Lao động hợp đồng có được hưởng chế độ thôi việc theo Nghị định 178?
09/04/2025
Trước hết, cần phân biệt lao động hợp đồng trong khối doanh nghiệp tư nhân và lao động hợp đồng trong các các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và hội...
Hiện nay, hưởng ứng theo chủ trương sắp xếp, tinh giản tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước, nhiều doanh nghiệp tư nhân cũng tiến hành tinh gọn bộ máy để hoạt động hiệu quả. Nhiều lao động hợp đồng trong khối này đặt ra câu hỏi trên: Liệu họ có được hưởng chế độ thôi việc theo Nghị định 178/2024/NĐ-CP hay không?
Câu trả lời là: Lao động hợp đồng thuộc các doanh nghiệp tư nhân không được hưởng chế độ thôi việc theo Nghị định 178/2024/NĐ-CP vì đối tượng điều chỉnh của Nghị định là cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong khu vực công khi nghỉ việc (nghỉ hưu và thôi việc).
Còn lao động hợp đồng là đối tượng được điều chỉnh bởi Bộ luật Lao động, là người làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động (theo khoản 1 Điều 3 Bộ luật Lao động 2019).
Theo Điều 1 Nghị định 178/2024/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 1 Điều 1 Nghị định số 67/2025/NĐ-CP, Nghị định 178 quy định về các đối tượng điều chỉnh bao gồm:
- Người nghỉ việc (nghỉ hưu trước tuổi và nghỉ thôi việc)
- Người được bầu cử, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý có phụ cấp chức vụ thấp hơn hoặc thôi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý
- Cán bộ, công chức, viên chức tăng cường đi công tác tại cơ sở
- Người có phẩm chất, năng lực nổi trội
- Cán bộ, công chức, viên chức sau sắp xếp
- Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và hội do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ từ trung ương đến cấp huyện, cán bộ, công chức cấp xã, lực lượng vũ trang (gồm Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và cơ yếu) trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính các cấp, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị, bao gồm:
+ Cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, ở cấp tỉnh, ở cấp huyện (sau đây gọi tắt là cơ quan, tổ chức từ trung ương đến cấp huyện) và lực lượng vũ trang.
+ Các tổ chức hành chính của cơ quan, tổ chức từ trung ương đến cấp huyện trực tiếp thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy hoặc không trực tiếp thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhưng thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức.
Mặc dù lao động hợp đồng trong khối doanh nghiệp tư nhân không được hưởng chế độ thôi việc theo Nghị định 178/2024/NĐ-CP, nhưng họ vẫn có những quyền lợi nhất định theo quy định của Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Trong khi đó, người lao động làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và hội do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính các cấp, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị thuộc đối tượng của Nghị định 178.
Việc nắm rõ những quyền lợi này giúp người lao động bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình khi bị chấm dứt hợp đồng lao động do sắp xếp tổ chức bộ máy.
Phương Mai - Nguyễn Hằng (theo laodongcongdoan.vn)