Luật Bảo hiểm Xã hội sửa đổi năm 2014 – Quyền và trách nhiệm của tổ chức công đoàn
12/08/2015
Luật Bảo hiểm Xã hội sửa đổi năm 2014 đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII thông qua ngày 20/11/2014 (Luật số 58/2014/QH13) và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016.
Quyền và trách nhiệm của tổ chức công đoàn được quy định như thế nào trong Luật này?
Theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2, Điều 14 của Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi năm 2014, tổ chức công đoàn có các quyền và trách nhiệm sau đây:
1. Quyền của tổ chức công đoàn:
a. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội;
b. Yêu cầu người sử dụng lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp thông tin về bảo hiểm xã hội của người lao động;
c. Giám sát và kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội;
d. Khởi kiện ra Tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động theo quy định tại Khoản 8 Điều 10 của Luật Công đoàn (*).
2. Trách nhiệm của tổ chức công đoàn:
a. Tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội cho người lao động;
b. Tham gia thanh tra, kiểm tra việc thi hành pháp luật về bảo hiểm xã hội;
c. Kiến nghị, tham gia xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Văn phòng UBKT
***
(*) Khoản 8, Điều 10, Chương II - Luật Công đoàn sửa đổi năm 2012: Đại diện cho tập thể người lao động khởi kiện tại Tòa án khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động bị xâm phạm; đại diện cho người lao động khởi kiện tại Tòa án khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động bị xâm phạm và được người lao động ủy quyền.