Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ tư, 22/01/2025 | 12:26

Tin hoạt động ngân hàng

Sự quan tâm của cử tri giúp NHNN hoàn thiện hơn trong điều hành chính sách

11/11/2024

Mở đầu phiên chất vấn sáng nay (11/11), Quốc hội tiến hành chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực ngân hàng.

Các vị đại biểu Quốc hội sẽ tập trung chất vấn với ba nhóm vấn đề: Thứ nhất, việc điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới biến động. Thứ hai, công tác quản lý về thị trường vàng, thị trường ngoại hối. Thứ ba, công tác hỗ trợ vay vốn và miễn, giảm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp để phục hồi sản xuất kinh doanh, giao dịch covid 19 và thiên tai. Thời gian thực hiện nội dung này từ đầu giờ sáng đến 13h30. Trong quá trình điều hành khi cần thiết, Chủ tọa sẽ mời Bộ trưởng Tài chính, Công Thương, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phước báo cáo giải trình thêm những vấn đề liên quan mà đại biểu Quốc hội quan tâm.
Thống đốc NHNN phát biểu trước Quốc hội
Phát biểu trước khi đại biểu Quốc hội tiến hành chất vấn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng bày tỏ cảm ơn Quốc hội, cử tri cả nước đã quan tâm đến hoạt động ngân hàng trong thời gian vừa qua, đã lựa chọn chất vấn Thống đốc tại kỳ họp thứ 8 này. Đây là dịp để Thống đốc và Ngân hàng Nhà nước được lắng nghe những ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, đại diện cho tiếng nói cử tri của cả nước đối với những vấn đề liên quan đến hoạt động ngân hàng. Từ đó giúp Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện và nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong thời gian tới.
Kể từ kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV là kỳ họp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trả lời chất vấn các đại biểu, đến nay kinh tế thế giới biến động phức tạp, khó lường. Đại dịch Covid -19 được kiểm soát nhưng hệ lụy và tác động vẫn còn dai dẳng, căng thẳng chính trị, thương mại gia tăng, lạm phát tăng cao trên phạm vi toàn cầu, chính sách tiền tệ thắt chặt nhanh và mạnh ở nhiều nước khiến mặt bằng lãi suất thế giới tăng cao.
Đồng đô la Mỹ, giá vàng tăng cao đến mức kỷ lục trong nước, những yếu kém nội tại của nền kinh tế đã bộc lộ ngày càng rõ hơn khi chịu tác động bởi đại dịch Covid - 19, khó khăn trên thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, thiên tai, bão lũ… là những yếu tố tác động không nhỏ tới hoạt động của ngân hàng, đặt ra nhiều thách thức đối với việc điều hành chính sách kinh tế, tiền tệ và kinh tế vĩ mô cũng như quản lý hoạt động ngân hàng.
Trước bối cảnh khó khăn nêu trên, Ngân hàng Nhà nước và hệ thống ngân hàng đã nhận được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, sự đồng hành của doanh nghiệp và người dân, của các cơ quan báo chí. Ngân hàng Nhà nước đã luôn kiên định mục tiêu, bình tĩnh, chủ động theo dõi sát diễn biến kinh tế, tiền tệ quốc tế và trong nước để điều hành các công cụ và giải pháp, chính sách với liều lượng và thời điểm hợp lý đối với từng bối cảnh, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác. Các đơn vị trong hệ thống ngân hàng đã không ngại khó khăn, trách nhiệm trong công việc, tổ chức triển khai các giải pháp theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Như vậy, hoạt động ngân hàng đã có những đóng góp tích cực đối với sự ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, đi đôi với tăng trưởng kinh tế ở mức cao so với các nước trên thế giới và khu vực. Thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm trong khi mặt bằng lãi suất trên thế giới tăng cao, tỷ giá thì tương đối ổn định, mức độ mất giá phù hợp với xu hướng và ở mức thấp so với đồng tiền của nhiều nước.
Trong điều kiện lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu của Quốc hội đề ra, Ngân hàng Nhà nước và ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ cho phục hồi tăng trưởng kinh tế, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân chịu tác động bởi đại dịch Covid 19, thiên tai, bão lũ và tích cực tham gia các chương trình an sinh xã hội từ nguồn lực tài chính của các ngân hàng như: phòng chống dịch Covid - 19, khắc phục sau bão, xóa nhà tạm, nhà dột nát… Những kết quả này đã được các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chính phủ ghi nhận trong các kỳ báo cáo đánh giá tình hình kinh tế xã hội.
Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận nêu trên nhưng Thống đốc cũng cho biết, hoạt động ngân hàng cũng không tránh khỏi những thiếu sót, tồn tại, hạn chế cần tiếp tục được nhận diện để hoàn thiện, khắc phục, hướng tới việc điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng hiệu quả hơn trong thời gian tới, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế xã hội.
“Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV lần này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ trả lời chất vấn theo ba nhóm vấn đề. Đây là những vấn đề cử tri cả nước quan tâm trong thời gian vừa qua và đã được các đại biểu Quốc hội lựa chọn. Điều đó cho thấy các đại biểu đã rất sát thực tiễn đại diện tiếng nói của cử tri cả nước, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có báo cáo về các nhóm vấn đề theo yêu cầu của Quốc hội và đã được gửi đến các quý vị đại biểu Quốc hội vào ngày 6/11”, Thống đốc phát biểu.
Trần Hương (TBNH)

Tin cùng chuyên mục