Cải cách TTHC là nhiệm vụ chính trị, trách nhiệm xã hội với mỗi tổ chức tín dụng
22/07/2015
Đó là phát biểu chỉ đạo của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú tại Hội nghị trực tuyến “Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ của TCTD đối với người dân và doanh nghiệp”, sáng nay (21/7).
Theo báo cáo tại Hội nghị, triển khai Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2011-2020, Thống đốc NHNN đã ban hành Kế hoạch CCHC giai đoạn 2012-2015 (ban hành kèm theo Quyết định số 1317/QĐ-NHNN ngày 3/7/2012) tập trung vào 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm: Cải cách thể chế về tiền tệ, ngân hàng; Cải cách thủ tục hành chính; Cải cách và kiện toàn tổ chức bộ máy của NHNN; Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức; Cải cách tài chính công; và hiện đại hóa hành chính trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Định kỳ hàng năm, Thống đốc NHNN đều ban hành các kế hoạch CCHC trên cơ sở cụ thể hóa các nhiệm vụ theo kế hoạch giai đoạn 2012-2015 và có các văn bản chỉ đạo, đôn đốc triển khai các nhiệm vụ theo kế hoạch. Công tác CCHC luôn là một nội dung quan trọng được kiểm điểm, đánh giá chất lượng, tiến độ công việc trong tất cả các buổi họp giao ban hàng tuần, hàng tháng, hàng quý và các cuộc họp tổng kết, sơ kết kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác của NHNN.
Với đặc thù các thủ tục hành chính (TTHC) trực tiếp giữa các tổ chức, cá nhân với NHNN rất ít phát sinh, trong khi, các thủ tục giao dịch giữa TCTD với người dân và doanh nghiệp diễn ra thường xuyên để phục vụ các hoạt động kinh tế, tiêu dùng có số lượng lớn. Do đó, NHNN đã chỉ đạo các TCTD tăng cường đổi mới về quy trình, thủ tục cung cấp dịch vụ là một yêu cầu tự thân để nâng cao tính cạnh tranh, hiệu quả kinh doanh, NHNN đã có văn bản chỉ đạo các TCTD tăng cường đổi mới, đa dạng hóa các loại hình sản phẩm, dịch vụ, cắt giảm hồ sơ.
Đến nay, về đổi mới, cải tiến quy trình, thủ tục cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp đã có nhiều đổi mới theo hướng đơn giản hóa thủ tục, giảm bớt phiền hà cho khách vay vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay. Các sản phẩm tín dụng đã được phân loại để phục vụ theo từng phân khúc khách hàng.
Tùy vào đặc điểm khách hàng, nguồn trả nợ, tài sản đảm bảo, các ngân hàng đã đưa ra quy trình cho vay, hồ sơ vay vốn phù hợp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng và đã sử dụng phần mềm tin học để phê duyệt, quản lý tín dụng. Đây là công cụ giúp các cán bộ ngân hàng có thể quản lý quy trình cho vay một cách trực quan, hồ sơ cho vay được quản lý tự động hóa.
Các sản phẩm, quy trình cấp tín dụng của nhiều ngân hàng đã được cải tiến, rút ngắn so với thời gian trước đây, điển hình như hình thức cấp tín dụng theo hạn mức đã cắt giảm hồ sơ các lần vay và thời gian giải quyết (theo báo cáo của một số TCTD, thời gian giải quyết 1 món vay chỉ từ 1-1,5 giờ).
Về thủ tục gửi tiết kiệm ở nhiều TCTD đến nay cũng đã được cải tiến theo hình thức giao dịch một cửa, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng rút ngắn thời gian giao dịch; người dân hiện nay cũng có thể lựa chọn nhiều hình thức gửi tiết kiệm online (Internet Banking, Mobile Banking) để có thể giao dịch mọi lúc, mọi nơi…
Đại diện các TCTD cũng đề nghị, NHNN tiếp tục rà soát các văn bản để xem xét chỉnh sửa những quy trình TTHC về hoạt động của các TCTD để giúp các TCTD có điều kiện giảm thêm các thủ tục.
Ngoài ra, các bộ, ngành cũng cần phối hợp với ngành Ngân hàng để các NHTM có thể tiếp tục giảm các TTHC.
Bà Nguyễn Thị Phượng – Phó tổng giám đốc Agribank cho rằng, để phát triển các dịch vụ ngân hàng hiện đại thì các cơ quan quản lý nhà nước cần hỗ trợ các NHTM trong việc quản lý ngăn chặn các rủi ro, nhất là tội phạm công nghệ cao. Đặc biệt, các cơ quan cần chia sẻ thông tin về nộp thuế, nợ thuế của các tổ chức, DN. Qua đó, TCTD sẽ biết được thông tin của DN chuẩn xác hơn, hỗ trợ cho báo cáo thẩm định chính xác, giảm thời gian thẩm định, đảm bảo được sự chặt chẽ hơn.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, với những kiến nghị giải quyết thủ tục giữa NHNN với TCTD, NHNN đang triển khai quyết liệt bằng các văn bản. Có những văn bản đã đi vào cuộc sống ngay, nhưng cũng có những văn bản đang điều chỉnh dần. Phó Thống đốc đề nghị các Vụ, Cục chức năng tiếp tục rà soát lại các thủ tục, để xem thủ tục nào còn vướng mắc thuộc các quy định của NHNN thì phải giao cho các đơn vị chỉnh sửa cho phù hợp.
Với các TCTD, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đề nghị. Thứ nhất, các TCTD phải rà soát lại các quy định hiện nay, nhất là các quy định mang tính chất là thủ tục, nên bỏ bớt những giấy tờ không cần thiết gây mất nhiều thời gian đi lại của khách hàng.
Thứ hai, cần nâng cao văn hóa giao dịch của đội ngũ cán bộ, nhân viên ngân hàng. Phải luôn coi khách hàng là thượng đế ngay cả với những giao dịch nhỏ nhất. Thứ ba, đề nghị các NHTM tiếp tục đưa ra các sản phẩm mới theo hướng hiện đại hóa công nghệ, thực hiện cơ chế một cửa. Thứ tư, các TCTD phải công khai, minh bạch các quy trình thủ tục (bao gồm cả biểu phí, lãi suất) để tránh việc kêu ca, phàn nàn từ phía khách hàng.
Thứ năm, các TCTD cần có cơ chế giải quyết khiếu nại của người dân, DN nhanh nhất, để giải quyết những khiếu nại, thắc mắc của khách hàng.
Thứ sáu, các NHTM phải truyền thông tốt để cho thấy bản thân mình đã cải tiến các thủ tục, có nhiều sản phẩm, dịch vụ hiện đại thuận tiện cho khách hàng, đó cũng là cải cách TTHC.
Cuối cùng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đề nghị các TCTD lượng hóa các thủ tục theo hướng trước đây với một quy trình nghiệp vụ thực hiện với khách hàng hết bao nhiêu thời gian và nay giảm xuống bao nhiêu, qua đó sẽ đánh giá được tiết kiệm chi phí của DN, người dân. Việc cải cách TTHC nên coi như nhiệm vụ chính trị, trách nhiệm với xã hội với mỗi TCTD.
Theo thoibaonganhang.vn