Sau ba đợt dịch COVID-19 bùng phát với khả năng kiểm soát nhanh chóng, đợt dịch thứ tư lần này đang tạo ra nhiều thách thức với cơ quan chức năng Việt Nam bởi khả năng lan truyền nhanh chóng. Chỉ trong ngày 17/5 (tính đến sáng 18/5), đã có hơn 100 trường hợp được xác nhận dương tính, nâng tổng số ca nhiễm trong đợt này lên con số 1.424 - lớn nhất so với các đợt bùng phát trước đây.
Với vai trò huyết mạch của nền kinh tế, bản thân các ngân hàng hiểu rằng vừa tăng cường phòng chống dịch, vừa hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp đang là mục tiêu chính hiện nay, để giảm nhẹ tác động của cuộc khủng hoảng y tế, đồng thời đảm bảo phục hồi kinh tế, nhưng vẫn phải đáp ứng yêu cầu an toàn giao dịch.
Ngân hàng là một trong những ngành cung cấp dịch vụ thiết yếu, phải vận hành liên tục để đảm bảo đáp ứng nhu cầu đối với các dịch vụ tài chính - ngân hàng của doanh nghiệp và người dân. Cán bộ, nhân viên ngân hàng thường xuyên tiếp xúc, giao dịch với khách hàng, đối diện với nguy cơ lây nhiễm cao. Vì vậy, việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch là ưu tiên hàng đầu.
Để thực hiện mục tiêu đó, ngay từ khi đợt dịch COVID-19 bùng phát hồi cuối tháng 4/2021, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã ban hành văn bản số 3030/NHNN-VP về việc tăng cường thực hiện công tác phòng, chống dịch trong ngành Ngân hàng.
Theo đó, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng yêu cầu các đơn vị trong toàn Ngành quán triệt và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 541/CĐ-TTg ngày 23/4/2021, Thông báo số 81/TB-VPCP ngày 26/4/2021 của Văn phòng Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của Thống đốc NHNN, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương về tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Trong những ngày này, theo khảo sát của Thoibaonganhang.vn, tại bất kỳ điểm giao dịch nào của các ngân hàng, khách hàng đều được nhân viên, bảo vệ hỗ trợ thực hiện nghiêm túc, đầy đủ thông điệp "5K" của Bộ Y tế, gồm: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế khi tới giao dịch.
Ông Trịnh Công Kỳ, Giám đốc Phòng giao dịch Hồ Gươm, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) - kiêm Phó Giám đốc SeABank khu vực Hà Nội cho biết, được sự chỉ đạo sát sao của Ban lãnh đạo Ngân hàng, từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, SeABank Hồ Gươm đã thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch, vừa để bảo vệ sức khỏe của nhân viên, khách hàng, vừa đảm bảo an toàn cho cộng đồng.
Tại điểm giao dịch, SeABank Hồ Gươm trang bị đầy đủ thiết bị đo thân nhiệt, khẩu trang cũng như nước rửa tay sát khuẩn; đồng thời yêu cầu tất cả nhân viên, kể cả những nhân viên không giao dịch trực tiếp với khách hàng phải đeo khẩu trang khi làm việc. Riêng ở khu vực tiếp xúc thường xuyên với tiền mặt như: khâu đếm, kiểm tiền, nhập kho, ngân hàng cũng trang bị găng tay, khẩu trang y tế, đồ bảo hộ lao động cho nhân viên nhằm ngăn ngừa lây nhiễm vi-rút trên tiền mặt (nếu có).
Phía đại diện Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) thì cho biết, Ngân hàng đã chuyển từ trạng thái “phòng ngự” sang “tấn công”, chủ động phát huy nội lực với tinh thần: Phòng là cơ bản, chiến lược lâu dài quyết định; Chống là cấp bách, quyết liệt, nhanh chóng với tinh thần “chống dịch như chống giặc”; Tiếp tục duy trì vững chắc thành quả phòng, chống dịch giai đoạn vừa qua; Bám sát và thực hiện thành công mục tiêu kép, vừa bảo vệ tốt sức khỏe cán bộ, người lao động, đối tác, khách hàng, vừa đảm bảo tính liên tục, ổn định trong hoạt động của VietinBank.
Bên cạnh đó, ban lãnh đạo VietinBank cũng yêu cầu trang bị phương tiện làm việc để các đơn vị, cá nhân chủ động trong các phương án làm việc giãn cách, thực hiện theo yêu cầu 5K; Chủ động các phương án đảm bảo hoạt động của các đơn vị, kể cả làm việc từ xa, làm việc tại nhà, làm việc tại địa điểm mới phát sinh.
Đặc biệt, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã phê duyệt kế hoạch hỗ trợ cho cán bộ nhân viên và người thân tiêm vắc-xin phòng COVID-19. Theo đó, BIDV sẽ chủ động liên hệ với Bộ Y tế và các cơ quan chức năng để đăng ký mua vắc-xin COVID-19 hỗ trợ cán bộ nhân viên và người thân phòng dịch COVID-19. Mỗi nhân viên của BIDV cùng với 4 người thân sẽ được hỗ trợ trong đợt tiêm phòng lần này. Kinh phí được trích từ nguồn quỹ phúc lợi của Ngân hàng.
Ngay từ đầu dịch, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt vừa hỗ trợ thiết thực tạo thuận lợi và khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng nhiều hơn các dịch vụ thanh toán số, góp phần hạn chế tiếp xúc, ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.Bên cạnh những biện pháp hạn chế nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trực tiếp, một trong những nguyên tắc vàng trong phòng, chống dịch là hạn chế tiếp xúc. Vì vậy, nhiều ngân hàng đã tăng cường khuyến khích khách hàng sử dụng ngân hàng số, giao dịch số để tránh tiếp xúc, bảo vệ sức khỏe cho chính khách hàng.
Đến nay, nhiều tổ chức tín dụng chủ động ứng dụng công nghệ hiện đại như điện toán đám mây, phân tích dữ liệu, dữ liệu lớn, tự động hóa quy trình bằng robot, trí tuệ nhân tạo/ học máy, Blockchain, eKYC,… trong các hoạt động nghiệp vụ và cung ứng sản phẩm, dịch vụ để nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng trải nghiệm khách hàng, giá trị giao dịch ngân hàng qua kênh số của nhiều ngân hàng có sự tăng trưởng vượt bậc.
Là một ngân hàng mới ứng dụng eKYC trong hoạt động, ông Nguyễn Văn Lê, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) chia sẻ, thời gian qua, Ngân hàng đã không ngừng nghiên cứu, đổi mới và tăng cường ứng dụng công nghệ vào dịch vụ ngân hàng nhằm mang lại cho khách hàng tối đa những tiện ích. Việc triển khai ứng dụng eKYC khiến việc sở hữu tài khoản ngân hàng trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Đây cũng là bước tiến mới trong công cuộc số hóa các hoạt động ngân hàng, thúc đẩy khách hàng thay đổi thói quen chuyển đổi từ giao dịch trực tiếp sang giao dịch trực tuyến, tiết kiệm thời gian, công sức và đặc biệt đảm bảo an toàn sức khỏe trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp.
Đặc biệt, nhiều ngân hàng đã triển khai và mở rộng kế hoạch sử dụng robot, chí tuệ nhân tạo (AI) vào việc hỗ trợ giao dịch trực tuyến, tránh tiếp xúc trực tiếp để phòng, chống COVID-19. Đơn cử như mô hình LiveBank với 330 máy giao dịch tự động không cần nhân viên trên cả nước cũng được xem là một trong những thành công lớn của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank). Theo ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank, ước tính 3 máy LiveBank có thể thay thế một chi nhánh ngân hàng. LiveBank có thể đảm đương khoảng 80% giao dịch truyền thống trừ cho vay (do vướng các quy định về pháp lý). Chưa dừng lại ở đó, TPBank đã sử dụng các ứng dụng công nghệ số bằng robot để thay thế lao động giản đơn.
Nhờ vậy, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, thói quen thanh toán của người tiêu dùng Việt Nam đã thay đổi đáng kể, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục tăng cao.
Thông tin từ Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, giao dịch qua kênh Internet đạt 156,2 triệu món với giá trị 8,1 triệu tỷ đồng (tăng tương ứng 55,9% về số lượng và 28,4% về giá trị); giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt trên 395,05 triệu món với giá trị hơn 4,6 triệu tỷ đồng (tăng tương ứng 78% về số lượng và 103% về giá trị). Giá trị giao dịch qua kênh QR code đạt 5,3 triệu món với giá trị 4.479 tỷ đồng (tăng tương ứng 83% về số lượng và 146% về giá trị).
Không trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch tại cộng đồng nhưng ngành Ngân hàng cũng tổ chức nhiều chương trình ý nghĩa, góp phần hỗ trợ, động viên tuyến đầu chống dịch COVID-19.
Mới đây, đoàn công tác của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã trao tặng 5 tỷ đồng cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh để góp phần giúp Bắc Giang kịp thời tăng cường các công cụ bảo hộ, trang thiết bị y tế.
Bên cạnh ủng hộ 5 tỷ đồng tiền mặt cho Bắc Giang, VPBank cũng tài trợ cho Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam 5 tỷ đồng để triển khai các phòng xét nghiệm container lưu động tại các tỉnh, thành trong cả nước.
Trước đó, VPBank phối hợp với Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức chương trình "Khoẻ x3 vượt qua COVID" nhằm khuyến khích người dân tăng cường sức khoẻ, qua đó gây quỹ phòng chống COVID-19.
Với mỗi clip tham gia chương trình hợp lệ, VPBank sẽ thay mặt khách hàng, đóng góp 100.000 đồng cho đến khi hoàn thành mục tiêu gây quỹ 2 tỷ đồng.
Ban tổ chức sẽ dùng toàn bộ số tiền quyên góp để mua sắm trang thiết bị y tế quan trọng, cần thiết như bộ bảo hộ, khẩu trang N95, kit xét nghiệm... phục vụ công tác phòng, chống COVID-19 tại điểm nóng ứng cứu và hỗ trợ bệnh nhân như: Bệnh viện K, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Bắc Giang, TP. Đà Nẵng...
Cùng phát huy trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng, trước tình trạng xuất hiện các ca lây nhiễm tại Bệnh viện K và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương trong thời gian gần đây, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã kịp thời hỗ trợ 3 tỷ đồng công tác phòng, chống COVID-19 tại các bệnh viện tuyến đầu.
Cũng trong ngày 17/5/2021, Agribank quyết định ủng hộ kinh phí 3 tỷ đồng hỗ trợ chính quyền và nhân dân hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Riêng trong năm 2020, toàn hệ thống Agribank đã ủng hộ kinh phí 28 tỷ đồng chung tay cùng cả nước trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Ngoài ra, trong bối cảnh kinh tế - xã hội cả nước gặp khó khăn vì dịch COVID-19, Ngân hàng SHB cùng một số doanh nghiệp đã chung sức ủng hộ trên 65 tỷ đồng trong công tác chống dịch COVID-19 của cả nước. Trong đó, SHB và các doanh nghiệp đã ủng hộ 4,5 tỷ đồng cho các bệnh viện tuyến đầu chống dịch, như bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; tài trợ 25.000 bộ trang phục bảo hộ y tế và 7.500 bộ kit xét nghiệm cho công tác phòng, chống dịch tại Quảng Nam; SHB trao tặng cho Bệnh viện Bạch Mai 2 loại kit để phục vụ công tác xét nghiệm RT-PCR với tổng trị giá 550 triệu đồng…
Bài: Hương Giang - Ảnh: Hoàng Giáp (TBNH)