Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt và đúng hướng là những gì các chuyên gia nói về những dấu ấn của ngành Ngân hàng trong năm 2019. Đây được xem là cơ sở hỗ trợ tích cực đến nền kinh tế cũng như kiểm soát lạm phát trong thời gian qua và tạo tiền đề cho kinh tế năm 2020 tăng trưởng ổn định.
Điều chỉnh lãi suất nhịp nhàng, đúng thời điểm
Nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều bước tiến linh hoạt, phù hợp với thực tiễn trong điều hành chính sách tiền tệ thời gian qua. Trong đó phải kể đến ba lần điều chỉnh lãi suất chỉ trong vòng 4 tháng.
Việc Ngân hàng Nhà nước lần đầu tiên giảm lãi suất điều hành kể từ năm 2017 đã trở thành điểm nhấn trong điều hành chính sách tiền tệ năm vừa qua. Theo đó, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6,25% xuống 6%/năm, lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,25% xuống 4%/năm.
Theo Ngân hàng Nhà nước, quyết định này nhằm phù hợp với bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và ngân hàng trung ương tại một số quốc gia cũng đã giảm lãi suất điều hành.
Việc cắt giảm lãi suất này theo nhiều chuyên gia đánh giá sẽ tạo thanh khoản cho các ngân hàng, qua đó tạo điều kiện hạ lãi suất cho doanh nghiệp, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định rằng: “Việc giảm lãi suất thực sự rất quan trọng trong bối cảnh hiện tại khi Việt Nam đang chịu những tác động của nền kinh tế thế giới đầy biến động, rủi ro. Vì vậy động thái giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước chính là động lực giúp các doanh nghiệp có cơ hội vay vốn, thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng, góp phần giúp tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu kỳ vọng”.
Không lâu sau khi điều chỉnh lãi suất điều hành, căn cứ vào tình hình trong nước và quốc tế những tháng cuối năm, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thay đổi trần lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Theo đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5,5%/năm xuống 5%/năm. Cùng với đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô giảm từ 6% xuống 5,5%/năm.
Ngoài ra, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 7,5%/năm xuống 7,0%/năm.
Sau lần điều chỉnh lãi suất này, những tác động lên thị trường và nền kinh tế là tương đối rõ rệt. Bởi, ngay sau đó các ngân hàng lớn như BIDV, Vietcombank, VietinBank… đã đồng loạt triển khai hạ lãi suất cho vay và cung cấp các gói ưu đãi tín dụng.
Điểm nhấn cuối cùng trong điều hành lãi suất năm 2019 là việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc của các tổ chức tín dụng, có hiệu lực từ 1/12/2019. Trong điều chỉnh cuối cùng này, lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND là 0,8%/năm, lãi suất đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng VND là 0%/năm. Tương tự, đối với ngoại tệ lần lượt là 0,05%/năm và 0%/năm..
Như vậy, với ba lần điều chỉnh lãi suất kết hợp cùng các chương trình vay vốn ưu đãi cho doanh nghiệp của các ngân hàng được triển khai, đã tạo động lực cho các doanh nghiệp yên tâm kinh doanh, sản xuất, nhất là khi Tết Nguyên đán 2020 đang cận kề.
“Kìm cương” cuộc đua lãi suất kịp thời, quyết liệt
Nói đến ngành Ngân hàng trong năm 2019 phải kể đến sự vào cuộc quyết liệt và kịp thời của Ngân hàng Nhà nước khi xuất hiện tình trạng một số tổ chức tín dụng áp dụng tăng lãi suất huy động vốn, tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường tiền tệ .
Sau khi nắm bắt được tình hình, Cơ quan thanh tra giám sát (Ngân hàng Nhà nước) đã có nhiều văn bản nhắc nhở các ngân hàng và tổ chức tín dụng. Cụ thể, tại công văn số 6669/NHNN-CSTT nêu rõ thời gian qua đã xuất hiện hiện tượng các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã điều chỉnh lãi suất tiền gửi bằng VND nhanh và khá lớn ở một số kỳ hạn hoặc triển khai các sản phẩm chứng chỉ tiền gửi với mức lãi suất cao.
“Động thái này làm tiềm ẩn nhiều rủi ro ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển lành mạnh của hệ thống ngân hàng, tạo ra diễn biến tâm lý tiêu cực trên thị trường, có nguy cơ dẫn đến cuộc đua về lãi suất huy động giữa các tổ chức tín dụng, gây bất ổn thị trường tiền tệ”, công văn nêu rõ.
Bên cạnh đó, cơ quan này cũng đã theo dõi sát việc triển khai giải pháp về lãi suất và tín dụng của các tổ chức tín dụng và kiên quyết sẽ có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Những hành động của Cơ quan thanh tra giám sát phần nào đó đã giúp cuộc cạnh tranh lãi suất trên thị trường “hạ nhiệt”.
Tuy nhiên, cho đến nay các tổ chức kinh tế lớn đều nhận định kinh tế toàn cầu 2020 dù có nhiều điểm sáng nhưng vẫn tiếp tục “bấp bênh, ảm đảm”. Theo đó Tổ chức hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đều dự báo kinh tế toàn cầu tăng trưởng giảm trong năm 2019, đối với năm 2020 sẽ có mức lần lượt là 2,9% và 3,4%. Trong khi đó, Tổ chức thương mại thế giới (WTO) đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2019 xuống chỉ còn một nửa và dự báo năm 2020 là 2,7%, giảm so với mức 3% trước đó.
Như vậy, để tăng “sức đề kháng” cho nền kinh tế Việt Nam trong 2020 cần rất nhiều sự hỗ trợ trong các chính sách tiền tệ như thời gian vừa qua. Bởi việc điều chỉnh chính sách tiền tệ phù hợp sẽ góp phần giữ ổn định tỷ giá và lãi suất - điều rất cần thiết để hỗ trợ tăng trưởng.
Võ Giang (theo thoibaonganhang.vn)