Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ tư, 20/11/2024 | 10:52

Tin tổng hợp

Tọa đàm “Vai trò của tổ chức công đoàn đối với xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số”

03/11/2023

Sáng nay (3/11), Công đoàn Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Tạp chí Ngân hàng tổ chức tọa đàm với chủ đề “Vai trò của tổ chức công đoàn đối với xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số”.

Sáng nay (3/11), Công đoàn Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Tạp chí Ngân hàng tổ chức tọa đàm với chủ đề “Vai trò của tổ chức công đoàn đối với xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số”.
Dự tọa đàm có đ/c Đào Minh Tú - Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam; đ/c Nguyễn Khánh Chi – Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn Ngân hàng Việt Nam; đ/c Nguyễn Thị Thanh Bình - Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Ngân hàng và đại diện lãnh đạo, công đoàn các ngân hàng thương mại.
Phát biểu khai mạc buổi toạ đàm, ông Đào Minh Tú cho biết, đối với ngành Ngân hàng, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam (CĐNHVN) đã xác định việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đề cập xuyên suốt tại Nghị quyết Đại hội Công đoàn các nhiệm kỳ.
Đặc biệt trong nhiệm kỳ VI (2018 - 2023), Ban Chấp hành CĐNHVN đã xây dựng Nghị quyết 4C/NQ-CĐNH ngày 30.9.2019 về “Xây dựng và nâng cao văn hóa, đạo đức nghề nghiệp trong đoàn viên, người lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành Ngân hàng trong giai đoạn mới” nhằm góp phần hình thành các giá trị chuẩn mực trong việc thực thi nhiệm vụ chuyên môn, hoạt động kinh doanh của ngành và xây dựng đội ngũ cán bộ ngân hàng đạo đức tốt, nghiệp vụ giỏi, đáp ứng yêu cầu của ngành Ngân hàng trong hội nhập quốc tế. Theo Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam Đào Minh Tú, văn hoá doanh nghiệp không chỉ có tổ chức công đoàn làm được mà trước hết phải có sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, các cơ quan chuyên môn coi văn hoá doanh nghiệp là điều kiện không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh…
“Muốn có nhiều người sử dụng dịch vụ thì doanh nghiệp phải có văn hoá - văn hoá ứng xử, văn hoá giao tiếp, tôn trọng và bảo đảm quyền lợi cho khách hàng khi đó thì mới có được niềm tin, thiện cảm từ khách hàng. Do đó, tổ chức công đoàn phải phát huy vai trò của mình, tổ chức, vận động cán bộ, đoàn viên nâng cần cao kỹ năng hoạt động, ứng xử, giao tiếp, bảo đảm quyền lợi của khách hàng… Trong nhiệm kỳ 2023-2028, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp công đoàn coi vấn đề văn hoá doanh nghiệp, xây dựng hình ảnh, niềm tin, uy tín, đối với ngân hàng làm nhiệm vụ trọng tâm” - ông Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Đ/c Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực NHNN, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam phát biểu khai mạc tọa đàm
Tại tọa đàm, ông Trần Hồng Tuấn - Phó Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam đưa ra ý kiến thảo luận, trong đó đề cập đến tầm quan trọng của chuyển đổi số và vai trò của tổ chức Công đoàn àn trong xây dựng văn hóa nghề nghiệp trước bối cảnh chuyển đổi số.
Theo ông Trần Hồng Tuấn, bên cạnh các nội dung được biểu hiện ra bên ngoài như các quy định của doanh nghiệp về hình ảnh thương hiệu, bộ nhận diện, văn hóa ứng xử... thì văn hóa doanh nghiệp trong mỗi tổ chức tín dụng gồm cả các giá trị biểu hiện bên trong như: Sự đoàn kết, gắn bó bên trong doanh nghiệp; vai trò của người lãnh đạo, của nhân viên; xây dựng được những truyền thống tốt đẹp; phát hiện những tài năng tiềm ẩn thông qua các hoạt động văn hóa; xây dựng được niềm tự hào của nhân viên về doanh nghiệp mình; thu hút nhân viên tiềm năng; tăng hiệu suất làm việc...
Các yếu tố bên trong đó lại được hình thành, phát triển trong cả quá trình, và đều xoay quanh vai trò của con người, người lãnh đạo, người lao động và đây cũng chính là đối tượng của hoạt động công đoàn. Bởi vậy, tổ chức Công đoàn trong các tổ chức tín dụng đóng vai trò quan trọng để duy trì, khơi dậy và phát huy các giá trị đó.
Trong bối cảnh chuyển đổi số, cách mạng công nghiệp 4.0 trao quyền cho các chủ doanh nghiệp kiểm soát và cho phép họ tận dụng nền tảng công nghệ và cơ sở dữ liệu để tăng năng suất, cải thiện quy trình và thúc đẩy tăng trưởng. Điều đó tác động trực tiếp và đặt ra nhiều thách thức đối với người lao động, nhằm đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Các cấp Công đoàn trong ngành Ngân hàng vừa là tổ chức đại diện cho người lao động, bảo vệ các quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động, đồng thời cũng vừa là tổ chức cùng với chuyên môn thúc đẩy hiệu quả, năng suất lao động và xây dựng môi trường văn hoá doanh nghiệp lành mạnh, bền vững trong quá trình chuyển đổi số.
Trong bối cảnh mới, việc phát triển doanh nghiệp luôn gắn kết với chuyển đổi văn hóa doanh nghiệp và chuyển đổi số cho phù hợp với tiêu chí, xu hướng mới. Nếu theo mô hình quản trị cũ, lãnh đạo doanh nghiệp là trung tâm, thì xu hướng văn hóa trong bối cảnh chuyển đổi số, "tổ chức" mới là trung tâm của các hoạt động.

Đ/c Nguyễn Khánh Chi - Phó Chủ tịch Thường trực CĐNHVN và đ/c Nguyễn Thị Thanh Bình - Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Ngân hàng điều hành phần trao đổi, thảo luận
Nắm được xu hướng đó, các cấp công đoàn cần chuyển đổi phương thức hoạt động và thay đổi tư duy để hướng hoạt động đến người lao động và đề cao hơn nữa môi trường văn hóa trong mỗi tổ chức tín dụng, đồng thời phải xây dựng môi trường văn hóa chung của ngành Ngân hàng. Bên cạnh đó cần có chiến lược và xây dựng văn hoá dài hạn để Công đoàn triển khai các giải pháp hỗ trợ chuyên môn trong quá trình chuyển đổi số nhanh và thành công, đáp ứng yêu cầu của ngành Ngân hàng trong giai đoạn mới.
Yếu tố con người luôn là vấn đề then chốt trong mọi hoạt động, vì vậy để xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số thì tổ chức Công đoàn đóng vai trò rất quan trọng trong mỗi doanh nghiệp, là cầu nối, gắn kết người lao động với chủ doanh nghiệp, từ đó phát huy môi trường văn hóa doanh nghiệp phù hợp với đặc trưng ngành nghề và đáp ứng được yêu cầu của giai đoạn chuyển đổi số.
Thảo luận thêm về văn hóa số, luật gia Nguyễn Hoàng Mai - giảng viên chính Khoa Quan hệ lao động và Công đoàn, Trường Đại học Công đoàn cho rằng: Văn hóa số đang thách thức Công đoàn phải suy nghĩ lại về cách hoạt động, cách thức có thể thích nghi và liệu "chủ nghĩa Công đoàn kĩ thuật số hay trực tuyến" có nên là xu hướng mới hay không.
Việc tăng cường truy cập vào phương tiện truyền thông xã hội cả trong và ngoài nơi làm việc ngày càng thành hoạt động "bình thường", có nghĩa là, Công đoàn không thể bỏ qua xu hướng ngày càng tăng này. Quan trọng hơn là làm thế nào để duy trì được văn hóa của những thay đổi do số hóa gia tăng dưới hình thức cải tiến hoặc bổ sung cho Công đoàn mà vẫn đồng thời duy trì các nguyên tắc và giá trị cốt lõi của tổ chức nhằm có thể thúc đẩy và bảo vệ quyền lợi của người lao động một cách hiệu quả
Phó Giáo sư, tiến sĩ Phạm Thị Tuyết - Học viện Ngân hàng cũng cho rằng, nguồn lực con người có vai trò quan trọng, có thể dẫn dắt sự thay đổi văn hóa doanh nghiệp, quản trị sự thay đổi trong môi trường tổ chức để quá trình chuyển đổi số của ngân hàng có thể thành công.
Trước bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay, khi sự khác biệt về sản phẩm, dịch vụ không nhiều và sự khác biệt về công nghệ không đủ lớn thì việc tạo ra sự khác biệt nhằm thu hút khách hàng gia tăng trải nghiệm dịch vụ ngân hàng chính là ở uy tín ngân hàng, đội ngũ nhân viên ngân hàng chuyên nghiệp mang bản sắc văn hóa trong phục vụ và chăm sóc khách hàng.
Các đại biểu tham luận và trao đổi ý kiến tại tọa đàm
Bên cạnh những thách thức về mặt kĩ thuật, công nghệ, bảo vệ dữ liệu người dùng, phát hiện giao dịch đáng ngờ… trong bối cảnh chuyển đổi số các hoạt động ngân hàng thì một thách thức cốt lõi chính là làm thế nào để hiểu và động viên nhân viên cống hiến hết khả năng, phát huy sức sáng tạo của họ, cam kết gắn bó với ngân hàng, đặc biệt là cách thức quản trị nhân tài…
Các nhà lãnh đạo ngân hàng phải tập trung nỗ lực và nguồn lực vào việc nuôi dưỡng, quản trị sự thay đổi văn hóa doanh nghiệp lấy con người làm trung tâm để điều này trở thành ưu tiên hàng đầu. Một nền văn hóa cởi mở, nơi nhân viên cảm nhận được cảm giác thân thuộc vượt qua giới hạn và trở nên có động lực, họ sẽ sáng tạo hơn, nhiệt huyết hơn, trách nhiệm hơn và dám đổi mới, dám chấp nhận rủi ro, biết rút kinh nghiệm, góp sức vào công cuộc chuyển đổi số hoạt động ngân hàng.
Tại tọa đàm, các ý kiến tham luận nhằm đưa ra các giải pháp cụ thể, sát với thực tế nhằm phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn đối với xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số.
PV

Tin cùng chuyên mục