Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ tư, 22/01/2025 | 12:18

Hỏi - Đáp

Hỏi đáp về Luật Tố cáo năm 2018 (kỳ 2)

28/11/2018

Câu hỏi: Pháp luật quy định như thế nào về thời hạn giải quyết tố cáo?

Câu hỏi: Pháp luật quy định như thế nào về thời hạn giải quyết tố cáo?
Trả lời:
Theo Điều 30 Luật Tố cáo năm 2018(*) quy định cụ thể về thời hạn giải quyết tố cáo như sau:
1. Thời hạn giải quyết tố cáo là không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý tố cáo(**).
2. Đối với vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo một lần nhưng không quá 30 ngày.
3. Đối với vụ việc đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày.
4. Người giải quyết tố cáo quyết định bằng văn bản việc gia hạn giải quyết tố cáo và thông báo đến người tố cáo, người bị tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Câu hỏi: xin cho biết quy định của pháp luật về việc giải quyết tố cáo quá thời hạn quy định?
Trả lời:
Tại Điều 38 của Luật Tố cáo năm 2018 quy định cụ thể như sau:
1. Trường hợp quá thời hạn quy định tại Điều 30 của Luật này mà tố cáo chưa được giải quyết, người tố cáo có quyền tố cáo tiếp với người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của người giải quyết tố cáo.
2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được tố cáo tiếp, người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp có văn bản yêu cầu người giải quyết tố cáo báo cáo về quá trình giải quyết tố cáo, lý do về việc chậm giải quyết tố cáo và xác định trách nhiệm giải quyết tố cáo.
3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp, người giải quyết tố cáo phải gửi báo cáo theo quy định tại khoản 2 Điều này; tiếp tục giải quyết tố cáo theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp và báo cáo kết quả giải quyết, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này.
4. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp theo dõi, đôn đốc việc giải quyết tố cáo; thông báo cho người tố cáo biết về việc xem xét, giải quyết tố cáo; áp dụng biện pháp xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý đối với người có thẩm quyền mà không giải quyết tố cáo theo đúng thời gian quy định.
5. Trường hợp có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo có vi phạm pháp luật nghiêm trọng, có dấu hiệu không khách quan thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp giải quyết vụ việc tố cáo.
-----------
(*) Luật Tố cáo năm 2018 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019. Chính phủ sẽ quy định chi tiết việc thi hành các Điều, Khoản của Luật này.
(**) Thụ lý tố cáo: Chi tiết xem tại Điều 29 Luật Tố cáo năm 2018./.
 Nguyễn Thái