Một năm ghi dấu ấn thành công của hệ thống ngân hàng
15/12/2024
Hội nghị có sự tham dự và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cùng toàn thể Ban Lãnh đạo NHNN, lãnh đạo các đơn vị NHNN, các TCTD,... tại điểm cầu Trung tâm và kết nối đến các điểm cầu NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, năm 2024 là một năm kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều biến động phức tạp và khó lường. Với đặc thù là nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ những biến động này.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu khai mạc hội nghị
Thống đốc đánh giá, tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 có dấu hiệu phục hồi nhưng tốc độ còn chậm. Lạm phát thế giới tuy giảm nhưng vẫn ở mức cao hơn mục tiêu của nhiều quốc gia. Mặt bằng lãi suất quốc tế duy trì ở mức cao nhưng áp lực đã giảm nhờ động thái hạ lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Thị trường ngoại hối toàn cầu tiếp tục biến động mạnh, đặc biệt vào thời điểm trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ. Đặc biệt, sau khi ông Donald Trump trúng cử Tổng thống Mỹ. Giá vàng quốc tế tăng đỉnh điểm, có thời điểm vượt mức 2.700 USD/ounce... Đây là những diễn biến có tác động trực tiếp và gián tiếp đã tạo áp lực lớn lên công tác điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá tại Việt Nam.
Đối với kinh tế trong nước, năm 2024 đã có sự cải thiện với tăng trưởng phục hồi, tuy nhiên, những yếu kém nội tại vẫn cần thêm thời gian để khắc phục. Đặc biệt đối với ngành Ngân hàng, những diễn biến trên các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, cùng tâm lý lo ngại của người dân trước giá vàng cao… cũng tác động chặt chẽ tới hoạt động ngân hàng. Điều này đặt ra thách thức lớn cho NHNN trong điều hành chính sách tiền tệ và quản lý Nhà nước đối với hoạt động ngân hàng, phải điều hành để làm sao để đạt được rất nhiều mục tiêu, vừa kiểm soát lạm phát, vừa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng; vừa giảm lãi suất nhưng vẫn phải ổn định tỷ giá…
Thống đốc nhấn mạnh, năm 2024 là năm đánh dấu sự quan tâm đặc biệt sâu sắc của Đảng và Nhà nước, Chính phủ đối với phát triển kinh tế - xã hội thể hiện qua ban hành nhiều công điện, văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, trong đó có NHNN.
Góp phần thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát
Về phía NHNN, ngay từ đầu năm, Ban Cán sự Đảng NHNN đã xác định rõ định hướng, các trọng tâm, trên cơ sở đó đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng lĩnh vực công tác. Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương, địa phương và sự đồng hành, ủng hộ của doanh nghiệp, người dân, năm 2024 là một năm mang dấu ấn thành công của hoạt động hệ thống ngân hàng, được thể hiện qua các mặt sau: Điều hành chính sách tiền tệ đã góp phần kiểm soát lạm phát bình quân 11 tháng ở mức 3,69%. Chính sách tiền tệ cũng đã điều hành các giải pháp tháo gỡ khó khăn cũng như điều hành tín dụng đã góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức cao so với các nước trên thế giới và khu vực. Mặt bằng lãi suất cho vay giảm so với cuối năm 2023; Tỷ giá cơ bản ổn định, trong bối cảnh thị trường quốc tế biến động mạnh. Các tổ chức quốc tế đánh giá cao kết quả điều hành chính sách tiền tệ, ngân hàng.
Về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, NHNN đã đạt bước tiến quan trọng trong xử lý các ngân hàng yếu kém. Trong năm 2024, hai trong số bốn ngân hàng 0 đồng đã được chuyển giao bắt buộc. Hai ngân hàng còn lại đang được trình cấp có thẩm quyền phê duyệt sớm phê duyệt trong năm 2024. Với tinh thần rất khẩn trương, hy vọng trong năm 2024, cả 4 ngân hàng đều được chuyển giao bắt buộc. Việc này đánh dấu một quá trình, rất khó, chưa từng có tiền lệ, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, cơ quan, ban, ngành.
Trong lĩnh vực thanh toán và chuyển đổi số, năm 2024, ngành Ngân hàng tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong, đi đầu, nhận được đánh giá cao từ Ban Chỉ đạo Quốc gia về chuyển đổi số. Bên cạnh đó, các mặt hoạt động khác của NHNN cũng đạt được những kết quả tích cực.
Hướng đến năm 2025, Thống đốc nhấn mạnh đây là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc chuẩn bị cho Chính phủ nhiệm kỳ mới. NHNN sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể hóa nhóm giải pháp để đạt các mục tiêu đề ra, nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong thời gian tới.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú báo cáo tại Hội nghị
Báo cáo cụ thể hơn về kết quả hoạt động ngân hàng năm 2024, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú nhấn mạnh, trên cơ sở những kết quả đạt được và những bài học kinh nghiệm của năm 2023, bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã chủ động bám sát diễn biến kinh tế thế giới và trong nước để triển khai đồng bộ các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, phục hồi sản xuất - kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, an toàn hoạt động của hệ thống TCTD, cụ thể: Điều hành chính sách tiền tệ đã góp phần ổn định được kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD, giữ ổn định được thị trường tiền tệ, ngoại hối.
Trong điều hành lãi suất, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất thế giới vẫn neo ở mức cao, tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, qua đó có điều kiện để hỗ trợ nền kinh tế; tiếp tục chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, đồng thời yêu cầu các TCTD thực hiện báo cáo và công bố công khai mức lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân trên trang thông tin điện tử của TCTD. Theo báo cáo lãi suất của các NHTM, đến nay, mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm khoảng 0,96%/năm so với cuối năm 2023.
NHNN điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, góp phần hấp thu các cú sốc bên ngoài; đồng thời, phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ. Nhờ đó, thị trường ngoại tệ duy trì ổn định, thanh khoản ngoại tệ thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ; tỷ giá diễn biến linh hoạt theo cả hai chiều tăng/giảm, phù hợp với điều kiện thị trường.
Triển khai đồng bộ các giải pháp, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng
Trong điều hành tín dụng: Để tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD cung ứng nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, ngày 31/12/2023, NHNN đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các TCTD và thông báo công khai nguyên tắc xác định để TCTD chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng. Trong năm 2024, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về điều hành tăng trưởng tín dụng linh hoạt, hiệu quả, kịp thời, đáp ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế, NHNN đã chủ động thực hiện 02 lần điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các TCTD vào ngày 28/8/2024 và ngày 28/11/2024 theo nguyên tắc cụ thể, đảm bảo công khai, minh bạch trong điều kiện lạm phát được kiểm soát tốt dưới mức mục tiêu và để kịp thời đáp ứng vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, NHNN yêu cầu các TCTD thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo về hoạt động tiền tệ, tín dụng, các quy định về cấp tín dụng nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, bảo đảm an toàn hệ thống và ổn định thị trường tiền tệ; tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, lành mạnh; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tiếp tục duy trì ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi và nỗ lực hơn nữa để giảm mặt bằng lãi suất cho vay thông qua tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
Với các giải pháp đồng bộ của NHNN, tính đến 13/12, tín dụng toàn nền kinh tế tăng khoảng 12,5% so với cuối năm 2023. Tín dụng tập trung vào các sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.
Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng như: Chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư; Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm, thủy sản… Đặc biệt ngành Ngân hàng đã khẩn trương, kịp thời thực hiện các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.
Trong quản lý hoạt động kinh doanh vàng, với sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, các giải pháp đồng bộ của NHNN và sự phối hợp của các Bộ ngành liên quan, đến nay, mục tiêu cơ bản ban đầu là xử lý và kiểm soát chênh lệch giá vàng miếng SJC so với giá vàng thế giới trong biên độ phù hợp đã đạt được.
Toàn cảnh Hội nghị
Sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD tiếp tục được giữ vững, quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền được bảo đảm. Nợ xấu được tập trung xử lý và kiểm soát trong bối cảnh nền kinh tế và sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của doanh nghiệp.
Khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) và hoạt động ngân hàng số tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện, tạo sự đồng bộ và điều kiện thuận lợi cho phát triển TTKDTM, thúc đẩy hoạt động ngân hàng số, ứng dụng công nghệ mới và đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán. Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục tài chính nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho công chúng trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng trên môi trường mạng. Nhờ dó, hoạt động TTKDTM và chuyển đổi số ngân hàng tiếp tục đạt kết quả tích cực.
Hệ thống pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng tiếp tục được chú trọng hoàn thiện, vừa bảo đảm hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn vừa bám sát yêu cầu thực tiễn, đáp ứng kịp với xu thế và chuẩn mực, thông lệ quốc tế. NHNN đã và đang tiến hành xây dựng trình cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Các TCTD 2024 để đảm bảo thực hiện đồng bộ với các quy định của Luật Các TCTD 2024.
Tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả
Trong thời gian tới, NHNN tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm hỗ trợ ưu tiên tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đồng thời góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cụ thể:
Một là, điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu CSTT.
Hai là, theo dõi sát tình hình thị trường để điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, phối hợp đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Ba là, tiếp tục theo dõi và chỉ đạo các TCTD: tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; rà soát, đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ vay vốn, tài sản bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống, tiêu dùng, góp phần hạn chế “tín dụng đen”; tiếp tục theo dõi, đôn đốc các TCTD triển khai quyết liệt các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…
Bốn là, triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” góp phần phát triển hệ thống các TCTD hoạt động lành mạnh, chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật và tiệm cận, đáp ứng các chuẩn mực, thông lệ quốc tế; đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh;
Năm là, tập trung triển khai thực hiện Nghị định số 52/2024/NĐ-CP quy định về hoạt động TTKDTM (Nghị định 52); các Thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn Luật Các TCTD, Nghị định 52/2024/NĐ-CP; Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung tại Kế hoạch triển khai Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021-2025, Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng; Tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn và bảo mật hoạt động thanh toán, ngân hàng; chỉ đạo các đơn vị cung ứng dịch vụ tích cực triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến, thanh toán thẻ ngân hàng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng; đồng thời, đẩy mạnh truyền thông, giáo dục tài chính nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho công chúng trong sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng.
Hà My- Ảnh: MT (Theo SBV)