Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ tư, 20/11/2024 | 06:32

Hỏi - Đáp

Về bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp

04/11/2016

Câu hỏi: Xin cho biết quy định của pháp luật hiện hành về đối tượng tham gia, mức đóng, trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp?

Câu hỏi: Xin cho biết quy định của pháp luật hiện hành về đối tượng tham gia, mức đóng, trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp?

Trả lời:

Theo quy định của Luật BHXH số 58/2014/QH13 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016) và theo Quyết định số 959/QĐ-BHXH ngày 09/9/2015 của  BHXH Việt Nam ban hành “Quy định về quản lý thu BHXH, BHYT, BHTN; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT”:

* Đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, BHYT và BHTN:

1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, bao gồm:

- Người làm việc theo HĐLĐ (hoặc theo HĐLV) không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn, HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng (kể cả HĐLĐ được ký kết giữa đơn vị với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động);

- Người làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng (thực hiện từ 01/01/2018);

- Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và viên chức;

- Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu (trường hợp BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân bàn giao cho BHXH các tỉnh);

- Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;

- Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia BHXH bắt buộc vào quỹ hưu trí và tử tuất;

- Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

- Người hưởng chế độ phu nhân hoặc phu quân tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài quy định tại Khoản 4 Điều 123 Luật BHXH.

2. Người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp (thực hiện từ 01/01/2018).

3. Người sử dụng lao động tham gia BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, bao gồm: cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo HĐLĐ.

* Mức đóng và trách nhiệm đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN:

TT Loại quỹ Mức đóng (%) và trách nhiệm đóng
     
  Người lao động (trừ vào lương) Người sử dụng lao động        (tính vào chi phí) Tổng số
1 BHXH bắt buộc 8,0 18 26,0
2 BHYT 1,5 3 4,5
3 BHTN (chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp) 1,0 1 2,0
  Cộng: 10,5 22 32,5

Trong đó lưu ý:

- Người lao động phải đóng BHXH bắt buộc: 8% (vào quỹ hưu trí và tử tuất);

- Người sử dụng lao động phải đóng BHXH bắt buộc: 18% (gồm: 3% vào quỹ ốm đau và thai sản; 1% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất).

- Theo quy định của pháp luật hiện hành, ngoài những khoản phải đóng nêu trên, người sử dụng lao động còn phải đóng kinh phí công đoàn 2% theo tổng quỹ tiền lương tham gia BHXH (dù đơn vị có hay không có tổ chức công đoàn) và người lao động phải đóng đoàn phí công đoàn 1% theo quy định của Tổng Liên đoàn (nếu là đoàn viên công đoàn).

* Tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc

1. Trường hợp tiền lương do Nhà nước quy định

- Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có), bao gồm cả hệ số chênh lệch bảo lưu theo quy định của pháp luật về tiền lương; tiền lương này tính trên mức lương cơ sở (mức lương cơ sở hiện hành 1.210.000 đồng theo quy định tại Nghị định số 47/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ).

- Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia BHXH bắt buộc thì tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc là mức lương cơ sở.

2. Trường hợp tiền lương do đơn vị quyết định

- Người lao động thực hiện chế độ tiền lương do đơn vị quyết định thì tiền lương tháng đóng BHXH là tiền lương ghi trong HĐLĐ.

+ Từ 01/01/2016, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật lao động;

+ Từ ngày 01/01/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động.

- Lưu ý:

+ Mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng (mức lương tối thiểu vùng hiện hành, xem chi tiết tại Nghị định số 122/2015/NĐ-CP ngày 14/11/2015 của Chính phủ).

+ Người lao động đã qua học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp dạy nghề) thì tiền lương đóng BHXH bắt buộc phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng, nếu làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì cộng thêm 5%.

+ Mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc mà cao hơn 20 tháng lương cơ sở thì mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc bằng 20 tháng lương cơ sở.

+ Tiền lương tháng đóng BHYT, BHTN là tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc theo quy định.

Nguyễn Thái - CĐNHVN