Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ tư, 20/11/2024 | 12:33

Tin hoạt động ngân hàng

Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2020

02/01/2020

Ngày 2/1/2020, tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã diễn ra Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2020.

Ngày 2/1/2020, tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã diễn ra Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2020.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự hội nghị
Tham dự Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Thống đốc NHNN, Ủy viên Trung ương Đảng Lê Minh Hưng cùng Ban Lãnh đạo NHNN, gồm Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng.
Về phía các Bộ, ngành có đ/c Nguyễn Chí Dũng – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đ/c Nguyễn Xuân Cường – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đ/c Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Công thương, đ/c Lê Thành Long - Bộ trưởng Bộ Tư pháp, đ/c Trần Hồng Hà - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, đ/c Chu Ngọc Anh - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, đ/c Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, đ/c Võ Văn Dũng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Nội chính Trung ương, đ/c Sơn Minh Thắng - UVTW Bí thư Đảng uỷ khối CQTW, đ/c Y Thanh Hà Niê Kđăm, Bí thư Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương.
Ngoài ra Hội nghị còn có sự tham dự của Thủ trưởng các đơn vị tại Trụ sở chính NHNN; Chủ tịch Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên và Tổng Giám đốc các ngân hàng thương mại (NHTM).
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khai mạc Hội nghị
Tại Hội nghị, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã phát biểu khai mạc, trong đó khái quát các thành tựu nổi bật của ngành Ngân hàng trong năm 2019. Tiếp đó, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú đã báo cáo tóm tắt kết quả hoạt động ngân hàng năm 2019, định hướng điều hành năm 2020.
Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, đồng thời, trên cơ sở bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, trong năm 2019, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Năm 2019, CSTT tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để điều hành chủ động, đồng bộ, linh hoạt các công cụ CSTT, duy trì ổn định thị trường tiền tệ, ngoại tệ; kiểm soát lạm phát cơ bản bình quân ở mức 2,01%, tạo dư địa thuận lợi để điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, đặc biệt trong điều kiện ảnh hưởng phức tạp của dịch bệnh. Qua đó góp phần kiểm soát lạm phát CPI bình quân cả năm ở mức thấp nhất trong 3 năm qua.
Về điều hành lãi suất, NHNN bám sát chỉ đạo của Chính phủ, diễn biến thị trường để triển khai tổng thể các biện pháp nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay chi phí hợp lý, hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Từ ngày 16/09/2019, NHNN điều chỉnh giảm đồng bộ 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành; từ ngày 19/11/2019 giảm 0,2-0,5%/năm trần lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng và 0,5%/năm trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên; giảm 0,75%/năm lãi suất nghiệp vụ thị trường mở. Đồng thời, chỉ đạo TCTD chủ động cân đối nguồn vốn và năng lực tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý; điều hòa thanh khoản ổn định thị trường, nhờ đó duy trì lãi suất thị trường liên ngân hàng phù hợp, tạo điều kiện hỗ trợ nguồn vốn chi phí hợp lý cho TCTD. Kết quả sau các động thái điều hành của NHNN, mặt bằng lãi suất thị trường có xu hướng giảm. Lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng giảm 0,2-0,5%/năm và lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên giảm 0,5%/năm. Các TCTD có thị phần lớn chủ động giảm lãi suất cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên, áp dụng chương trình cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp với nhiều đợt cắt giảm trong năm 2019.
Trong bối cảnh chịu áp lực từ biến động thị trường quốc tế, NHNN đã điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, điều chỉnh tỷ giá mua/bán ngoại tệ với các TCTD bám sát diễn biến thị trường. Nhờ đó, tỷ giá và thị trường diễn biến ổn định, thanh khoản dồi dào; các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời; NHNN mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung Dự trữ ngoại hối Nhà nước.  
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú báo cáo tại Hội nghị
Về điều hành tín dụng, tín dụng tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ, tập trung phân bổ vào lĩnh vực sản xuất, ưu tiên tạo động lực cho phát triển, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của nền kinh tế, đáp ứng kịp thời nhu cầu hợp pháp về vốn, nhất là vốn tín dụng tiêu dùng của người dân, góp phần hạn chế tín dụng đen. Tín dụng ngoại tệ tiếp tục được kiểm soát theo đúng lộ trình hạn chế đô la hóa theo chủ trương của Chính phủ; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát ở mức hợp lý.
Trong năm 2019, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, để góp phần hạn chế, đẩy lùi tín dụng đen, trong các Chỉ thị từ đầu năm, Thống đốc NHNN đều yêu cầu các TCTD đẩy mạnh triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và người dân tiếp cận vốn; có giải pháp tín dụng phù hợp đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế tín dụng đen. Đồng thời, Thống đốc NHNN đã ban hành Quyết định 1178/QĐ-NHNN về việc ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai Chỉ thị 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ ngày 25/4/2019 về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen.
Bên cạnh đó, công tác cải cách thủ tục hành chính cũng được NHNN đặc biệt quan tâm. NHNN đã liên tiếp 4 năm liền xếp vị trí số 1 về cải cách hành chính (CCHC) trong các Bộ, cơ quan ngang bộ. NHNN xác định mục tiêu xuyên suốt là đẩy mạnh CCHC trong hệ thống NHNN gắn với đổi mới phương thức phục vụ của ngành Ngân hàng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm và phải tạo chuyển biến rõ nét về cải thiện môi trường kinh doanh trong hoạt động ngân hàng.
Với việc triển khai các giải pháp quyết liệt trên, ngành Ngân hàng cơ bản đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, các nhu cầu đời sống chính đáng của người dân. Đến cuối năm 2019, tín dụng tăng khoảng trên 13,70% so với cuối năm 2018. Cơ cấu tín dụng tiếp tục có sự điều chỉnh tích cực, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát ở mức hợp lý. Ước đến 31/12/2019, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 11% so với cuối năm 2018, chiếm khoảng 25% tổng dư nợ nền kinh tế; tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng khoảng 16%, tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng khoảng 15%. Theo báo cáo về Môi trường kinh doanh 2020 được Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 24/10/2019, Chỉ số Tiếp cận tín dụng của Việt Nam xếp hạng 25/190 nền kinh tế, đứng thứ 2 trong các nước ASEAN (chỉ sau Brunei - hạng 1/190).
Công tác cơ cấu lại các TCTD cũng tiếp tục được đẩy mạnh. Sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD được giữ vững, thể hiện ở các mặt như: Năng lực tài chính của các TCTD tiếp tục được củng cố, vốn điều lệ tăng dần qua các năm; quy mô hệ thống các TCTD tiếp tục tăng; năng lực quản trị điều hành, hoạt động kiểm tra, kiểm toán nội bộ và quản lý rủi ro của các TCTD từng bước được nâng cao để tiệm cận với thông lệ quốc tế; sự minh bạch trong hoạt động của hệ thống các TCTD đã được nâng cao một bước...
Các giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần nâng cao chất lượng tín dụng và giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của NHNN và sự nỗ lực của hệ thống các TCTD, ước tính đến tháng 12/2019, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống các TCTD ở mức 1,89% (hoàn thành mục tiêu dưới 2%). Tính từ năm 2012 đến cuối tháng 12/2019, toàn hệ thống các TCTD ước tính đã xử lý được 1.064 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 12/2019, ước tính toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 305,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 (không bao gồm sử dụng dự phòng rủi ro và khoản bán nợ cho VAMC thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt). Tính trung bình từ 15/8/2017 đến tháng 12/2019, mỗi tháng toàn hệ thống xử lý được khoảng 10,5 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn 4,9 nghìn tỷ đồng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình từ 2012-2017 trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực. Đồng thời cũng là dấu hiệu tích cực cho thấy Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD.
Trong lĩnh vực thanh toán, bên cạnh hoàn thiện cơ sở pháp lý, NHNN đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM). Về cơ sở pháp lý, NHNN cũng đã bám sát thực tiễn, chủ động, kịp thời phối hợp với các Bộ, ngành liên quan khảo sát, đề xuất với Chính phủ xây dựng Nghị định mới về TTKDTM; trình và triển khai Đề án cơ chế quản lý thử nghiệm hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng (Regulatory Sandbox); Báo cáo cơ chế thí điểm quản lý hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending) tại Việt Nam; Đề án thử nghiệm các mô hình thanh toán mới,...Đồng thời NHNN cũng chỉ đạo các TCTD tiếp tục đầu tư, phát triển hạ tầng thanh toán; tăng cường công tác an ninh, bảo mật, đảm bảm quyền lợi hợp pháp của khách hàng; triển khai ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng 4.0 trong cung ứng dịch vụ thanh toán. Nhờ đó, TTKDTM tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Trong lĩnh vực thanh toán đã ứng dụng tất cả công nghệ mới trên thế giới (ATM, POS, Internet Banking, Mobile Banking, QR Code, Tokenization...), phục vụ hầu hết các ngành kinh tế trọng điểm và thu được kết quả ấn tượng, cụ thể: Đến cuối tháng 10/2019, đã có trên 78 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet và 47 tổ chức thực hiện qua điện thoại di động (ĐTDĐ). Trong 10 tháng đầu năm 2019, số lượng và giá trị giao dịch tài chính qua kênh Internet tăng tương ứng hơn 67% và trên 36%; số lượng và giá trị giao dịch tài chính qua kênh ĐTDĐ tăng tương ứng 186% và 221% so với cùng kỳ năm 2018. Thanh toán qua QR Code tuy là hình thức thanh toán điện tử mới nhưng cũng đạt mức tăng trưởng khá.
Công tác thông tin, tuyên truyền về TTKDTM được chú trọng và phát huy hiệu quả. Trong thời gian qua NHNN chủ động xây dựng nội dung, chương trình giáo dục tài chính như “Tiền khéo, tiền khôn”, “Những đứa trẻ thông thái”, “Đồng tiền thông thái”, cuộc thi “Hiều đúng về tiền”, qua đó tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức, sự hiểu biết, tăng khả năng tiếp cận các sản phẩm dịch vụ tài chính ngân hàng cho người dân, đồng thời khuyến khích sử dụng các phương tiện TTKDTM.
Thoa Lê. Đức Khanh (SBV)

Tin cùng chuyên mục