Nghị quyết 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 về "Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới" đã xác định mở rộng phạm vi ra toàn bộ các nhóm chính sách xã hội cho tất cả các đối tượng trên nguyên tắc bảo đảm tính toàn dân, toàn diện.
Các đại biểu dự Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam. Ảnh: Hải Nguyễn
Trong 5 nhóm chính sách có đến 4 nhóm liên quan trực tiếp đến lực lượng người lao động hiện nay. Đặc biệt là nhóm chính sách lao động, việc làm, phát triển nguồn nhân lực. Điều này cho thấy, nhiệm vụ và vai trò của tổ chức Công đoàn trong đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội là rất quan trọng.
Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển
Trong bài viết "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" vào tháng 5.2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt vấn đề về việc xây dựng hệ thống chính sách hiện nay.
Tổng Bí thư viết: “Một đặc trưng cơ bản, một thuộc tính quan trọng của định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường ở Việt Nam là phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển.
Điều đó có nghĩa là: Không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, càng không "hy sinh" tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Trái lại, mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội; mỗi chính sách xã hội phải nhằm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; khuyến khích làm giàu hợp pháp phải đi đôi với xóa đói, giảm nghèo bền vững, chăm sóc những người có công, những người có hoàn cảnh khó khăn. Đây là một yêu cầu có tính nguyên tắc để bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Nghị quyết 42-NQ/TW đã cụ thể hóa quan điểm này và khẳng định: Chính sách xã hội là chính sách chăm lo cho con người, vì con người, lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, mục tiêu, động lực, nguồn lực để phát triển bền vững đất nước; là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn xã hội; thể hiện đặc trưng, bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa; tăng trưởng kinh tế gắn với bảo đảm chính sách xã hội; tạo điều kiện để Nhân dân được thụ hưởng thành quả của sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội theo hướng toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững; xây dựng và thực hiện chính sách xã hội phải đặt trong tổng thể quản lý phát triển xã hội bền vững; giải quyết hài hòa các quan hệ xã hội, kiểm soát phân hóa xã hội, bảo đảm an sinh cho Nhân dân trong quá trình phát triển.
Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân; động viên sự tham gia tích cực của Nhân dân, doanh nghiệp; khơi dậy khát vọng phát triển, ý chí tự lực, tự cường; phát huy truyền thống tương thân tương ái, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.
Vai trò của Tổ chức Công đoàn trong việc đảm bảo chính sách cho người lao động
Cả nước hiện có trên 55 triệu người trong độ tuổi lao động. Trong đó có trên 11 triệu đoàn viên công đoàn. Đây là đối tượng lớn trong việc hưởng thụ các chính sách.
Phát biểu tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam (vừa được tổ chức từ ngày 1 - 3.12), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Vai trò đại diện của tổ chức Công đoàn thể hiện trước hết ở sự tích cực tham gia xây dựng chính sách, luật pháp; tham gia xây dựng các quy chế, quy định, nội quy lao động ở từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, để chuyển tải mong muốn, nguyện vọng, phát huy cao nhất quyền làm chủ của người lao động. Kịp thời giám sát, giải quyết và kiến nghị giải quyết những vấn đề quan tâm, bức xúc của người lao động. Nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác đối thoại và thương lượng tập thể, mở rộng diện bao phủ thoả ước lao động tập thể mang lại lợi ích cho người lao động. Luôn luôn quan tâm cải thiện điều kiện làm việc, nhà ở, y tế,... bảo đảm an toàn cho người lao động. Tích cực tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp, hạn chế ngừng việc tập thể; không để các phần tử xấu lợi dụng, lôi kéo, kích động công nhân, lao động làm những hành vi trái pháp luật”.
Nghị quyết 42 có phạm vi liên quan đến 5 nhóm chính sách là: Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; Chính sách lao động, việc làm, phát triển nguồn nhân lực; Chính sách bảo đảm an sinh xã hội; Chính sách về nâng cao phúc lợi xã hội và bảo đảm tiếp cận dịch vụ xã hội; Chính sách đối với nhóm yếu thế, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa.
Riêng các chính sách đối với lực lượng lao động là một trọng tâm. Nghị quyết 42 nêu yêu cầu: “Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; tăng cường đối thoại, thương lượng, ký kết lao động tập thể trong doanh nghiệp, giải quyết tranh chấp lao động đúng pháp luật.
Thực hiện nghiêm chính sách, pháp luật về an toàn vệ sinh lao động, đặc biệt trong các lĩnh vực có nguy cơ cao, trong các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Hoàn thiện tiêu chuẩn kỹ năng nghề nghiệp áp dụng cho các ngành nghề trong xã hội. Hiện đại hóa, chuyển đổi số trong thông tin dự báo thị trường, kết nối cung - cầu, quản lý nguồn nhân lực và xây dựng cơ sở dữ liệu lao động, việc làm.
Tạo việc làm cho người lao động phải gắn với mục tiêu phát triển bền vững nhằm giải phóng sức sản xuất, nâng cao tay nghề, thu nhập và bảo đảm an toàn tại nơi làm việc cho người lao động. Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với cơ cấu kinh tế, từng bước thu hẹp số lao động trong khu vực phi chính thức; tăng cơ hội việc làm bền vững cho người trong và sau độ tuổi lao động để thích ứng với tốc độ già hóa dân số.
Mở rộng tín dụng chính sách xã hội nhằm hỗ trợ vốn vay tạo việc làm, sinh kế cho người dân, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Thúc đẩy thực hiện chính sách việc làm công, nhất là trong điều kiện nền kinh tế gặp khó khăn, người lao động mất việc làm, thiếu việc làm”.
Ngoài ra, còn một loạt các chính sách khác nằm trong mối quan tâm của đoàn viên, người lao động như hệ thống chính sách về bảo hiểm; chính sách về tín dụng nhằm hỗ trợ vốn vay tạo việc làm; chính sách về nhà ở với nội dung phát triển đa dạng các loại hình nhà ở và cơ chế, chính sách mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, nhà lưu trú, ký túc xá cho công nhân, người lao động, học sinh, sinh viên.
Việc tham gia đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách của tổ chức Công đoàn không chỉ phục vụ đối tượng là đoàn viên, người lao động. Nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi phát biểu tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam: “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần quan tâm nghiên cứu, xây dựng các chương trình phúc lợi dài hạn; tập trung chăm lo, hỗ trợ toàn diện cho đoàn viên, người lao động, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động, mắc bệnh nghề nghiệp, ốm đau dài ngày. Việc chăm lo của Công đoàn phải cụ thể, chu đáo, thiết thực, quan tâm đến từng bữa ăn, giấc ngủ, niềm vui, nỗi buồn của đoàn viên, người lao động và gia đình của họ. Từ đó thu hút, tập hợp và phát triển đoàn viên công đoàn, nhất là đội ngũ công nhân, người lao động ngoài khu vực nhà nước, bảo đảm gắn kết chặt chẽ đoàn viên, người lao động với tổ chức Công đoàn”.
Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn đặt mục tiêu: Đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn, xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, tập trung thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, trọng tâm là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tích cực, chủ động tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội.
Hoàn thành mô hình tổ chức, thu hút, tập hợp đông đảo người lao động tham gia công đoàn; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm, uy tín và phương pháp công tác tốt.
Đổi mới, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, ý thức pháp luật của đoàn viên, người lao động; xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Có thể nói, tổ chức Công đoàn chỉ có thể thực hiện tốt các mục tiêu này bằng việc tham gia đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội đồng thời thực thi có hiệu quả các chính sách với đoàn viên, người lao động cùng đối tượng gắn liền với họ.
Đó cũng chính là cơ sở để thu hút người lao động tham gia tổ chức Công đoàn, cùng xây dựng Công đoàn ngày càng vững mạnh, đồng hành cùng sự phát triển của đất nước.
Hoàng Lâm (Báo Lao động)