Chiều 10/6, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, thành viên Chính phủ đã phát biểu giải trình làm rõ các vấn đề mà đại biểu Quốc hội đã nêu liên quan đến Luật các TCTD (sửa đổi). “Nghị quyết 42 được gia hạn cho đến 31/12/2023, nếu Quốc hội thông qua sau ba kỳ họp sẽ có khoảng trống pháp lý về xử lý nợ xấu và đối với hoạt động ngân hàng. Vì vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị Quốc hội xem xét thông qua sau hai kỳ họp. Cơ quan soạn thảo sẽ cố gắng hết sức và dưới sự chỉ đạo của Chính phủ sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến của đại biểu để hoàn thiện”, Thống đốc phát biểu.
Sẽ quy định chung nhất với các ngân hàng chính sách
Báo cáo giải trình ý kiến đại biểu đề nghị cần có một chương hay một phần riêng quy định về ngân hàng chính sách, gồm Ngân hàng Phát triển và Ngân hàng Chính sách xã hội, Thống đốc cho biết, về mặt thực tiễn luật hiện hành trao quyền cho Chính phủ quy định cụ thể về tổ chức quản trị và điều hành hai ngân hàng này.
Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của quốc tế, Ban soạn thảo thấy rằng các nước thành lập ra các ngân hàng chính sách là để phục vụ mục tiêu xã hội, mục tiêu phát triển bền vững và nguồn vốn đối với các ngân hàng này chủ yếu là nguồn vốn do Chính phủ tài trợ.
Nhiều nước thì ban hành luật riêng để quy định các ngân hàng này và cũng có những nước lại trao quyền cho các cơ quan quản lý hướng dẫn. Cũng có một số ít nước quy định trong hệ thống luật chung.
Trên tinh thần ý kiến của một số đại biểu và qua các cuộc hội thảo, tọa đàm, Ban soạn thảo đã thiết kế Điều 17 với 5 khoản theo hướng quy định những gì chung nhất.
Về ý kiến đề nghị có một chương riêng hoặc một phần riêng quy định cụ thể về cơ cấu tổ chức, về hoạt động, thậm chí về xử lý nợ xấu cũng như tái cơ cấu các ngân hàng này, Thống đốc cho biết, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu. Tuy nhiên trên thực tế một luật chung khó có thể quy định cụ thể cho từng ngân hàng riêng nên trong quá trình rà soát sẽ cố gắng có những quy định chung nhất đối với các ngân hàng này trong dự án luật.
Nhiều giải pháp hạn chế sở hữu chéo
Liên quan đến các quy định điều chỉnh giảm các giới hạn về sở hữu của cổ đông cũng như sở hữu của cổ đông và người có liên quan; giới hạn về cấp tín dụng cho một khách hàng và người có liên quan… Thống đốc cho biết, dự thảo luật được thiết kế như vậy nhằm mục đích hướng đến hạn chế, chống việc thao túng và sở hữu chéo trong hoạt động ngân hàng. Đây cũng là yêu cầu của các cấp có thẩm quyền, từ Bộ Chính trị, nghị quyết của Quốc hội…
Làm rõ hơn khái niệm người có liên quan, Thống đốc cho biết, dự thảo luật đã mở rộng phạm vi người có liên quan so với quy định người có liên quan quy định tại Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, ở Luật Doanh nghiệp cũng có điều khoản cho rằng tùy theo tính chất đặc thù mà các luật khác có thể quy định về phạm vi người có liên quan. Với tính chất đặc thù của ngành ngân hàng liên quan đến tiền, dự thảo luật đã quy định theo hướng mở rộng người có liên quan.
Về ý kiến của đại biểu băn khoăn quy định như vậy có khắc phục triệt để được tình trạng này hay không, Thống đốc cho biết, quy định là vậy nhưng muốn thực hiện quy định trong luật phải là vấn đề tổ chức thực hiện.
Chúng ta đã có những quy định về sở hữu cổ đông, quy định về sở hữu chéo, chúng ta không cho phép xảy ra hiện tượng này. Trên thực tiễn, tỷ lệ sở hữu cũng như sở hữu chéo về cơ bản đã được khắc phục.
Tuy nhiên, có thể các cổ đông nhờ những người có liên quan đứng tên và ngân hàng không thể nắm bắt được. Khi một số vụ án được đưa ra xét xử mới thấy có những trường hợp đứng tên sở hữu… Vì vậy, theo Thống đốc, các quy định này cũng chỉ là một cách để hạn chế, còn muốn giải quyết được đòi hỏi rất nhiều các công cụ, giải pháp từ nhiều cơ quan khác nhau.
Chẳng hạn như minh bạch hóa về cơ sở dữ liệu các giao dịch dân cư hay cơ sở dữ liệu các giao dịch về vốn; cổ phần hay các giao dịch của các doanh nghiệp… Lúc đó với sự phối kết hợp giữa các bộ, ban, ngành… chúng ta mới có thể minh bạch hóa được các giao dịch và những vấn đề này sẽ được hạn chế.
Liên quan đến ý kiến đại biểu cho rằng liệu giảm tỷ lệ giới hạn tín dụng cho một khách hàng hoặc một khách hàng và những người có liên quan có làm giảm tổng tín dụng của nền kinh tế hay không hay có khó khăn gì cho doanh nghiệp không, Thống đốc cho biết, nhu cầu tín dụng, nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp hiện phụ thuộc rất lớn vào hệ thống ngân hàng.
Các tổ chức quốc tế cũng cảnh báo nếu nhu cầu đầu tư cứ tiếp tục phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Bất cứ khi nào kinh tế thế giới, trong nước có biến động phức tạp, ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người dân thì sẽ ảnh hưởng ngay đến ngân hàng. Khi ngân hàng ảnh hưởng sẽ ảnh hưởng ngược lại đến nền kinh tế.
Chính vì vậy, để đồng bộ với việc phát triển ngành ngân hàng, các thị trường khác như thị trường vốn gồm: chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp… cũng cần phải được phát triển đồng bộ. Hiện nay, Chính phủ cũng đang có các giải pháp để hướng đến điều này.
Về quy định giảm tỷ lệ sở hữu với khách hàng, Thống đốc cho biết, dự án luật quy định rất rõ, đối với khách hàng và người có liên quan nếu vay vượt 15 % vốn tự có, chúng ta vẫn có một cơ chế để các tổ chức tín dụng đồng tài trợ với nhau.
Nếu một ngân hàng cho vay một doanh nghiệp có nhu cầu vốn rất lớn thì mức độ tập trung rủi ro tín dụng cũng sẽ lớn hơn. Do đó, việc đồng tài trợ sẽ là giải pháp chia sẻ rủi ro giữa các ngân hàng một khi doanh nghiệp gặp rủi ro. Trong trường hợp các ngân hàng không đồng tài trợ được vẫn có cơ chế là Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Can thiệp sớm là cần thiết
Liên quan đến vấn đề can thiệp sớm, Thống đốc cho biết, đây là điểm mới trong dự thảo luật lần này. Những quy định này được dự thảo trên cơ sở thực tiễn những vướng mắc trong quá trình tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém thời gian qua, cũng như thực tiễn từ sự kiện rút tiền hàng loạt của SCB tháng 10/2022. Đặc biệt là tham khảo kinh nghiệm từ sự đổ vỡ của các ngân hàng trên thế giới gần đây tại Mỹ.
Theo đó, với một tổ chức tín dụng được thành lập, cấp phép, khi đủ tiêu chuẩn, điều kiện thì trong quá trình hoạt động của mình do những yếu tố khách quan và chủ quan sẽ có những thời điểm, giai đoạn gặp khó khăn. Trong quá trình thanh tra, giám sát, cơ quan quản lý sẽ cảnh báo rủi ro để các tổ chức tín dụng chấn chỉnh kịp thời. Còn nếu các tổ chức tín dụng có những diễn biến xấu hơn và có nguy cơ mất khả năng chi trả thì mức độ quản lý của cơ quan quản lý sẽ cần mạnh hơn thông qua quá trình can thiệp sớm.
Thống đốc cho rằng, trong quá trình can thiệp sớm này, trước hết phải là trách nhiệm của các cổ đông và chủ sở hữu của ngân hàng. Họ phải có phương án xây dựng để khắc phục những khó khăn và cơ quan quản lý sẽ đưa ra những hạn chế trong hoạt động của họ. Đặc biệt trong giai đoạn này các ngân hàng sẽ cần các cái giải pháp hỗ trợ.
“Luật hiện hành có quy định can thiệp sớm nhưng quy định thời hạn một năm là rất ngắn và lại không quy định các biện pháp hỗ trợ nên trong thực tiễn rất khó triển khai”, Thống đốc dẫn chứng và cho biết: dự thảo luật lần này quy định các biện pháp hỗ trợ, nhưng trong biện pháp hỗ trợ đó có cả hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước với vai trò là người cho vay cứu cánh cuối cùng khi các tổ chức tín dụng bị khó khăn về thanh khoản, đáp ứng nhu cầu chi trả cho người dân.
Ngoài hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước, dự thảo luật cũng quy định các giải pháp hỗ trợ từ việc huy động nguồn lực từ các tổ chức tín dụng khác, từ bảo hiểm tiền gửi và từ ngân hàng hợp tác xã… Việc thiết kế theo hướng huy động nguồn lực như vậy cũng là để tăng trách nhiệm của các tổ chức tín dụng đối với an toàn hệ thống nói chung và giúp giảm chi phí tài chính cho cơ quan quản lý trong việc xử lý những vấn đề sự cố của các tổ chức tín dụng nói riêng.
Thực tế kinh nghiệm của quốc tế vừa qua cho thấy, không phải chờ đến khi các tổ chức tín dụng khó khăn về thanh khoản mới cần phải xử lý mà chúng ta cần các giải pháp can thiệp sớm để đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.
***
Luật hóa quy định thu giữ tài sản bảo đảm là cần thiết
Liên quan đến luật hóa Nghị quyết 42, Thống đốc cho biết, Nghị quyết 42 ra đời với mục tiêu để tạo một cơ sở pháp lý, đây là cơ chế thí điểm để giải quyết nợ xấu khi nợ xấu ở mức cao vào năm 2017.
Thực tiễn triển khai cho thấy, nợ xấu đã giảm rất nhanh. Đặc biệt thông qua Nghị quyết 42, đã giúp tăng cường trách nhiệm trả nợ của người đi vay, qua đó làm tăng tính kỷ luật trong hoạt động đi vay và cho vay.
Cũng theo Thống đốc, trong quá trình xử lý nợ xấu, có một vấn đề rất quan trọng là thu giữ tài sản đảm bảo. Vì vậy dự thảo luật đã quy định việc thu giữ tài sản bảo đảm phải gắn với việc giữa tổ chức tín dụng và khách hàng có thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm. Khi khách hàng không trả được nợ, tổ chức tín dụng mới thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý và thu hồi nợ
Trên thực tế, với tính chất là trung gian tài chính, các tổ chức tín dụng là người cho vay nhưng thực chất tiền đó là tiền của người gửi tiền cho vay, các TCTD phải có trách nhiệm thu hồi để chi trả cho người gửi tiền.
Do vậy, các quy định về thu giữ tài sản đảm bảo cũng phải được thực hiện theo các quy định của pháp luật và nếu chúng ta không có quy định này có thể sẽ tác động đến việc các tổ chức tín dụng rất e ngại khi quyết định cấp tín dụng cho các doanh nghiệp. Bởi vì kể cả là có tài sản đảm bảo nhưng các tổ chức tín dụng cũng không chắc chắn tài sản này có xử lý được hay không. Điều này có thể cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận tín dụng của người người dân và doanh nghiệp.
Dương Công Chiến (TBNH)