Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vai trò của gia đình, Bác đã khẳng định: “Quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình”.
Thấm nhuần những lời dạy của Bác về tầm quan trọng của gia đình, từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đến nay, Đảng ta đã đề ra nhiều chủ trương nhằm tiếp tục nâng cao vai trò của gia đình đối với việc giáo dục, xây dựng con người mới. Ngày 28/6/2000, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 55- CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng của cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Ảnh minh họa
Ngày 04/5/2001, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg về Ngày Gia đình Việt Nam. Quyết định nêu rõ: Lấy ngày 28/6 hàng năm là ngày Gia đình Việt Nam, nhằm đề cao trách nhiệm lãnh đạo của các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngày 8/3/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 363/QĐ-TTg, công bố tháng 6 hàng năm là Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình.
Từ đó đến nay, Ngày Gia đình Việt Nam không chỉ là một ngày lễ tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, mà còn là dịp để các thành viên trong gia đình quan tâm đến nhau, xã hội quan tâm đến trẻ nhỏ. Tháng 6 hàng năm cũng là tháng đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội về phòng, chống bạo lực gia đình góp phần bảo vệ phụ nữ, trẻ em, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Năm 2019, chủ đề được lựa chọn cho Ngày Gia đình Việt Nam là "Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình" và Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình nhấn mạnh thông điệp “Phòng, chống bạo lực gia đình là trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội”. Các cấp công đoàn căn cứ tình hình thực tế và điều kiện của đơn vị tổ chức các buổi hội nghị, hội thảo tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, đặc biệt là Luật hôn nhân gia đình, Luật bảo vệ chăm sóc trẻ em, Luật bình đẳng giới và các văn bản pháp luật khác có liên quan… Tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn, trao đổi kỹ năng ứng xử, phòng chống bạo lực gia đình, chú trọng đối tượng tuyên truyền là nam giới và đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Phấn đấu 100% số cán bộ CCVCLĐ trong Ngành được truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình theo Kế hoạch của NHNN triển khai thực hiện chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020.
Hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam và Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình, năm nay, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam sẽ tổ chức Hội nghị chuyên đề “Gia đình – Điểm tựa yêu thương” tại 2 khu vực: Hà Nội vào ngày 21/6 và tại TP. Hồ Chí Minh vào ngày 28/6. Hội nghị không chỉ là dịp để ôn lại những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, mà còn là nơi để cán bộ CCVCLĐ ngành Ngân hàng chia sẻ kinh nghiệm giữ lửa hôn nhân, xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Hà Phương