Tham dự Hội nghị có các đ/c lãnh đạo các sở, ngành tỉnh; đại diện lãnh đạo Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh, Hội doanh nhân trẻ tỉnh, Hiệp hội Sâm Lai Châu; Ban lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các phòng chuyên môn NHN CN tỉnh Lai Châu; đại diện lãnh đạo các Chi nhánh Ngân hàng Thương mại, Ngân hàng Chính sách xã hội…
Thời gian qua, hoạt động tín dụng trên địa bàn tỉnh được triển khai đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho người dân, doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, góp phần vào đảm bảo an sinh và trật tự an toàn xã hội, hạn chế “tín dụng đen”, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương. Cơ cấu tín dụng trên địa bàn tỉnh khá ổn định, nguồn vốn tín dụng chủ yếu được tập trung vào sản xuất kinh doanh, các ngành nghề là thế mạnh của địa phương, các lĩnh vực ưu tiên để hỗ trợ có hiệu quả cho tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ đối với các thành phần kinh tế nói chung và trong đó có thành phần doanh nghiệp nói riêng. Ngoài ra, một số chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn đã triển khai một số chính sách riêng đối với thành phần doanh nghiệp trong đó có các chính sách ưu đãi về lãi suất cho vay so với khách hàng thông thường...
Tính đến ngày 28/2/2023, tổng dư nợ cho vay tín dụng trên địa bàn đạt 17.727 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay Khối Ngân hàng Thương mại đạt 13.621 tỷ đồng, chiếm 76,82%; dư nợ Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 3.274 tỷ đồng, chiếm 18,46%; dư nợ tại Chi nhánh Ngân hàng Phát triển khu vực Điện Biên - Lai Châu đạt 731 tỷ đồng (Các dự án trên địa bàn tỉnh Lai Châu), chiếm 4,12%; dư nợ Khối các Quỹ tín dụng Nhân dân đạt 101 tỷ đồng, chiếm 0,6%.
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp, hợp tác xã và Hội doanh nhân trẻ, đại diện các sở, ngành, đơn vị liên quan đã có ý kiến về những khó khăn, vướng mắc, đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, giúp doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ dân hoạt động ngày càng hiệu quả…
Đ/c Nguyễn Văn Luận - Giám đốc NHNN CN tỉnh Lai Châu phát biểu kết luận Hội nghị
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Luận đánh giá cao tầm quan trọng và sự cần thiết của Hội nghị Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp. Đồng thời cho rằng, thông qua Hội nghị sẽ mở ra cơ hội kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp để trao đổi một cách cởi mở về các cơ chế, chính sách tín dụng. Đồng chí đề nghị Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Hội doanh nhân trẻ tỉnh, tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền các chính sách, nhất là các chính sách ưu đãi của Chính phủ, của Ngân hàng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã để nắm, tiếp cận; đặc biệt là tăng cường hơn nữa công tác trao đổi, cập nhật và nắm bắt thông tin từ doanh nghiệp, hợp tác xã những khó khăn, vướng mắc, bất cập và nhu cầu tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, phản ánh trực tiếp về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Lai Châu để cùng phối hợp, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Các chi nhánh ngân hàng tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp về huy động vốn, lãi suất và tín dụng; tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, trực tiếp hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ dân trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng…
Đồng chí giao các phòng chuyên môn thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh tổng hợp các ý kiến tại Hội nghị, chủ động tham mưu cho Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Lai Châu trong việc tiếp thu và giải trình các ý kiến tại Hội nghị, đề nghị cấp có thẩm quyền đối với những kiến nghị vượt thẩm quyền. Đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi, chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân; tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, cấp ủy, chính quyền địa phương các huyện, thành phố; tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính...
Hồng Nghĩa