Những điểm cần lưu ý khi thực hiện tạm đình chỉ công việc đối với người lao động
11/07/2017
1. Về nguyên tắc tạm đình chỉ công việc: Tại khoản 1, Điều 129 - Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2012 (Bộ luật Lao động 2012) quy định: Người sử dụng lao động có quyền tạm đình chỉ công việc của người lao động khi vụ việc vi phạm có những tình tiết phức tạp, nếu xét thấy để người lao động tiếp tục làm việc sẽ gây khó khăn cho việc xác minh. Việc tạm đình chỉ công việc của người lao động chỉ được thực hiện sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở (*).
* Lưu ý: Tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở là Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở (khoản 4, Điều 3 - Bộ luật Lao động 2012 đã ghi).
2. Về thời hạn tạm đình chỉ và mức tiền lương được tạm ứng khi bị tạm đình chỉ công việc theo quy định tại khoản 2, Điều 129 - Bộ luật Lao động 2012 như sau:
- Thời hạn tạm đình chỉ công việc không được quá 15 ngày, trường hợp đặc biệt cũng không được quá 90 ngày.
- Trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc, người lao động được tạm ứng 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc.
* Lưu ý: Hết thời hạn tạm đình chỉ công việc, người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc.
3. Về việc thanh toán tiền lương đối với người lao động khi bị tạm đình chỉ công việc, tại khoản 3 và 4, Điều 129 - Bộ luật Lao động 2012 quy định cụ thể đối với từng trường hợp như sau:
- Trường hợp người lao động bị xử lý kỷ luật lao động, người lao động cũng không phải trả lại số tiền lương đã tạm ứng.
- Trường hợp người lao động không bị xử lý kỷ luật lao động thì được người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc.
N.T.T