“Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ" 1 - đó là lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho phụ nữ Việt Nam. Sinh thời, Bác luôn dành những tình cảm thương yêu, quý mến và đánh giá rất cao vị trí, vai trò của phụ nữ Việt Nam, song Bác cũng thường xuyên động viên, nhắc nhở chị em luôn phấn đấu, hoàn thiện mình vì Bác “còn mong phụ nữ tiến bộ nhiều hơn nữa”2.
Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, vai trò quan trọng của phụ nữ Việt Nam đã được khẳng định. Phụ nữ ta đã kiên cường kề vai sát cánh trong các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, từ cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng chống Bắc thuộc, cuộc khởi nghĩa của nữ danh tướng kiệt xuất Triệu Thị Trinh chống quân Ngô; hay các gương anh hùng liệt nữ trong giai đoạn chống Pháp, chống Mỹ như nữ anh hùng Võ Thị Sáu, nữ chiến sĩ cộng sản Nguyễn Thị Minh Khai, nữ tướng Nguyễn Thị Định, nữ chiến sĩ biệt động Võ Thị Thắng…; đến những đóng góp to lớn của phụ nữ trong các lĩnh vực văn hóa, xã hội của đất nước với những tên tuổi như “bà chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương, bà Sương Nguyệt Anh - người phụ nữ đầu tiên làm chủ bút một tờ báo, bà Nguyễn Thị Bình - nữ bộ trưởng ngoại giao đầu tiên của Việt Nam với tên tuổi gắn liền với Hiệp định Paris, bà Tôn Nữ Thị Ninh - nhà ngoại giao đặc biệt của Việt Nam… Và rất nhiều gương phụ nữ tiêu biểu khác trong lịch sử Việt Nam đã có những đóng góp vô cùng quan trọng trong quá trình lịch sử dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu nữ thanh niên xung phong về dự Đại hội Chiến sỹ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc (Việt Bắc, tháng 5/1952)
Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của phụ nữ
Chỉ riêng với Tám chữ vàng mà Bác Hồ khen tặng “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang” đã thể hiện rõ sự coi trọng của Bác đối với vị trí, vai trò của phụ nữ Việt Nam. Người đã khẳng định trong diễn ca Lịch sử nước ta: “Phụ nữ ta chẳng tầm thường. Ðánh Ðông, dẹp Bắc làm gương để đời”. Tại lễ kỷ niệm 36 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (20/10/1966), Bác cũng phát biểu: “Từ đầu thế kỷ thứ nhất, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa đánh giặc cứu dân cho đến nay, mỗi khi nước nhà gặp nguy nan thì phụ nữ ta đều hăng hái đứng lên góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc”.
Hồ Chủ tịch đã đề cập đến bình đẳng giới và giải phóng phụ nữ từ rất sớm, trong Báo cáo về Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ gửi Quốc tế Cộng sản, năm 1924, Người đã viết: “Sở dĩ tôi phản đối đa thê vì nó cản trở giải phóng phụ nữ An Nam” 3. Người luôn coi giải phóng phụ nữ là một trong những mục tiêu của sự nghiệp cách mạng và phải bảo đảm quyền bình đẳng nam nữ trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Trong Thư gửi phụ nữ toàn quốc nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Quốc tế Phụ nữ, 8/3/1960, Bác đã viết “Đảng và Chính phủ ta luôn luôn chú ý nâng cao địa vị của phụ nữ. Hiến pháp định rõ "nam nữ bình đẳng" và luật lấy vợ lấy chồng, v.v., đều nhằm mục đích ấy”.
Đúng như Bác khẳng định, Hiến pháp năm 1946 đã mở ra cho phụ nữ Việt Nam một thời đại mới - thời đại mà phụ nữ Việt Nam được làm chủ cuộc sống và tham gia mọi hoạt động xây dựng và kiến thiết đất nước. Đây là những quyền mà phụ nữ chưa bao giờ được thực hiện ở những xã hội trước đây. Và đến tận bây giờ, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bình đẳng giới và giải phóng phụ nữ vẫn còn nguyên giá trị.
Cùng với việc đánh giá cao vai trò, khả năng và sự đóng góp của phụ nữ, Hồ Chủ tịch còn xác định trách nhiệm của các cơ quan Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể trong việc tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia hoạt động và phát triển. Trước lúc đi xa Người còn căn dặn: “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày càng thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo” 4. Quán triệt tư tưởng của Bác, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn ghi nhận và đánh giá cao vai trò, vị trí của phụ nữ, đồng thời xây dựng, triển khai nhiều chính sách, hoạt động nhằm phát huy vai trò của phụ nữ trên các lĩnh vực của đời sống, chính trị, kinh tế, xã hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các đại biểu Anh hùng, Dũng sĩ miền Nam trong phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra thăm miền Bắc (ngày 05/3/1969)
Những lời căn dặn của Bác đối với phụ nữ
Trong mọi hoàn cảnh, mọi lĩnh vực, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn ghi nhận, đánh giá cao sự đóng góp của phụ nữ đối với công cuộc xây dựng đất nước. Tuy nhiên, Bác cũng chỉ ra một số nhược điểm của phụ nữ: “Phụ nữ ta còn có một số nhược điểm như bỡ ngỡ, lúng túng, tự ti, thiếu tin tưởng vào khả năng của mình; mặt khác, phụ nữ cũng gặp nhiều khó khăn về gia đình, con cái” 5.
Chính vì vậy, việc đầu tiên là phụ nữ phải nâng cao nhận thức, tự ý thức được chính vai trò, địa vị làm chủ của mình trong xã hội, trong công cuộc xây dựng đất nước. Có thay đổi được tư duy, nâng cao nhận thức được thì chị em mới thay đổi được hành động để khẳng định vị trí của mình trong xã hội và bình đẳng với nam giới. Tại Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần III (ngày 9/3/1961), Bác đã nói “Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã nêu rõ chính sách nam nữ bình đẳng. Hiến pháp ta đã xác định chính sách đó. Trong mọi việc, Đảng và Chính phủ ta luôn luôn quan tâm giúp đỡ phụ nữ. Vậy chị em phụ nữ ta phải nhận rõ địa vị làm người chủ và nhiệm vụ người làm chủ nước nhà”. Tại Hội nghị cán bộ phụ nữ miền núi, ngày 19/3/1964, Bác cũng nhấn mạnh “Phụ nữ cũng là người chủ nước nhà. Để xứng đáng là người chủ thì chị em phải ra sức tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm…”.
Để có thể tự “làm chủ”, Bác luôn căn dặn phụ nữ cần phải luôn cố gắng, tự đấu tranh, tự phấn đấu để vươn lên và giải phóng chính mình: “...Về phần mình, chị em phụ nữ không nên ngồi chờ Chính phủ, chờ Đảng ra chỉ thị giải phóng cho mình, mà tự mình phải tự cường, phải đấu tranh" 6. Theo Bác, muốn hoàn thành sự nghiệp giải phóng phụ nữ, muốn thực hiện bình đẳng giới thì trước hết chị em phụ nữ phải tự có ý thức, nỗ lực vươn lên và đấu tranh vì quyền lợi của chính mình: “Bản thân phụ nữ thì phải đấu tranh tự cường tự lập để giữ lấy lợi quyền của mình" 7.
Để bình đẳng với nam giới về trình độ, về năng lực quản lý kinh tế và quản lý xã hội, Bác căn dặn phụ nữ phải cố gắng học tập, chủ động quyết tâm khắc phục khó khăn: “Muốn giải quyết khó khăn không nên ỷ lại vào Đảng, Chính phủ mà phải quyết tâm học tập, phát huy sáng kiến, tin tưởng ở khả năng mình, nâng cao tinh thần tập thể, đoàn kết giúp đỡ nhau để giải quyết mọi khó khăn của phụ nữ trong công tác chính quyền”… (Bác nói chuyện tại Hội nghị các đại biểu phụ nữ tham gia công tác chính quyền toàn miền Bắc, ngày 1.8.1960). Bác luôn đề cao việc học tập, nhất là tự học. Theo Bác “Người cách mạng phải học suốt đời, học lý luận, học quần chúng, học thực tế. Người không học thì như đi ban đêm không có đèn, không có gậy, dễ vấp té…” 8. Chính vì vậy, phụ nữ cần phải trau dồi kiến thức, “…chị em phải cố gắng học tập. Học văn hóa, học chính trị, học nghề nghiệp. Nếu không học thì không tiến bộ. Có quyết tâm thì nhất định học được...” (Hội nghị cán bộ phụ nữ miền núi, ngày 19/3/1964). Tại Đại hội liên hoan Phụ nữ “năm tốt”, ngày 30/4/1964, Bác mong muốn “Phụ nữ phải nâng cao tinh thần làm chủ, cố gắng học tập và phấn đấu; phải xoá bỏ tư tưởng bảo thủ, tự ti; phải phát triển chí khí tự cường, tự lập…”.
Bên cạnh đó, phụ nữ cũng cần phải rèn luyện đạo đức mới, tác phong mới để xây dựng đời sống mới. Người nhắc nhở: “Chị em phụ nữ ta phải nhận rõ địa vị làm người chủ và nhiệm vụ người làm chủ nước nhà; phải có quyết tâm mới, đạo đức mới, tác phong mới để làm trọn nghĩa vụ mới của mình là góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội...” (Bác nói chuyện tại Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ III, ngày 9/3/1961), “Phụ nữ cần phải xung phong trong việc xây dựng đời sống mới” (Hội nghị cán bộ phụ nữ miền núi, ngày 19/3/1964). Theo Bác, đạo đức mới mà mỗi người cần rèn luyện chính là cần, kiệm, liêm, chính, như lời chúc Tết của Bác đối với chị em:
Năm mới Bính Tuất
Phụ nữ đồng bào
Phải gắng làm sao
Gây "Đời sống mới"
…
Cần, kiệm, liêm, chính
Giữ được vẹn mười
Tức là những người
Sống "Đời sống mới" 9
Bác cũng động viên chị em phụ nữ cần đề ra nhiệm vụ của mình ở mỗi vị trí khác nhau, đó mới là hành động thiết thực nhất trong những ngày kỷ niệm của chị em: Để kỷ niệm ngày 8-3 một cách thiết thực và xứng đáng, chúng ta cần động viên: Chị em phụ nữ nông thôn thi đua góp sức hoàn thành tốt cải cách ruộng đất và lập những tổ đổi công tốt. Chị em công nhân và công chức thi đua làm trọn nhiệm vụ của mình. Chị em trí thức thi đua góp phần vào việc phát triển văn hoá. Nữ thanh niên tuỳ theo cương vị của mình, thi đua học và hành, xung phong trong mọi công việc" 10.
Phụ nữ ngân hàng phấn đấu làm theo lời Bác dạy
Phụ nữ ngành Ngân hàng chiếm lực lượng lớn (gần 60%) trong tổng số khoảng 340.000 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn Ngành. Nữ cán bộ ngân hàng tham gia ở tất cả các vị trí công tác, từ hoạch định, điều hành chính sách, tham gia các hoạt động kinh doanh, quản lý, nghiên cứu khoa học, đào tạo, các hoạt động đoàn thể, chính trị - xã hội và các nghiệp vụ khác của Ngân hàng Trung ương, ngân hàng thương mại. Cán bộ nữ giữ vị trí lãnh đạo trong Ngành ngày càng nhiều hơn, chất lượng được nâng cao, trong đó có nhiều cán bộ nữ giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt tại các đơn vị trong Ngành và ngành Ngân hàng đã vinh dự có đồng chí Thống đốc đầu tiên là nữ.
Hơn 70 năm xây dựng và phát triển của ngành Ngân hàng, nhất là trong giai đoạn đổi mới, phụ nữ ngân hàng ngày càng khẳng định được năng lực, vai trò, vị thế và có những đóng góp quan trọng vào mọi lĩnh vực hoạt động của Ngành. Các chị đã kế thừa, phát huy được những giá trị tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam truyền thống, đồng thời cũng học hỏi, rèn luyện, tích cực tiếp thu tri thức mới để nâng cao năng lực, trình độ, tự tin góp sức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn, xứng đáng là những nữ cán bộ giỏi việc ngân hàng, đảm việc nhà. Trong những năm qua, phụ nữ ngân hàng luôn khắc ghi lời Bác dạy để rèn trí, luyện nghề, xây dựng đạo đức mới, tác phong mới của người phụ nữ hiện đại, song vẫn giữ gìn những đức tính và phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam để trở thành những nữ cán bộ ngân hàng chuyên nghiệp, tinh thông, đạo đức, trí tuệ.
Nữ cán bộ ngân hàng, ở mọi vị trí công tác, luôn ý thức được vai trò, trách nhiệm của người cán bộ ngân hàng, đặc biệt chú trọng rèn luyện đạo đức, tác phong làm việc như Bác Hồ đã dạy “Cán bộ Ngân hàng phải luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng, cần, kiệm liêm, chính, chí công, vô tư, thấu suốt hơn nữa đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, đi sâu học tập lý luận và nghiệp vụ, cải tiến lề lối làm việc, để phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân được nhiều và tốt hơn” (Thư Bác Hồ gửi Hội nghị cán bộ ngân hàng, tháng 01/1965). Trong những lời căn dặn của Bác, chuyên môn và đạo đức đối với người cán bộ ngân hàng nói chung và nữ cán bộ ngân hàng nói riêng luôn được đặt lên hàng đầu trong việc thực thi nhiệm vụ. Thấm nhuần lời dạy của Bác, nữ cán bộ ngân hàng luôn luôn nêu cao ý thức học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tự “sửa mình” và rèn luyện đạo đức, nâng cao văn hóa nghề nghiệp. Những nữ cán bộ ngân hàng đã cụ thể hóa thành những phẩm chất đạo đức, những đức tính cần thiết đối với từng vị trí công tác, trong từng giai đoạn cụ thể, để nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, phục vụ nhân dân. Các phong trào thi đua trong Ngành được các chị em tích cực tham gia như phong trào “rèn đức, luyện nghề, sáng tạo”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Phụ nữ giỏi việc ngân hàng, đảm việc nhà”, “Phong trào đề cao giá trị đạo đức nghề nghiệp”… Qua các phong trào thi đua, rất nhiều chị em cán bộ ngân hàng đã giành được các giải thưởng lớn và có đóng góp quan trọng vào các lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ.
Tích cực tham gia cuộc vận động Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các nữ cán bộ ngân hàng đã cụ thể hóa thành những công việc thiết thực, giản dị, gắn với việc rèn luyện đạo đức, hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, xây dựng gia đình hạnh phúc, hướng tới xây dựng văn hóa mới, thực hiện bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ ngân hàng. Hàng năm, trên 80% cán bộ nữ được tặng danh hiệu Phụ nữ Hai giỏi, hơn 50% chị em tham gia các lớp đào tạp, tập huấn, nâng cao trình độ và rất nhiều chị em nữ đã nêu gương người tốt, việc tốt, trả lại tiền thừa cho khách hàng, tạo nên hình ảnh đẹp về những nữ cán bộ ngân hàng; nhiều chị em được tặng Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam, nhiều cán bộ nữ tiêu biểu trong Ngành đã được nhận Kỷ niệm chương “Vì sự phát triển của Phụ nữ Việt Nam” của Trung ương Hội LHPNVN... Ngoài ra, nữ cán bộ ngân hàng còn rất tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội, đóng góp vào phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, thực hiện các hoạt động đền ơn đáp nghĩa; hỗ trợ thiết bị y tế, giáo dục… cùng khẳng định truyền thống tốt đẹp của cán bộ ngân hàng.
Trong những năm qua, phụ nữ ngân hàng luôn ghi nhớ lời Bác căn dặn để ngày càng hoàn thiện mình hơn, khẳng định được vai trò, vị trí của mình trước những yêu cầu và thách thức đối với phụ nữ Việt Nam trong giai đoạn mới, để luôn xứng đáng với niềm tin và tình cảm mà Bác Hồ đã dành cho phụ nữ Việt Nam./.
Phạm Liên
***
1 Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2009, tập 6, tr.432.
2 Hồ Chủ tịch với vấn đề giải phóng phụ nữ, Nxb Phụ nữ, H, 1960, tr.20.
3 Hồ Chí Minh, Sđd, tập 1, tr.507.
4 Hồ Chí Minh, Sđd, tập 12, tr.510.
5 Bác nói chuyện tại Hội nghị các đại biểu phụ nữ tham gia công tác chính quyền toàn miền Bắc, ngày 1.8.1960.
6 Bài nói của Bác tại Hội nghị cán bộ thảo luận Luật Hôn nhân và gia đình, ngày 10.10.1959.
7 Hồ Chí Minh, Phải thực sự bảo đảm lợi quyền của phụ nữ, Báo Nhân Dân, số 3199, ngày 28.12.1962, tr.2.
8 Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện khi đến thăm đoàn cán bộ miền Nam ra Bắc, ngày 15/5/1946.
9 Thư gửi phụ nữ Việt Nam nhân dịp xuân Bính Tuất, đăng trên Báo Tiếng gọi phụ nữ, số Xuân Bính Tuất, năm 1946.
10 Bác Hồ viết bài Chúc mừng ngày Phụ nữ Quốc tế 8-3 đăng trên Báo Nhân Dân, số 735, ngày 8/3/1956, bút danh C.B.