Tái cơ cấu ngân hàng là điểm sáng trong tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế
08/10/2015
Về cơ bản, NHNN đã kiểm soát được và từng bước xử lý các TCTD yếu kém, lành mạnh hóa môi trường kinh doanh ngân hàng.
Ngày 5/10/2015, Báo Lao Động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội thảo “Ba năm nhìn lại tái cơ cấu và xử lý nợ xấu ngân hàng” với mục tiêu đánh giá về quá trình xử lý nợ xấu và các thách thức mà các NHTM đang phải đối mặt trong thời gian qua.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, sau hơn 3 năm triển khai Đề án 254 (Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 1/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ), mặc dù điều kiện nhiều yếu tố không thuận lợi, tuy nhiên dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo của Chính phủ cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của toàn hệ thống chính trị và toàn ngành Ngân hàng, Đề án đã được triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ và đạt được nhiều kết quả quan trọng theo đúng mục tiêu, định hướng, lộ trình đề ra, như nhiều chuyên gia nhận xét là điểm sáng trong tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế.
“Về cơ bản, NHNN đã kiểm soát được và từng bước xử lý các TCTD yếu kém, lành mạnh hóa môi trường kinh doanh ngân hàng”, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh và cho biết, trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay, số lượng TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã giảm 17 tổ chức thông qua sáp nhập, hợp nhất, giải thể, rút giấy phép.
Đặc biệt, nhằm triển khai một số nội dung của Đề án 254, NHNN đã xây dựng Đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng” và Đề án “Thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC)”, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 31/5/2013.
Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh, với tất cả nỗ lực và giải pháp của ngành Ngân hàng và sự hỗ trợ của các Bộ, ngành, địa phương, một khối lượng lớn nợ xấu của các TCTD đã được xử lý và chất lượng tín dụng được cải thiện.
Từ năm 2012 đến hết tháng 8/2015, hệ thống các TCTD đã xử lý được 424,14 nghìn tỷ đồng nợ xấu (tương đương 91,2% tổng số nợ xấu ước tính tại thời điểm tháng 9/2012), trong đó nợ xấu được xử lý qua VAMC chiếm 41,3%, còn lại do các TCTD tự xử lý bằng nhiều biện pháp khác nhau như đôn đốc khách hàng trả nợ, sử dụng dự phòng rủi ro, phát mại tài sản đảm bảo, chuyển nợ thành vốn góp... Nhờ đó, đến cuối tháng 8/2015, tỷ lệ nợ xấu đã giảm còn 3,21% và dự kiến đến cuối năm 2015 sẽ ở mức dưới 3% theo đúng mục tiêu đã đề ra.
Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh khẳng định, những kết quả đạt được trong thời gian qua về cơ cấu lại và xử lý nợ xấu của TCTD góp phần ổn định hệ thống tài chính, kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ điều hành chính sách tiền tệ và ổn định thị trường tiền tệ, tỷ giá và giảm lãi suất.
Toàn cảnh Hội thảo
Nói thêm về hoạt động xử lý nợ xấu qua VAMC, TS. Nguyễn Quốc Hùng – Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC cho biết, tính từ ngày 1/1/2015 đến 15/9/2015, VAMC đã phát hành trái phiếu đặc biệt (TPĐB) để mua 11.108 khoản nợ xấu của 37 TCTD tương ứng với 75.553 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng, giá mua là 69.070 tỷ đồng. Lũy kế từ 2013 đến 15/9/2015, VAMC đã phát hành TPĐB mua được 204.228 tỷ đồng nợ xấu gốc nội bảng, với giá mua nợ là 177.722 tỷ đồng.
Cùng với việc mua nợ xấu bằng TPĐB, theo ông Hùng, VAMC còn tích cực triển khai các công tác xử lý nợ xấu theo các biện pháp phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
Đến nay, VAMC đã thực hiện bán nợ, bán TSĐB để thu hối nợ đạt 13.320 tỷ đồng. Bên cạnh đó, VAMC cũng đã thực hiện điều chỉnh lãi suất cho 28 khoản nợ của 9 khách hàng với dư nợ gốc được điều chỉnh là 367 tỷ đồng; miễn, giảm lãi/phí cho 17 khách hàng với số tiền miễn giảm lãi là 66 tỷ đồng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 11 khách hàng với dư nợ gốc được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là 446 tỷ đồng.
Cùng với việc cơ cấu lại nợ, VAMC đã trao đổi với các TCTD tiếp tục cấp hạn mức 950 tỷ đồng cho 2 khách hàng để hoàn thiện 2 dự án, đến nay đã giải ngân được 425 tỷ đồng.
Tất cả những con số trên là minh chứng rõ nét cho thấy VAMC là công cụ hữu hiệu trong quá trình xử lý nợ xấu không sử dụng vốn ngân sách nhà nước của Việt Nam.
Ở góc độ ngân hàng, TS. Nguyễn Đức Hưởng - Phó Chủ tịch thường trực LienVietPostBank nhìn nhận, 3 năm là quãng thời gian không dài, nhưng NHNN, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, đã đạt nhiều thành tựu về chính sách tiền tệ như giảm lãi suất, ổn định thị trường vàng, tái cơ cấu, xử lý nợ xấu… Những giải pháp trên đã mang lại niềm tin cho thị trường. Đó là kết quả lớn nhất.
Theo thoibaonganhang.vn