Tăng trưởng tín dụng tiếp tục có kết quả tích cực
22/05/2015
Tính đến ngày 08/5/2015, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 3,69%, mức tăng cao nhất so với cùng kỳ những năm gần đây.
Nguyên nhân được lãnh đạo một số ngân hàng thương mại (NHTM) cho biết là do kinh tế vĩ mô ổn định và năng lực tài chính của hệ thống ngân hàng đã tăng lên đáng kể. Trong đó, lạm phát được kiềm chế và có xu hướng ngày càng giảm xuống mức lạm phát bền vững trong dài hạn là cơ sở để các ngân hàng giảm dần mặt bằng lãi suất huy động và cho vay.
Từ đầu năm nay, mỗi NHTM đều tiếp tục cân nhắc giảm dần các mức lãi suất huy động tùy theo mức độ cải thiện thanh khoản. Hiện nay, mặt bằng lãi suất huy động VND đang phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; 6,4-7,2%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn trên 12 tháng. So với đầu năm, lãi suất huy động VND đã giảm thêm 0,1-0,5%/năm ở hầu hết các kỳ hạn.
Lãi suất đầu vào giảm là cơ sở để các TCTD cân nhắc giảm dần mặt bằng lãi suất cho vay, mặc dù với mức độ thận trọng hơn. Từ trung tuần tháng 4/2015 đến nay, lãi suất cho vay VND đối với các lĩnh vực ưu tiên được các ngân hàng áp dụng phổ biến ở mức 6-7%/năm đối với kỳ hạn ngắn, lãi suất cho vay trung dài hạn được các NHTM nhà nước áp dụng ở mức 9-10%/năm, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 7-9%/năm đối với kỳ hạn ngắn, và 9,3-11%/năm đối với trung dài hạn.
Trên tầm vĩ mô, việc NHNN đưa ra nhiều chương trình tín dụng khác nhau đã hướng các NHTM điều chỉnh hoạt động kinh doanh tiền tệ sang lĩnh vực có thế mạnh của ngân hàng, không còn tình trạng dàn trải nhưng thiếu kiểm soát nguồn vốn như trước đây. Đối với các nhà đầu tư, chính sách tín dụng theo mô hình tín dụng mới và các chương trình tín dụng ưu đãi về lãi suất ngày càng khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn, nhất là các chương trình tín dụng dài hạn qui mô lớn với mức lãi suất rất thấp như cho vay đóng tàu đánh bắt cá xa bờ theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản.
Đáng chú ý, việc phát triển các vùng kinh tế trọng điểm đang được các NHTM và nhà đầu tư quan tâm hàng đầu do các mô hình sản xuất kinh doanh tại các vùng kinh tế trọng điểm thường có qui mô tương đối lớn nhưng cần sự phát triển đồng bộ giữa các ngành kinh tế chủ chốt và cần sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.
Ngày 17/5/2015, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Tây Nguyên, các đại biểu đã chứng kiến lễ trao quyết định đầu tư của 5 tỉnh Tây Nguyên cho 13 doanh nghiệp thực hiện 13 dự án tiêu biểu với tổng mức đầu tư trên 16.600 tỉ đồng; chứng kiến lễ ký kết hợp đồng đầu tư vốn và thỏa thuận hợp tác giữa 8 NHTM với 17 doanh nghiệp thực hiện 16 dự án trên địa bàn. Đồng thời, các ngân hàng cam kết cho vay trung hạn và dài hạn với số tiền khoảng 15.000 tỷ đồng để hỗ trợ đầu tư, tập trung vào các lĩnh vực có thế mạnh của khu vực Tây Nguyên như thủy điện, giao thông, sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao. Tính đến ngày 31/3/2015, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đạt 152.427 tỷ đồng, tăng 4,78% so với ngày 31/12/2014, cao hơn kết quả tăng trưởng tín dụng chung của cả nước.
Có thể nói, kết quả tăng trưởng tín dụng trong những tháng đầu năm cho thấy, sự tham gia tích cực của các NHTM và doanh nghiệp vào hoạt động kinh tế đang mở ra triển vọng khả quan về bức tranh tín dụng trong những tháng cuối năm và cả năm 2015.
HTT (theo sbv)