Ba trụ cột cải cách hành chính ngành Ngân hàng
24/05/2019
Vì vậy, để có một kế hoạch hành động linh hoạt theo chỉ đạo của Chính phủ, và linh hoạt với tín hiệu thị trường, bên cạnh kế hoạch tổng thể về CCHC, cải thiện môi trường kinh doanh, hàng năm Thống đốc NHNN ban hành Kế hoạch CCHC riêng cùng các chương trình, kế hoạch hành động và chỉ đạo các đơn vị trong toàn Ngành tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả. Cùng với đó là hàng loạt các biện pháp để quán triệt nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu, thủ trưởng các đơn vị trong toàn Ngành.
Cải cách nội bộ trở thành công việc thường xuyên và liên tục từ việc tổ chức bộ máy đến việc tuyên truyền, giáo dục, đào tạo công chức từ kỹ năng chuyên môn cho đến rèn luyện tư chất đạo đức, văn hóa ứng xử đáp ứng mục tiêu tinh gọn, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức.
Chương trình, kế hoạch CCHC thêm điểm tựa thực thi hiệu quả với việc NHNN xây dựng một bộ máy thường trực làm công tác CCHC với tổ chức đội ngũ làm công tác CCHC chuyên trách đầu mối tới tận các đơn vị, vụ, cục, chi nhánh để tham mưu tổ chức triển khai tại toàn bộ các đơn vị. Đây chính là cơ sở quan trọng để tổ chức triển khai và hoàn thành tốt các nhiệm vụ thuộc 6 lĩnh vực thuộc chương trình tổng thể CCHC nhà nước.
Hiện đại hóa hành chính, triển khai Chính phủ điện tử tiếp tục được đẩy mạnh. Việc tiếp nhận, xử lý, quản lý văn bản của NHNN được thực hiện hoàn toàn trên môi trường điện tử; hệ thống quản lý văn bản của NHNN được kết nối với trục liên thông quốc gia để gửi văn bản điện tử cho các cơ quan hành chính nhà nước thay thế cho nhiều loại văn bản giấy; hệ thống truyền hình trực tuyến đã phục vụ tích cực cho hoạt động điều hành, đào tạo, tập huấn… góp phần nâng cao hiệu quả công việc, cắt giảm đáng kể chi phí hành chính, chi phí đi lại, hội họp không chỉ trong hệ thống NHNN mà mở rộng ra toàn Ngành.
Những nỗ lực cải cách của Ngành có thể cảm nhận từ những việc làm và những con số định lượng. Như mới đây NHNN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2019/NĐ-CP cũng như ban hành Thông tư số 17/2018/TT-NHNN của NHNN về cắt giảm, đơn giản hóa toàn bộ điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng.
NHNN cũng đã rà soát tổng thể chế độ báo cáo và cụ thể hóa bằng Thông tư số 24/2018/TT-NHN cắt giảm 20% chế độ báo cáo định kỳ cho các TCTD. Toàn bộ các TTHC của NHNN được thực hiện theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 đảm bảo yêu cầu công khai minh bạch và tạo điều kiện cho tổ chức cá nhân giám sát quá trình giải quyết TTHC. CCHC công góp phần sử dụng hiệu quả, tiết kiệm ngân sách nhà nước.
CCHC được mở rộng ra phạm vi ngoài ngành với việc NHNN chủ động đề xuất với Chính phủ và chủ động phối hợp với các bộ, ngành địa phương để thực hiện các hoạt động cải cách TTHC, về triển khai giải pháp thanh toán điện tử đối với dịch vụ công và thanh toán các nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước.
Đến đặt mục tiêu “căn cốt” cho hệ thống
Không chỉ tập trung triển khai cải cách trong hệ thống NHNN, từ nhiều năm nay NHNN đã chỉ đạo, yêu cầu các TCTD đẩy mạnh cải cách thủ tục vay vốn và dịch vụ ngân hàng cho doanh nghiệp, người dân tốt hơn. Mặc dù, TCTD là DN, nhưng cải cách, đổi mới, tạo thuận lợi trong các hoạt động, quan hệ có tính chất hành chính, nhất là trong quan hệ tín dụng, tiền tệ, thanh toán… cũng là nhiệm vụ và trách nhiệm của ngành Ngân hàng.
“CCHC, TTHC đã và sẽ tiếp tục là một trong những tư tưởng chỉ đạo quyết liệt có tính chất “căn cốt” của NHNN yêu cầu các NHTM tham gia”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết.
Cũng từ chỉ đạo xuyên suốt này cũng như yêu cầu cải cách tự thân của các TCTD trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập, từ nhiều năm nay, CCHC trở thành một trong những nội dung cốt yếu trong chiến lược kế hoạch của mỗi TCTD.
Các TCTD cùng với cải cách mạnh mẽ hơn nữa về thủ tục, hồ sơ cho vay, phí lãi suất, đã nâng cao việc quản lý dòng tiền DN để giảm tài sản đảm bảo trong cho vay. Đồng thời tiếp tục phối hợp triển khai các cơ chế chính sách có liên quan để mở rộng cơ hội tiếp cận cho DN như Quỹ Bảo lãnh, Quỹ Hỗ trợ DNNVV, triển khai làm tốt nhất các luật hỗ trợ DN.
Trong một hội nghị kết nối ngân hàng và doanh nghiệp mới đây tại Hà Nội, ông Mai Quốc Anh - Phó chủ tịch Hội DNNVV Hà Nội tâm tình: “Điều mà DN được thụ hưởng từ ngành Ngân hàng không chỉ là giảm lãi suất mà chính là sự chủ động từ kế hoạch của NHNN cho tới NHTM tạo ra những phương thức để DN tiếp cận môi trường kinh doanh một cách hiệu quả nhất nhằm thực hiện thành công chỉ đạo của Chính phủ trong Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 và mới nhất là Nghị quyết 02”. Đó là việc chỉ đạo CIC, các TCTD hoàn thiện hệ thống thông tin tín dụng, xây dựng định mức tín nhiệm DNNVV, vì vậy DN vay dễ dàng hơn, lãi suất thấp hơn.
Cùng với đó là các hoạt động cải cách, đổi mới của hệ thống các TCTD, theo định hướng của NHNN, với việc đã cắt giảm, bãi bỏ nhiều TTHC, cung cấp nhiều dịch vụ, tiện ích hiện đại để tạo thuận lợi cho người dân, DN tiếp cận vay vốn và sử dụng các dịch vụ ngân hàng.
Riêng năm 2018, bên cạnh việc chủ động điều chỉnh giảm lãi suất, các TCTD cung cấp hàng trăm chương trình, sản phẩm tín dụng hỗ trợ DN với nguồn vốn ưu đãi, trong đó có 15 chương trình áp dụng đối với DNNVV, DN khởi nghiệp. Các TCTD đã chủ động rà soát tổng thể về phí, giá dịch vụ và giảm nhiều loại phí, trong đó có nhiều dịch vụ miễn phí hoàn toàn. Đồng thời tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống công nghệ, hệ thống Core Banking để hoàn thiện các dịch vụ ngân hàng điện tử (e.Banking) …
Với việc đặt DN vào vị trí trung tâm của hoạt động và tâm thế cộng sinh cùng DN, trong năm 2018 và 5 tháng đầu năm 2019 ngành Ngân hàng chủ động tổ chức hơn 420 cuộc gặp gỡ, đối thoại với DN trên toàn quốc; các ngân hàng đã cho vay mới hơn 50.000 DN; thực hiện gia hạn nợ, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, giảm lãi suất gần 60.000 tỷ đồng đối với các khoản vay cũ của hơn 3.300 DN.
NHNN thường xuyên theo dõi và có nhiều hình thức tổ chức kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện của các đơn vị trong toàn Ngành để đánh giá sát tình hình triển khai, kịp thời quán triệt, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc. Định kỳ, Lãnh đạo NHNN đều trực tiếp đi kiểm tra tại các địa phương, các đơn vị trong Ngành về việc tổ chức triển khai các chương trình, kế hoạch CCHC.
Từ những nỗ lực CCHC trong toàn ngành Ngân hàng, môi trường kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng đã có nhiều cải thiện tích cực, đóng góp quan trọng vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh 2019 (Doing Business 2019), Chỉ số “Tiếp cận tín dụng” của Việt Nam hiện xếp hạng 32/190 (đạt 75/100 điểm), đứng thứ 3 trong khu vực và ngang bằng với Singapore và Malaysia - các nước đứng đầu trong nhóm ASEAN 4. Đồng thời, Chỉ số Tiếp cận tín dụng của Việt Nam là 1 trong 2 chỉ số của Việt Nam đạt trung bình của ASEAN 4.
Trong những năm tới, vẫn ba trụ cột cải cách và mục tiêu kép, song CCHC có thêm nhiều điểm tựa đột phá từ công tác Hiện đại hóa hành chính, triển khai Chính phủ điện tử của NHNN. Đầu năm 2019, NHNN đã sớm ban hành Kế hoạch hành động của NHNN thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025 (Quyết định 528/QĐ-NHNN), NHNN cũng đã kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử ngành Ngân hàng do Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng trực tiếp là Trưởng ban chỉ đạo.