Với công nhân, thưởng Tết là khoản tiền vô cùng ý nghĩa mỗi dịp Tết đến, xuân về. Đại diện cho người lao động trong những lần thương lượng về mức thưởng Tết, cán bộ Công đoàn cơ sở luôn tìm ra phương án thưởng Tết tốt nhất cho công nhân lao động.
Bị giảm giờ làm khiến thu nhập ảnh hưởng, thưởng Tết là khoản tiền công nhân rất trông chờ. Ảnh minh họa: Minh Hương
Thưởng Tết - động lực của công nhân
Chị Nguyễn Thị Thoa (công nhân một công ty tại huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) cho biết, thời điểm này, công ty nơi chị làm việc vẫn chưa có thông báo về thưởng Tết. Nữ công nhân dự đoán thưởng Tết năm nay thấp do công ty ít việc.
Cách đây 2 năm, chị Thoa trở về quê Nghệ An sau 6 năm làm công nhân tại Hải Dương. Về quê, chị chấp nhận mức thu nhập thấp hơn khi còn ở Hải Dương, chỉ khoảng hơn 4 triệu đồng/tháng (nếu có làm thêm là hơn 5 triệu đồng/tháng) để có thời gian chăm sóc con nhiều hơn. Theo nữ công nhân, năm trước, chị được thưởng Tết bằng 1 tháng lương cơ bản, tương đương hơn 4 triệu đồng. “Mức thưởng Tết 4 triệu đồng không đủ để tôi tiêu Tết, nhưng đối với công nhân, được mức nào thì hay mức đó” - chị Thoa nói.
Những năm dịch bệnh, vào dịp Tết Nguyên đán, chị Nguyễn Thị Thu (công nhân ở Khu công nghiệp Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội) được thưởng 2 tháng lương cơ bản (tương đương khoảng 10 triệu đồng). Cộng với tiền thưởng của chồng, chị Thu sử dụng vào việc sắm sửa, quà Tết, chi phí đi lại cho cả gia đình về quê ăn Tết và tiết kiệm được một khoản nhỏ.
1 tháng trở lại đây, chồng chị Thu - cùng làm công nhân ở khu nghiệp này phải ngưng việc ở công ty, anh phải ra ngoài làm lao động tự do. Công việc của chị Thu không bị ảnh hưởng nên chi tiêu trong gia đình đều dồn lên vai nữ công nhân này.
“Công ty tôi năm nay chưa thấy thông báo thưởng Tết. Tôi có hỏi chủ tịch Công đoàn thì được biết thưởng Tết năm nay bằng hoặc cao hơn năm ngoái. Nghe vậy tôi cũng thấy yên tâm hơn” - chị Thu nói.
10 năm làm công nhân xa quê, với chị Thu, thưởng Tết là khoản vô cùng ý nghĩa. Theo chị, ngoài thu nhập từ lương, công nhân không có thêm thu nhập nào khác, do vậy khi có thưởng Tết, công nhân như có thêm động lực.
Giữ thưởng Tết cho công nhân
Ông Nguyễn Đức Nhân - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử Atis Hà Nội (Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh, Hà Nội) cho biết, thời điểm này, dịch COVID-19 đã không còn căng thẳng, phức tạp như trước, song bị ảnh hưởng của tình hình thế giới, nguồn nguyên liệu nhập khó khăn nên đơn hàng bị ảnh hưởng. Tuy vậy, theo ông Nguyễn Đức Nhân, trong cuộc họp bàn thưởng Tết sắp tới, Công đoàn sẽ cố gắng giữ thưởng Tết cho công nhân.
Công ty có khoảng 1.200 lao động, hằng năm, trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 1 tháng, ban chấp hành Công đoàn sẽ họp với ban giám đốc công ty để cùng thương lượng mức thưởng Tết.
Là cán bộ Công đoàn, ông Nhân cho biết, trong cuộc họp bàn về mức thưởng Tết giữa công đoàn và người sử dụng lao động bao giờ cũng có phần căng thẳng, song ông cùng các thành viên trong ban chấp hành Công đoàn luôn đưa ra phương án thương lượng thưởng Tết tốt nhất.
Năm 2021, công nhân được thưởng lương tháng 13 vào dịp Tết Nguyên đán (tương đương 1,7 tháng lương cơ bản). “Còn năm nay, công ty đang tính đến phương án chia nhỏ mức thưởng, theo đó, Tết Âm lịch, người lao động được thưởng 1 tháng lương cơ bản, sau đó dựa vào lợi nhuận và tình hình kinh doanh, đến khoảng tháng 4.2023 mới thưởng tiếp cho người lao động” - ông Nhân nói.
Ông Nguyễn Tiến Hường - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Seojin (tỉnh Bắc Ninh) - cho hay, phải trước Tết 10 ngày, công ty mới thông báo về mức thưởng Tết cho công nhân lao động. Theo ông Hường, từ trước đến nay, công ty đã có quy chế chung về thưởng Tết đối với người lao động. “Năm nay, mức thưởng Tết đối với công nhân lao động có thể giống như với năm trước là 1 tháng lương cơ bản” - ông Hường nói. Vẫn theo ông Hường, Công đoàn cơ sở vẫn tiếp tục tham gia với chủ sử dụng lao động để đưa ra mức thưởng Tết của người lao động, thông báo với người lao động trước thời gian nghỉ Tết.
Phương Hân - Báo Lao động