Áo dài Việt Nam có lịch sử lâu đời, đến nay dù hình thức đã có nhiều thay đổi so với tà áo dài cổ xưa, nhưng vẫn luôn thể hiện được nét đẹp truyền thống của phụ nữ Việt, đồng thời chứa đựng bề dày lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ và tâm hồn dân tộc. Hiện nay, đất nước đang trên đà hội nhập quốc tế sâu rộng, bên cạnh sự hiện đại, tận tâm, chuyên nghiệp trong hoạt động chuyên môn, những nữ cán bộ ngân hàng vẫn giữ được nét đẹp duyên dáng, sâu lắng trong những tà áo dài đậm nét dân tộc.
Đồng phục áo dài Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Áo dài - biểu tượng cho vẻ đẹp phụ nữ Việt Nam
Áo dài mới đây được tôn vinh là di sản văn hóa Việt Nam nhằm lan tỏa vẻ đẹp người phụ nữ và đề cao giá trị văn hóa của người Việt. Để trở thành một biểu tượng văn hóa của quốc gia không hề đơn giản, vì biểu tượng phải là hình ảnh tiêu biểu, có giá trị về văn hóa, lịch sử, thẩm mỹ…, phản chiếu bản sắc văn hóa dân tộc, mang đặc tính nhận diện riêng của mỗi quốc gia, dân tộc. Áo dài Việt Nam đã tiệm cận được những giá trị như thế và được tôn vinh là biểu tượng cho vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam.
Chắc hẳn nhiều người vẫn nhớ câu hát “thoáng thấy áo dài bay trên đường phố, sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó” trong ca khúc Một thoáng quê hương của nhạc sĩ Thanh Tùng và Từ Huy. Câu hát đã chuyển tải đầy đủ tính biểu tượng của áo dài Việt Nam, không chỉ với riêng phụ nữ Việt, mà còn là một trong những nét đẹp của văn hóa dân tộc. Đó cũng là tình yêu và niềm tự hào về con người và đất nước Việt Nam.
Đồng phục áo dài VCB
Áo dài Việt Nam đã có lịch sử lâu đời với kiểu dáng nguyên gốc là áo giao lĩnh (khoảng năm 1744), đến kiểu dáng áo dài tứ thân (thế kỷ 17), áo dài ngũ thân (thời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát), đến áo dài tân thời bắt nguồn từ áo dài Lemur do họa sĩ Cát Tường thiết kế (năm 1939), đến áo dài Raglan (những năm 1960 ở Sài Gòn) đã góp phần định hình phong cách cho áo dài Việt Nam sau này. Mặc dù có sự sáng tạo, cách tân, thay đổi kiểu dáng, chất liệu... tương đối phong phú, song áo dài Việt Nam vẫn có điểm chung là phù hợp với nhiều hình dáng cơ thể, vừa uyển chuyển, gợi cảm, tôn nét đẹp ngoại hình của người phụ nữ, lại vừa trang nhã, kín đáo, sang trọng, thể hiện nét dịu dàng, duyên dáng, tinh tế của phụ nữ Việt. Hơn nữa, áo dài có thể sử dụng trong nhiều không gian, thời gian, sự kiện khác nhau. Chính vì tà áo dài hội tụ được những đặc điểm văn hóa, thẩm mỹ truyền thống của người Việt, lại rất gần gũi, thân thuộc, nên đó như lời nhắc nhở người mặc phải ứng xử sao cho thanh lịch, văn hóa, xứng đáng với giá trị truyền thống và lịch sử của đất nước.
Ở mỗi vùng miền của Tổ quốc, gắn liền với điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa vùng miền, mà mỗi nơi trên dải đất hình chữ S lại có những đặc điểm khá riêng biệt về “gu thẩm mỹ” áo dài. Phụ nữ miền Bắc thường chọn màu sắc và kiểu dáng thiên về thanh lịch, trang nhã; lại có mùa đông lạnh nên cổ áo thường may cao, tay áo dài. Phụ nữ miền Trung do ảnh hưởng của môi trường gia giáo, khí hậu cũng khắc nghiệt, nên có phần ưa các tông màu trầm, dịu nhẹ, nhất là vùng đất Huế với màu tím Huế đã trở thành thương hiệu. Ở miền Nam quanh năm nhiệt độ cao, nên phụ nữ miền Nam thường ưa thích màu sắc rực rỡ, nhiều hoa văn, có đính thêm các phụ kiện; cổ áo thường được lược bỏ cổ cao mà thiết kế cổ rộng, tay áo được may lửng hoặc ngắn… Mặc dù có sự khác biệt như thế, nhưng đặc điểm chung nhất của áo dài Việt vẫn là sự kín đáo, trang nhã, nhưng cũng rất gợi cảm, đằm thắm, phản ánh rõ nét tính cách, văn hóa và thẩm mỹ của người Việt.
Với những nét đẹp tinh tế, đậm chất truyền thống đó mà áo dài trở thành biểu tượng cho vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam, mang giá trị nhận diện đặc biệt mà dù ở bất cứ nơi nào trên thế giới, chỉ cần nhìn thấy tà áo dài là có thể hình dung và cảm nhận được bản sắc văn hóa Việt Nam.
Đồng phục áo dài TPBank
Đa sắc màu trong áo dài của phụ nữ Ngân hàng Việt Nam
Phụ nữ ngành Ngân hàng cũng đã gắn bó với tà áo dài Việt Nam trong hơn 70 năm lịch sử phát triển của Ngành. Những chiếc áo dài không chỉ là lễ phục, mà còn được các ngân hàng quy định là đồng phục của đơn vị, nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa Việt, đồng thời xây dựng môi trường văn hóa ngành Ngân hàng văn minh, hiện đại, chuyên nghiệp và giàu tính dân tộc. Rất dễ thấy những tà áo dài thướt tha của nữ cán bộ ngân hàng ở các phòng giao dịch, chi nhánh, trụ sở làm việc trên khắp cả nước. Áo dài đã trở thành trang phục không thể thiếu nơi công sở, vừa tôn vinh nét đẹp của nữ cán bộ ngân hàng, vừa thể hiện sự chuyên nghiệp, chuẩn mực nhưng cũng rất hiện đại, sáng tạo, phù hợp với thời đại mới.
Từ khi Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Chương trình "Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam" (tháng 3/2020), ngành Ngân hàng đã tổ chức nhiều hoạt động để hưởng ứng, trong đó có “Tuần lễ áo dài ngành Ngân hàng” được tổ chức hằng năm từ ngày 01 - 08/3, phát động nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong Ngành mặc áo dài trong suốt tuần làm việc phù hợp với điều kiện, tính chất công việc. Có thể thấy, những tà áo dài trong các trụ sở, chi nhánh, tại các phòng giao dịch đã làm nên bức tranh tươi sáng, đa màu sắc và đầy sức sống của các ngân hàng trên toàn quốc, vừa toát lên sự trẻ trung, tươi mới, lại vừa khẳng định sự thanh lịch, tinh tế, sâu lắng và đậm chất truyền thống của phụ nữ Việt Nam.
Đồng phục áo dài Vietinbank
Mỗi ngân hàng là một thương hiệu riêng với sắc màu áo dài riêng biệt, vừa góp phần nhận diện thương hiệu, vừa khơi dậy niềm tự hào và trách nhiệm giữ gìn, phát huy di sản văn hóa Việt Nam, cũng vừa thể hiện trách nhiệm của mỗi nữ cán bộ đối với ngành nghề và sự tận tâm, chỉn chu với công việc. Chỉ cần nhìn vào những chiếc áo dài đồng phục của các nữ cán bộ ngân hàng, người ta có thể nhận diện ngay được thương hiệu và “phong cách” của từng hệ thống: Nếu nữ cán bộ Ngân hàng Trung ương với 2 màu áo đặc trưng là đỏ, vàng với logo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được in đều trên thân áo làm nổi bật sự sang trọng, chuẩn mực; thì đồng phục áo dài của nữ cán bộ Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) lại năng động, hài hòa với màu xanh thương hiệu cùng các họa tiết màu vàng ánh kim; áo dài của nữ cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) với màu đỏ sẫm tạo ấn tượng nổi bật; áo dài của nữ cán bộ Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) có 3 màu: đỏ, xanh da trời và xanh dương tạo sự trẻ trung, lịch thiệp; áo dài của nữ cán bộ Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) lại toát lên vẻ thân thiện, lịch lãm với màu xanh dương, không có họa tiết; Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) lại thể hiện sự năng động, sáng tạo, trẻ trung, nữ tính nhưng cũng rất chuyên nghiệp với màu áo dài tím; hay Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng Hải Việt Nam (MSB) nổi bật với sự trẻ trung, tươi mới của những tà áo dài màu cam… Ngoài ra, các ngân hàng khác cũng đều có những quy định chuẩn mực về màu sắc, kiểu dáng của áo dài đồng phục, vừa thể hiện được văn hóa riêng của mỗi ngân hàng, giúp nhận diện thương hiệu, vừa tôn lên vẻ đẹp nữ tính nhưng cũng rất chuyên nghiệp, hiện đại của nữ cán bộ ngân hàng.
Đồng phục áo dài BIDVSự đa dạng sắc màu của những tà áo dài của nữ cán bộ ngân hàng có thể ví như một rừng hoa đẹp. Đó cũng là sự đa dạng văn hóa của các ngân hàng hòa trong một hệ văn hóa chung của cả Ngành. Để tôn vinh vẻ đẹp đa dạng ấy, đồng thời góp phần gìn giữ truyền thống, bản sắc văn hóa, tâm hồn Việt và quảng bá nét đẹp văn hóa ngành Ngân hàng, cuối năm 2020, triển lãm “Áo dài - Nét đẹp Phụ nữ Ngân hàng Việt Nam” đã được ngành Ngân hàng tổ chức với 120 bức ảnh đẹp, có ý nghĩa về hình ảnh các nữ cán bộ đến từ các ngân hàng trong toàn Ngành duyên dáng trong tà áo dài tại nơi làm việc và tham gia các hoạt động xã hội.
Hình ảnh những nữ cán bộ ngân hàng trong trang phục áo dài truyền thống vừa toát lên nét duyên dáng, thanh lịch, vừa thể hiện sự tận tâm, chuyên nghiệp, văn minh, thân thiện và đầy tự tin. Hình ảnh ấy đã thực sự trở thành một biểu tượng của nét đẹp phụ nữ ngân hàng trong hơn 70 năm phát triển của Ngành. Những tà áo dài ấy, về góc độ văn hóa, đã thực sự trở thành sợi dây gắn kết quá khứ và hiện tại, vừa chuyển tải được tâm hồn và văn hóa Việt Nam trong quá khứ, vừa tiếp thu những giá trị văn hóa đương thời để quảng bá hình ảnh Việt Nam và Ngân hàng Việt Nam đi khắp nơi trên thế giới./.
Phạm Liên