chấp hành (BCH) Công đoàn và Ban Lãnh đạo VietinBank Lào phải rất quan tâm tới việc hài hòa quyền lợi giữa những người lao động trong tập thể để không có sự phân biệt cán bộ Lào và cán bộ Việt.
Vượt qua những rào cản Công đoàn VietinBank Lào đã thực hiện rất tốt vai trò của mình trong thời gian qua. Ví như trong Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10) Công đoàn cũng tặng quà cho các bạn nữ Lào. Hay việc tặng quà sinh nhật cũng được Công đoàn áp dụng cho tất cả các cán bộ. Tuy nhiên, hoạt động công đoàn tại VietinBank Lào còn nhiều khó khăn, hạn chế như kinh phí hoạt động eo hẹp, số lượng đoàn viên chưa nhiều…
“Người Lào hiền hòa, chân thực với văn hóa sống chậm, ngại thay đổi. Khi hiểu được văn hóa Lào chúng tôi hòa nhập cuộc sống, từ đó nắm bắt tâm tư, suy nghĩ và xu hướng hoạt động của họ. Việc biết được quy luật hoạt động kinh doanh theo vụ mùa của người Lào (Lào chỉ có 2 mùa mưa và mùa khô) đã hỗ trợ rất nhiều cho công việc của chúng tôi - chị Nguyễn Thanh Hoa - Tổ trưởng Tổ Tài trợ Thương mại, Phòng Khách hàng Doanh nghiệp, VietinBank Lào cho hay.
Để hiểu được văn hóa Lào, Công đoàn VietinBank Lào thường xuyên tổ chức các buổi học nâng cao nghiệp vụ kết hợp dã ngoại, sinh hoạt tập thể với người dân Lào. Từ đó giúp các cán bộ có thời gian, cơ hội giao lưu, học hỏi nét đặc trưng trong văn hóa địa phương.
Đặc biệt, trong Lễ hội té nước - một lễ hội lớn mang đậm nét văn hóa Lào, hay Lễ buộc chỉ cổ tay đều được Công đoàn tổ chức cho cán bộ vui chơi theo đúng nghi thức của ngày lễ truyền thống. Những việc làm có ý nghĩa của BCH Công đoàn đã mang lại hiệu quả cao tạo sự đoàn kết, tăng thêm hiểu biết văn hóa Lào cho cán bộ Việt.
Ông Lê Quốc Nam - Tổng Giám đốc VietinBank Lào (thứ 3 từ trái sang) trao từ thiện tại Trường năng khiếu - dự bị đại học
Với anh Hervanmoua Sisou - Phó Phòng Tổ chức Hành chính VietinBank Lào thì chuyến đi về thăm quê hương Bác Hồ tại huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An do Công đoàn VietinBank Lào tổ chức là một kỷ niệm không thể quên. Chuyến đi còn cho anh Hervanmoua Sisou thêm hiểu hơn về vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, về lịch sử, đất nước con người Việt Nam thông qua những buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ đầy tình nghĩa với các cán bộ VietinBank.
Cũng với những hoạt động đó, Công đoàn VietinBank Lào còn thường xuyên tổ chức giao lưu văn hóa, thể thao với khách hàng, với chính quyền địa phương và các hoạt động từ thiện vì cộng đồng trên đất nước Lào. Có thể kể đến một số công trình, dự án như: 300.000 USD tài trợ cho các bệnh viện tại Lào, tặng 100 máy tính cho Trung ương Đoàn Thanh niên Cách mạng Lào; 10 tỷ VND cho xây dựng nhà Văn hóa tỉnh Luang Prabang, tài trợ mổ mắt miễn phí cho thương binh và người dân nghèo tại Lào…
Chính những nỗ lực của BCH Công đoàn trong việc tạo ra những hoạt động văn hóa thiết thực cho cán bộ Việt - Lào đã góp phần kết nối văn hóa VietinBank nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung đến với người dân “Đất nước Triệu Voi”.
Tiến Lâm (theo Vietinbank)