Doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện chiếm số lượng rất lớn, giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng là đối tượng chịu nhiều tổn thương từ dịch COVID-19. Để nhóm doanh nghiệp này “sống khỏe”, các ngân hàng đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ.
Chịu nhiều "tổn thương" vì COVID-19
Đặc biệt do ảnh hưởng của dịch bệnh, với nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp rất nhiều khó khăn. Là doanh nghiệp sản xuất lụa có tiếng tại làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông, TP. Hà Nội), bà Nghiêm Thị Thu Hương, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Đông Hương chia sẻ, doanh thu của công ty giảm 90% do sản phẩm không tiêu thụ được. Khó khăn chồng chất buộc công ty từ tháng 5 vừa qua phải cắt giảm nhân công, từ 30 lao động xuống còn hơn 10 lao động.
Đây không chỉ là khó khăn riêng của Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Đông Hương mà còn của rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa khác. Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho biết, 98% hội viên là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp mới khởi nghiệp. Đợt dịch lần thứ 4 có quy mô, mức độ ảnh hưởng lớn hơn nhiều cả 3 đợt dịch trước cộng lại. Do đó, rất nhiều doanh nghiệp hội viên đã đến giới hạn chịu đựng.
Cùng chung nỗi lo cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, TS. Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP.Hà Nội phân tích, một số doanh nghiệp trước đây tập trung vào thị trường xuất khẩu nhưng do dịch bệnh nên giao thương bị hạn chế, phải chuyển sang tập trung chủ yếu vào thị trường nội địa, kinh doanh thu hẹp, đối tác bị hạn chế nên phương án kinh doanh không đủ sức hấp dẫn cho ngân hàng giải ngân.
Không chỉ khó khăn từ dịch bệnh, doanh nghiệp nhỏ và vừa còn phải đối mắt với nhiều trở ngại khác. Ông Lê Đặng Trung, Giám đốc Công ty RTA cho rằng, những đặc trưng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa khiến luôn gặp nhiều khó khăn, nguồn lực không có nhiều, năng lực hiện hữu về quản trị, về công nghệ cũng thực sự rất hạn chế, từ đó dẫn đến ít có khả năng cạnh tranh.
Nhiều giải pháp hỗ trợ
Với mong muốn đồng hành, chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp nhỏ và vừa, các ngân hàng đã triển khai ngay nhiều giải pháp trong thời gian qua. Sức lan tỏa của tinh thần này đã được các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước và tư nhân đều tích cực hưởng ứng.
Theo đó, hàng loạt ngân hàng giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, phục hồi sản xuất kinh doanh.
Là một trong 4 ngân hàng thuộc nhóm "Big4", Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đã dành 30.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay với lãi suất từ 4,5%/năm, trong đó 10.000 tỷ đồng dành cho vay ngắn hạn và 20.000 tỷ đồng dành cho vay trung, dài hạn.
Hay Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) cũng giảm lãi suất cho hơn 8.500 khách hàng cá nhân và doanh nghiệp với mức lãi suất giảm trung bình 1,5 điểm % ngay từ tháng 7 này, tập trung vào nhóm khách hàng chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Với mục tiêu đẩy mạnh phát triển kinh tế, tăng cường năng lực ngân hàng và khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong khu vực nông thôn, Ngân hàng TMCP Bắc Á triển khai chương trình ưu đãi cho vay từ dự án “Tài chính nông thôn II”. Theo đó, số tiền cho vay tối đa là 75% tổng chi phí và hạn mức cho vay tối đa cũng lên đến 2,3 tỷ đồng cho mỗi tiểu dự án. Thời hạn cho vay tối đa lên đến 15 năm, mức lãi suất từ 8,45%/năm.
Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng tại các địa phương, cũng đặc biệt quan tâm đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đơn cử, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai thông tin, tính đến cuối tháng 7/2021, dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh ước đạt hơn 59.900 tỷ đồng, tăng khoảng 6,1% so với cuối năm 2020, chiếm tỷ trọng 22,6% so với tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trong tỉnh.
Ngoài ra, với dịch vụ giải ngân trực tuyến, doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ nhận được số tiền giải ngân chỉ sau vài giờ mà không cần phải đến phòng giao dịch của ngân hàng, qua đó giúp khách hàng giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm COVID-19.
Hình thức vay vốn này được nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa ưa chuộng. Sau gần một tháng thí điểm, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã giải ngân khoảng 300 khoản vay hình thức trực tuyến. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa muốn vay vốn chỉ cần thực hiện theo 4 bước trên hệ thống số, ngân hàng sẽ tiến hành xem xét và giải ngân ngay trong khoảng thời gian từ 1-2 giờ làm việc. Tại từng bước thực hiện, ngân hàng đều thông báo cho khách hàng thông qua email và tin nhắn.
Tuy nhiên, để doanh nghiệp nhỏ và vừa trụ vững trong đại dịch COVID-19, theo các chuyên gia, bản thân mỗi doanh nghiệp nhỏ và vừa cần nêu cao ý thức vươn lên, phát huy lợi thế, nâng cao năng lực cạnh tranh của mình. Thông qua nguồn vốn tự có và vốn vay ưu đãi của ngân hàng, doanh nghiệp nhỏ và vừa cần tăng cường đầu tư, đổi mới công nghệ, áp dụng đổi mới sáng tạo trong thiết kế sản phẩm, quy trình sản xuất, quản lý quá trình, trong đó, việc coi trọng đầu tư cho khoa học công nghệ. Đây là mấu chốt giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ)
Hương Giang (TBNH)