Ngày 19/01/2021, Ngân hàng Nhà nước CN tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ Ngân hàng năm 2022.
Dự Hội nghị có đ/c Lê Hữu Hoàng – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đ/c Lê Trí, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Khánh Hòa, Phạm Thị Xuân Trang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh;đại diệnLãnh đạo các sở, ban, ngành, Bảo hiểm tiền gửi Khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên và các Chi nhánh Tổ chức tín dụng trên địa bàn.
Năm 2021, Ngân hàng Khánh Hòa đã nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong bối cảnh nền kinh tế cả nước và địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đến cuối tháng 12/2021, huy động vốn toàn tỉnh đạt 97.168 tỷ đồng, so với đầu năm tăng 10,02%, dư nợ cho vay đạt 102.090 tỷ đồng, tăng 5,37%;mặt bằng lãi suất trên địa bàn ổn định và có xu hướng giảm; thực hiện điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ cho 5.437khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, miễn, giảm lãi và giảm lãi suất các khoản vay cũ với số tiền 350 tỷ đồng cho 21.364 khách hàng; cho vay 20 doanh nghiệp sử dụng lao động trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất kinh doanh với tổng số tiền 6,369 tỷ đồng, nợ xấu được kiểm soát chặt chẽ; thanh toán không dùng tiền mặt tăng cao; thực hiện tốt công tác an sinh xã hội; thị trường vàng, ngoại tệ ổn định, đáp ứng nhu cầu mua bán của khách hàng.
Tại Hội nghị, Ngân hàng Agribank Khánh Hòa, BIDV Khánh Hòa, VCB Khánh Hòa, MB Khánh Hòa, Sacombank Khánh Hòa, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Khánh Hòa và QTDND Cam Lâm đã trình bày tham luận và các kiến nghị, vướng mắc trong cho vay theo Nghị định 67, quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, trích lập dự phòng rủi ro tại Thông tư số 01/2020/TT-NHNN, Thông tư số 03/2021/TT-NHNN và Thông tư số 14/2021/TT - NHNN, quy định việc kết nạp thành viên của Quỹ tín dụng nhân dân tại Thông tư số 21/2019/TT-NHNN...Đồng chí Nguyễn Hoài Chiểu, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa đã ghi nhận và giải đáp các kiến nghị.
NHNN Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa vinh dự đón nhận cờ thi đua của Chính phủ năm 2020 do đồng chí Lê Hữu Hoàng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thay mặt Thủ tướng Chính phủ trao tặng.
Chỉ đạo Hội nghị, đ/c Lê Hữu Hoàng ghi nhận những nỗ lực và kết quả đạt được của Ngân hàng Khánh Hòa trong năm 2021 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Chỉ đạo Ngân hàng Khánh Hòa trong năm 2022 tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu sau:
- Quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết 01, Nghị quyết 02, của Thống đốc NHNN tại Chỉ thị 01, Chỉ thị 02 và các Kế hoạch, Chỉ thị, Chương trình hành động của UBND tỉnh; tổ chức triển khai đồng bộ, có hiệu quả trong hệ thống ngân hàng trên địa bàn.
Thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát và xử lý nợ xấu; tập trung tín dụng cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, hỗ trợ thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
- Tiếp tục triển khai quyết liệt, thiết thực, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay, đa dạng sản phẩn tín dụng ngân hàng, đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho vay để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, góp phần hạn chế tín dụng đen.
- Triển khai hiệu quả Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Chương trình hành động triển khai thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2025. Tăng cường kết nối các ngành, lĩnh vực, đẩy mạnh cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử, lĩnh vực công, hành chính công, y tế, giáo dục.
- Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng, cảnh báo sớm các tổ chức tín dụng để ngăn ngừa, hạn chế rủi ro. Triển khai, giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 của các tổ chức tín dụng trên địa bàn; việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong cho vay, phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro của các tổ chức tín dụng. Triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm hạn chế nợ xấu mới phát sinh.
Chủ động phối hợp các sở ngành liên quan trong công tác xử lý nợ xấu. Đề nghị Tòa án, Cơ quan thi hành án, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh phối hợp, hỗ trợ ngành ngân hàng trong việc thu giữ, giải quyết tranh chấp tài sản bảo đảm và xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu tồn đọng.
- Tiếp tục triển khai quyết liệt công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sự tín nhiệm của người dân, doanh nghiệp vào cơ chế, chính sách và hoạt động của ngành ngân hàng. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Thực hiện tốt công tác điều hòa tiền mặt, đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu tiền mặt cả về giá trị và cơ cấu trên địa bàn.
NHNN KH