Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ năm, 21/11/2024 | 00:37

Tin TLĐ

Các hành vi phân biệt công đoàn và cán bộ công đoàn tinh vi, cần được xác định và xử lý nghiêm

12/01/2015

Ngày 09/01/2015 tại Hà Nội, với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Tổng Liên đoàn LĐVN tổ chức Hội thảo lấy ý kiến chuyên gia về dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động.

Ngày 09/01/2015 tại Hà Nội, với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Tổng Liên đoàn LĐVN tổ chức Hội thảo lấy ý kiến chuyên gia về dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động.


Tham dự Hội thảo có đại diện Bộ LĐTBXH, Trường Đại học Luật Hà Nội, đại diện ILO Hà Nội- Cố vấn trưởng dự án quan hệ lao động- ông Phillip Hazelton và trên 20 đại biểu là cán bộ CĐ của một số LĐLĐ tỉnh và CĐ ngành TW, CĐ Tcty trực thuộc TLĐ.

Khai mạc Hội thảo, Ủy viên ĐCT, Trưởng ban Quan hệ lao động Lê Trọng Sang cho biết, ngay sau khi Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn được ban hành năm 2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 95/NĐ-CP/2013 ngày 22/8/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trọng lĩnh vực lao động, BHXH và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Điều 24 của Nghị định này đã quy định một số nội dung về xử phạt vi phạm thuộc lĩnh vực Công đoàn. Tuy nhiên, phạm vi điều chỉnh mà điều 24 đề cập tới còn rất hẹp và chưa đề cập tới hành vi vi phạm trích nộp kinh phí Công đoàn, mà điều 26 Bộ luật Lao động đă quy định, do đó Tổng Liên đoàn đã có kiến nghị và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đồng ý sửa đổi Nghị định này cho phù hợp và bao quát hơn.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về các hành vi vi phạm trong lĩnh vực Công đoàn; những tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định 95 và định hướng sửa đổi; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, Công đoàn nhìn từ góc độ tiêu chuẩn lao động quốc tế và kinh nghiệm của một số nước trên thế giới; thực trạng về hành vi phân biệt đối xử với Công đoàn và cán bộ công đoàn; bình luận về dự thảo chương quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực CĐ...

Luật sư Vũ Ngọc Hà, Trung tâm tư vấn pháp luật lao động công đoàn Đồng Nai nhận định: Các hành vi phân biệt công đoàn và cán bộ công đoàn rất tinh vi, kéo dài, phức tạp, thậm chí công khai trong khi pháp luật chưa quy định rõ ràng, thiếu chế tài xử lý. Tại Đồng Nai, đã có DN tuyên bố cắt tiền sinh nhật (100 USD) và tiền thường tết của những CNLĐ gia nhập CĐ. Nhiều DN không tạo điều kiện về thời gian, địa điểm, không trang bị cơ sở vật chất cho CĐCS… gây khó khăn cho hoạt động CĐ. Thậm chí có DN khống chế hoạt động của CĐ bằng cách giữ con dấu của CĐCS. Hành vi trù dập cán bộ CĐ không phải là hiếm. Có DN đơn phương chấm dứt HĐLĐ với cán bộ CĐ; không tham khảo ý kiến của BCH CĐ khi cho cán bộ CĐ thôi việc hoặc giao nhiều việc chuyên môn để hạn chế hoạt động của Chủ tịch CĐCS. Hiện nay, Trung tâm tư vấn pháp luật lao động công đoàn Đồng Nai đang giúp 2 cán bộ CĐ khởi kiện DN đã sa thải họ v́ tham gia hoạt động Công đoàn.

Những hành vi tương tự cũng diễn ra tại các DN ở Bình Dương. Có DN chuyển cán bộ CĐ làm ca đêm, chuyển công việc khác, không trả lương cho thời gian tham gia họp, tập huấn của cán bộ CĐ… nhằm gây khó khăn và tâm lý bất mãn để NLĐ e ngại khi gia nhập tổ chức CĐ. Có DN đưa vào HĐLĐ điều khoản NLĐ cam kết tự nguyện không gia nhập CĐ, nếu gia nhập Công đoàn sẽ bị cắt giảm các khoản phúc lợi hiện hưởng…

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hữu Chí cho rằng, mục đích của xử phạt hành chính là giáo dục, phòng ngừa và ngăn chặn chứ không phải là trừng trị. Đây chỉ là một trong những chế tài pháp lý với hành vi vi phạm Luật CĐ. Vì vậy, cần đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa xử phạt hành chính với các chế tài pháp lý khác. Ông cũng cho rằng những quy định trong Dự thảo phù hợp và tương thích với Luật xử lư vi phạm hành chính về xử lý các hành vi vi phạm trong các lĩnh vực khác của quan hệ lao động.

Các hành vi không trích nộp kinh phí CĐ cũng được nhiều đại biểu đề cập đến như điển hình trong các hành vi vi phạm. Các đại biểu cũng thống nhất cho rằng, những hành vi phân biệt đối xử như trên có tác động tiêu cực tới hoạt động CĐ và sự tuân thủ pháp luật nói chung. Do đó, để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và quyền công đoàn thì tất cả các hành vi vi phạm trong lĩnh vực CĐ cần có chế tài xử lý phù hợp và thích đáng.

 

V.Đ (theo congdoanvn.org.vn)

Tin cùng chuyên mục