Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ tư, 20/11/2024 | 06:19

Tin tổng hợp

Thay đổi liên quan đến tiền lương, bảo hiểm xã hội từ 1/7/2024

01/07/2024

Từ 1.7.2024, lương cơ sở, lương tối thiểu vùng, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đồng loạt tăng lên các mức mới cùng một số thay đổi khác.

Tăng lương tối thiểu vùng, lương cơ sở
Theo Nghị quyết kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thống nhất điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động (tăng bình quân 6% áp dụng từ ngày 1.7.2024; điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%) từ ngày 1.7.2024.
Đối với các cơ quan, đơn vị đang được áp dụng các cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù ở Trung ương: Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát toàn bộ khung khổ pháp lý để trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định việc sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị đang được thực hiện cho phù hợp trước ngày 31.12.2024; thực hiện bảo lưu phần chênh lệch giữa tiền lương và thu nhập tăng thêm tháng 6.2024 của cán bộ, công chức, viên chức với tiền lương từ ngày 1.7.2024 sau khi sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù.
Trong thời gian chưa sửa đổi, bãi bỏ thì thực hiện như sau: Từ ngày 1.7.2024, mức tiền lương và thu nhập tăng thêm hằng tháng tính theo mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng theo cơ chế đặc thù bảo đảm không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm được hưởng tháng 6.2024 (không bao gồm phần tiền lương và thu nhập tăng thêm do điều chỉnh hệ số tiền lương ngạch, bậc khi nâng ngạch, nâng bậc). Trường hợp tính theo nguyên tắc trên, nếu mức tiền lương và thu nhập tăng thêm từ ngày 1.7.2024 theo cơ chế đặc thù thấp hơn mức tiền lương theo quy định chung thì thực hiện chế độ tiền lương theo quy định chung.
Tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội
Từ ngày 1.7.2024, điều chỉnh tăng 15% mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng (tháng 6.2024); đối với người đang hưởng lương hưu trước năm 1995 nếu sau khi điều chỉnh mà có mức hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh tăng 300.000 đồng/tháng, có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh để bằng 3,5 triệu đồng/tháng; điều chỉnh trợ cấp ưu đãi người có công theo mức chuẩn trợ cấp từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng/tháng (tăng 35,7%), giữ nguyên tương quan hiện hưởng các mức trợ cấp ưu đãi người có công so với mức chuẩn trợ cấp; điều chỉnh trợ cấp xã hội theo mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng/tháng (tăng 38,9%).
Xử lý chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội
Theo Nghị quyết kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội giao Chính phủ quy định đối tượng, điều kiện, mức hỗ trợ, trình tự, thủ tục giải quyết chế độ hưu trí, tử tuất đối với người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động trước ngày 1.7.2024.
Nguồn kinh phí thực hiện từ nguồn thu xử lý chậm đóng, trốn đóng quy định tại Khoản 3 Điều 122 của Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 và số tiền 0,03%/ngày thu được theo quy định tại Khoản 1 Điều 40 và Khoản 1 Điều 41 của Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7.
Trường hợp cơ quan có thẩm quyền phát hiện người sử dụng lao động vẫn còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động thì thực hiện truy thu, truy đóng vào Quỹ bảo hiểm xã hội và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Thục Quyên (Báo Lao động)

Tin cùng chuyên mục