Đầu năm 2020, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2020, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã công bố các kết quả kinh doanh đặc biệt xuất sắc, thiết lập đỉnh cao rực rỡ về lợi nhuận đạt tương đương 1 tỷ đôla Mỹ. Trong không khí hân hoan đó, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất - phần thưởng cao quý của Chủ tịch nước cho hai thành viên Ban lãnh đạo Vietcombank, trong đó có Phó Tổng giám đốc Vietcombank Phạm Mạnh Thắng.
Phó Tổng giám đốc Vietcombank Phạm Mạnh Thắng (người thứ 3 từ phải sang)
Trước đó, vào cuối năm 2019, Phó Tổng giám đốc Vietcombank Phạm Mạnh Thắng cũng là người duy nhất của ngành Ngân hàng trong 12 cá nhân trên toàn quốc được vinh danh tại Chương trình “Vinh quang Việt Nam” lần thứ XV với chủ đề “Thi đua làm theo lời Bác”. Với cương vị Phó tổng giám đốc Vietcombank và được phân công trực tiếp phụ trách một số phòng/ban/trung tâm tại Trụ sở chính (TSC) và khu vực phía Nam, ông Phạm Mạnh Thắng được đồng nghiệp và cán bộ gọi thân mật: “Người thủ lĩnh” khối “WIN” làm theo lời Bác.
Người điều hành có nhiều giải pháp và cách làm
Được sự tin tưởng của Ban cán sự Đảng NHNN và Ban lãnh đạo Vietcombank, ông Phạm Mạnh Thắng được giao giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc từ tháng 3/2014 với nhiệm vụ phụ trách hoạt động: Phòng Công nợ, Ban Khách hàng Doanh nghiệp lớn phía Nam, Phòng Quản lý xây dựng cơ bản, Phòng Quan hệ công chúng, Bộ phận Công nợ của TSC tại TP.HCM. Ông cũng đảm nhiệm các chức danh: Chủ tịch hội đồng miễn giảm lãi TSC; Phó chủ tịch thường trực Hội đồng bán nợ TSC, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Vietcombank, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TNHH Vietcombank tại Lào. Ở bất kỳ lĩnh vực phụ trách nào, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank Phạm Mạnh Thắng đều dẫn dắt đội ngũ cán bộ của mình lập thành tích xuất sắc.
Công tác xử lý, thu hồi nợ là một trong những thành tựu xuất sắc đạt được trong lĩnh vực ông phụ trách, đó là đã cùng tập thể Vietcombank thực thi quyết liệt các giải pháp thu hồi nợ, đưa tỷ lệ nợ xấu hàng năm luôn được kiểm soát và giảm dần từ mức 2,30% năm 2014 xuống còn 0,78% năm 2019, đóng góp quan trọng vào thành tựu kinh doanh, đưa Vietcombank luôn dẫn đầu hệ thống ngân hàng trong nhiều năm qua.
Phụ trách công tác xử lý thu hồi nợ của hệ thống Vietcombank, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank Phạm Mạnh Thắng đã chỉ đạo thành lập các đoàn công tác “nằm vùng” tại 34 chi nhánh trong hệ thống có nợ xấu, nợ có vấn đề lớn để chỉ đạo công tác thu hồi nợ với các biện pháp, giải pháp thực hiện và đã đạt được các kết quả theo chỉ đạo của Ban lãnh đạo Vietcombank. Cũng chính bởi vậy nên mặc dù trong năm 2020, hoạt động của Vietcombank chịu nhiều tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, song nhờ những giải pháp được triển khai quyết liệt, tỷ lệ nợ xấu tại Vietcombank vẫn được kiểm soát ở mức 0,83% tính đến 30/11/2020, dự kiến đến 31/12/2020 tỷ lệ nợ xấu dưới 1%, thấp hơn kế hoạch Vietcombank đăng ký với NHNN (1,5%). Thu hồi nợ ngoại bảng lũy kế đến 30/11/2020 đạt 2.081 tỷ đồng, ước tính đến 31/12/2020 đạt khoảng từ 2.500 tỷ đồng đến 3.100 tỷ đồng. Các quy trình, quy chế của hệ thống cũng được cập nhật và ban hành.
Trong 5 năm từ 2015 đến 2020, Vietcombank phát triển hệ thống nhanh, đòi hỏi công tác xây dựng cơ bản phải đáp ứng kịp thời yêu cầu về trụ sở, phòng giao dịch, quầy. Năm 2014, Vietcombank đã lần đầu tổ chức thành công: Hội nghị về công tác xây dựng cơ bản và Chương trình khảo thí cán bộ trong công tác Xây dựng cơ bản. Trong năm 2016, Vietcombank cũng đã ban hành “Quy định về quản lý các dự án đầu tư xây dựng cơ bản trong hệ thống” theo quyết định số 1409/QĐ-VCB-HĐQT ngày 9/11/2016, cập nhật theo các quy định mới nhất của pháp luật. Từ năm 2018, các trụ sở của Vietcombank trong cả nước đã thực hiện thống nhất màu nhận diện thương hiệu Vietcombank, mang lại hình ảnh và diện mạo mới cho TSC và trụ sở các chi nhánh Vietcombank. Trong năm 2020, Vietcombank đã hoàn thành xây dựng xong 5 trụ sở chi nhánh, gồm: Phú Yên, Thủ Đức, Bắc Sài Gòn, Lạng Sơn, Cần Thơ, 2 Trụ sở PGD của Chi nhánh Gia Lai và Bình Định.
Còn với Ban Khách hàng Doanh nghiệp lớn phía Nam phụ trách công tác khách hàng của 54 chi nhánh từ Phú Yên đến Cà Mau, dưới sự chỉ đạo của Phó Tổng Giám đốc Vietcombank Phạm Mạnh Thắng, Ban Khách hàng Doanh nghiệp lớn phía Nam cũng đã phối hợp chặt chẽ với các chi nhánh tại khu vực thực hiện tốt công tác phát triển khách hàng mới và khách hàng trọng điểm, thực hiện hợp tác với rất nhiều khách hàng trọng yếu trong khu vực. Trong 4 năm vừa qua, ban cũng đã phối hợp chặt chẽ với các chi nhánh tại khu vực thực hiện tốt công tác phát triển khách hàng mới và khách hàng trọng điểm như: Ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với Công ty đầu tư tài chính nhà nước TP. HCM – HFIC; ký kết thỏa thuận hợp tác và triển khai “Chương trình cho vay đầu tư phát triển hệ thống cấp nước nhằm đảm bảo nước sạch cho 100% hộ dân trên địa bàn TP HCM” giữa Vietcombank, HFIC và Sawaco; Ký kết thỏa thuận hợp tác với Sở Kế hoạch Đầu tư TP. HCM trong việc “tham gia hỗ trợ vốn triển khai các dự án thuộc 7 chương trình đột phá của thành phố”; Tham gia tổ chức diễn đàn kinh tế TP. HCM và thực hiện hợp tác với rất nhiều khách hàng trọng yếu trong khu vực.
Phát huy văn hóa Vietcombank
Từ năm 2014 đến nay, dưới sự chỉ đạo của Ban lãnh đạo Vietcombank và sự dẫn dắt của Phó Tổng giám đốc Phạm Mạnh Thắng, Vietcombank đã tích cực triển khai hàng loạt chương trình tuyên truyền quảng bá hình ảnh thương hiệu ngân hàng hàng đầu trên truyền thông trong nước và quốc tế. Năm 2020, Vietcombank tiếp tục được các Tạp chí có uy tín của khu vực và toàn cầu đánh giá rất cao: Ngân hàng tốt nhất Việt Nam do Euromoney, Asiamoney, Finance Asia… bình chọn. Thứ hạng của Vietcombank cũng được nâng tầm khu vực và thế giới, top 30 khu vực châu Á, đứng thứ 937 trong danh sách doanh nghiệp niêm yết lớn nhất toàn cầu (theo Forbes); đứng thứ 403 (đứng đầu nhóm ngân hàng tại Việt Nam) trong bảng xếp hạng của The Banker.
Năm 2020 là năm toàn thế giới chịu tác động ảnh hưởng lớn của đại dịch Covid-19, tuy nhiên Vietcombank đã phát huy rất hiệu quả các hoạt động truyền thông nội bộ và truyền thông đối ngoại trong bối cảnh này. Theo đó, các thông tin, cảnh báo của các cấp chính quyền tại Trung ương, địa phương, các chính sách của Vietcombank và khuyến nghị cho từng cán bộ được truyền tải thường xuyên và hiệu quả thông qua Bản tin phòng chống Covid được gửi trực tiếp đến từng cán bộ. Thông tin về các đợt giảm lãi suất, tái cơ cấu khoản nợ để hỗ trợ khách hàng và người dân do ảnh hưởng bởi đại dịch đã được truyền thông rộng khắp và hiệu quả, làm nổi rõ vai trò tiên phong, đi đầu của Vietcombank trong việc thực thi nhiệm vụ chính trị của ngành Ngân hàng, góp phần ổn định nền kinh tế, ghi dấu một hình ảnh ngân hàng vì khách hàng và cộng đồng.
Bên cạnh công tác quảng bá, quảng cáo hình ảnh ra bên ngoài, công tác báo chí trong hệ thống cũng được quan tâm và chú trọng phát triển. Cho đến năm 2014, Vietcombank mới chỉ có 1 ấn phẩm Bản tin nội bộ thì đến nay, Vietcombank đã có thêm nhiều kênh thông tin như: đặc san Người dẫn đầu phát hành cả trong và ngoài Vietcombank; Bản tin hình Vietcombank hàng tháng; Truyền hình trực tiếp các chương trình hội nghị lớn của Vietcombank, Fanpage trên Facebook, cùng với website giao diện mới và hàng loạt phóng sự thực hiện tại các buổi hội thảo, hội nghị lớn của Vietcombank, và hiện nay đã và đang hỗ trợ trực tiếp cho Vietcombank Lào phát hành bản tin nội bộ mang tên Chung NIỀM TIN đã hoàn thiện số đầu tiên song ngữ Lào – Việt.
Là một ngân hàng có lịch sử gần 60 năm, Vietcombank đã xây dựng cho mình văn hóa doanh nghiệp với 5 giá trị “Tin - Chuẩn - Mới - Bền - Nhân”. Dưới sự chỉ đạo của người thủ lĩnh khối “WIN”, các hội nghị, hội thảo về văn hóa Vietcombank được tổ chức hàng năm và “Ngày hội Văn hóa Vietcombank” đã được tổ chức tại 3 miền trong cả nước. Một hoạt động rất có ý nghĩa đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa Vietcombank kế thừa từ thế hệ trước tới các thế hệ kế cận và truyền cho tương lai.
Ngoài ra, là thành viên Ban điều hành, ông luôn cùng với các thành viên Ban lãnh đạo đi đầu trong việc hưởng ứng, triển khai và thực hiện nhiều phong trào thi đua do cấp trên phát động như “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Thi đua kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, phát động, triển khai thực hiện các phong trào thi đua do Vietcombank phát động như “Phát động thi đua trong công tác tín dụng và thu hồi nợ xấu”, “Thi đua bán sản phẩm dịch vụ ngân hàng bán lẻ hàng năm”... nhằm đạt các kế hoạch mục tiêu đã đề ra.
Người thủ lĩnh Khối “WIN” làm theo lời Bác
Với các đóng góp của mình trong các mảng công tác từ xây dựng Đảng, Đoàn thể đến nhiệm vụ chuyên môn và xây dựng văn hóa Vietcombank, Phó tổng giám đốc Vietcombank Phạm Mạnh Thắng đã được nhận các danh hiệu và thành tích cao quý.
Trên mọi “mặt trận” đều ghi dấu ấn thành tích có sự lãnh đạo của ông. Các lãnh đạo phòng/ban/bộ phận do ông phụ trách đều tự hào có Phó tổng giám đốc Vietcombank Phạm Mạnh Thắng dẫn dắt và tự ví là khối “WIN”. Phó tổng giám đốc Vietcombank Phạm Mạnh Thắng thực sự là “Người thủ lĩnh” khối “WIN” làm theo lời Bác.
Lê Hồng Quang - Thanh Thủy (TBNH)