Hội đàm song phương giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Quốc gia Campuchia
19/02/2017
Ngày 17/02/2017, tại thành phố Siem Reap, Campuchia, đã diễn ra Hội đàm song phương giữa Ngân hàng Quốc gia (NHQG) Campuchia và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam
NHNN Việt Nam và NHQG Campuchia ký bản ghi nhớ hợp tác chung
Tham dự Hội đàm, về phía Việt Nam có Thống đốc NHNN Việt Nam Lê Minh Hưng, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Đào Minh Tú, cùng đại diện lãnh đạo một số Vụ, Cục thuộc NHNN Việt Nam như: Vụ Hợp tác quốc tế, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, Văn phòng, Vụ Quản lý ngoại hối, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Chính sách tiền tệ, Cục Phát hành Kho quỹ, Ban Truyền thông; Về phía Campuchia có Thống đốc NHQG Campuchia Chea Chanto và lãnh đạo các đơn vị thuộc NHQG Camphuchia.
Phát biểu khai mạc Hội đàm, Thống đốc NHQG Campuchia Chea Chanto nhiệt liệt chào mừng Đoàn công tác của NHNN Việt Nam do Thống đốc Lê Minh Hưng dẫn đầu sang thăm và làm việc tại Campuchia, đồng thời bày tỏ tin tưởng buổi Hội đàm song phương giữa NHNN Việt Nam và NHQG Campuchia sẽ thành công tốt đẹp và đạt được những kết quả mong đợi. Thống đốc NHQG Campuchia Chea Chanto đánh giá cao cơ hội gặp gỡ quý báu này và cho rằng việc nắm bắt tình hình kinh tế và tài chính của hai nước là rất cần thiết để hai bên cùng xác định các ưu tiên quan trọng trong tiến trình hợp tác giữa NHNN Việt Nam và NHQG Campuchia.
Thống đốc Lê Minh Hưng bày tỏ niềm vinh dự lần đầu tiên đồng chủ trì Hội nghị song phương giữa NHNN Việt Nam và NHQG Campuchia với tư cách Thống đốc NHNN và cho rằng kỳ họp lần này là dịp quan trọng để hai bên cập nhật và chia sẻ những thông tin bổ ích và thiết thực cũng như thảo luận các biện pháp để tăng cường hợp tác giữa NHNN Việt Nam và NHQG Campuchia nói riêng và hệ thống ngân hàng hai nước nói chung. Thống đốc Lê Minh Hưng đề xuất tổ chức họp định kỳ hàng năm để trao đổi, tăng cường hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật giữa NHNN Việt Nam và NHQG Campuchia.
Quang cảnh buổi Hội đàm
Hai bên cho rằng, kinh tế thế giới năm 2016 phục hồi chậm và chưa vững chắc, thị trường tài chính quốc tế biến động phức tạp do tác động của sự kiện Brexit, kết quả bầu cử ở Mỹ và sự tăng giá của đồng USD. Trong bối cảnh đó, Việt Nam và Campuchia đều đạt được những kết quả rất đáng khích lệ trong tăng trưởng kinh tế, điều hành vĩ mô, xóa đói giảm nghèo và cải thiện đời sống người dân. Đặc biệt, năm 2016 Campuchia là nước có tốc độ tăng trưởng GDP cao thứ hai trong khối ASEAN, trở thành quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao liên tục trong gần 2 thập kỷ qua và tiến lên nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp.
Thống đốc Lê Minh Hưng đã chia sẻ kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng của Việt Nam thời gian qua, ngành Ngân hàng đã đạt được nhiều thành tích nổi bật và được Chính phủ đánh giá là có những đóng góp quan trọng trong ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp và người dân. Việc triển khai kế hoạch tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (TCTD) và xử lý nợ xấu đã đạt được những kết quả khả quan và sẽ tiếp tục là trọng tâm trong thời gian tới với việc triển khai các phương án xử lý các TCTD yếu kém bằng những giải pháp khả thi và có tính đột phá.
Các đại biểu dự Hội đàm chụp ảnh lưu niệm
Sau khi nghe Thống đốc NHNN Việt Nam Lê Minh Hưng chia sẻ, Thống đốc NHQG Campuchia Chea Chanto đánh giá cao kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng của Việt Nam, đặc biệt là phương thức điều hành tỷ giá trung tâm, việc điều hành tăng dự trữ ngoại hối của Việt Nam thời gian qua và bày tỏ mong muốn được NHNN Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm trong các nội dung trên.
Thống đốc Chea Chanto cho biết, năm 2016, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm, nhưng nền kinh tê Campuchia đạt tỷ lệ tăng trưởng 7% nhờ các yếu tố hỗ trợ từ trong và ngoài nước đối với các lĩnh vực kinh tế chủ chốt của Campuchia. Trong đó, ngành may mặc và giày dép đóng góp nhiều nhất cho GDP của nước này đạt tỷ lệ tăng trưởng 12%, với nguồn thu lớn từ xuất khẩu các mặt hàng này sang Mỹ và Châu Âu. Lĩnh vực xây dựng là nhân tố thứ hai, với mức tăng trưởng 15,9% nhờ thu nhập của hộ gia đình gia tăng, cùng với sự đóng góp của lĩnh vực ngân hàng. Bên cạnh đó, lĩnh vực du lịch cũng đạt mức tăng trưởng trung bình với sự đóng góp đáng kể của khách du lịch khu vực, trong đó khách đến từ Việt Nam chiếm 20%. Riêng lĩnh vực nông nghiệp của Campuchia còn gặp nhiều khó khăn do giá thành mùa vụ thấp, khả năng hồi phục còn chậm.
Thống đốc NHQG Campuchia cho biết, năm 2017, nền kinh tế Campuchia dự kiến tăng trưởng ở mức 7%, lạm phát tăng nhẹ và đạt mức 5%, tỷ giá tiếp tục được duy trì ổn định. Trong bối cảnh nền kinh tế Campuchia còn phải đối mặt với một số rủi ro như: Đồng Đôla Mỹ lên giá sẽ tác động tiêu cực tới lĩnh vực du lịch và xuất khẩu do bối cảnh đô la hóa ở Campuchia còn ở mức cao; Chính sách tăng lãi suất của Fed có thể làm thắt chặt thanh khoản trên toàn cầu, giảm nguồn vốn vào khu vực từ đó tác động tiêu cực đển sự phát triển kinh tế của Campuchia; Và tỷ lệ tăng trưởng của lĩnh vực xây dựng và bất động sản giảm. Ông nhấn mạnh tình trạng đô la hóa tiếp tục là một thách thức mang tính cơ cấu rất lớn đối với nền kinh tế Campuchia, đây cũng là một nhân tố tiếp tục cản trở việc thực thi CSTT của NHQG Campuchia.
Về kết quả hợp tác giữa hai Ngân hàng, Thống đốc NHNN Việt Nam Lê Minh Hưng trao đổi, trong năm 2016, NHNN Việt Nam đã đón tiếp đoàn công tác của NHQG Campuchia sang làm việc với NHNN Việt Nam và một số TCTD để khảo sát, học tập kinh nghiệm về thanh tra giám sát các công ty cho thuê tài chính. Trên cơ sở mong muốn thúc đẩy hợp tác giữa NHNN Việt Nam và NHQG Campuchia, hai bên khẳng định tiếp tục duy trì mối quan hệ tốt đẹp, luôn hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trên các diễn đàn khu vực, quốc tế và đã đề ra phương hướng hợp tác trong thời gian tới là: NHNN Việt Nam và NHQG Campuchia tiếp tục phối hợp triển khai hiệu quả các thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa NHNN Việt Nam và NHQG Campuchia như: thỏa thuận hợp tác chung, thỏa thuận hợp tác về thanh toán biên mậu, thanh tra giám sát ngân hàng, phòng chống rửa tiền,…
Với những đặc điểm tương đồng về chính trị, kinh tế, xã hội và sự gần gũi về địa lý, văn hóa giữa hai quốc gia, Thống đốc Lê Minh Hưng cho rằng, việc học viên người Campuchia theo học các chương trình đào tạo chuyên ngành tài chính - ngân hàng cho các cấp đại học, thạc sỹ và tiến sỹ tại Việt Nam có rất nhiều ưu điểm. Xem xét các yếu tố đó và quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa hai quốc gia và hai Ngân hàng, NHNN Việt Nam đã nghiên cứu và đề xuất chương trình học bổng toàn phần chuyên ngành tài chính - ngân hàng cấp Thạc sỹ và Tiến sỹ cho học viên của Campuchia.
Bên cạnh đó, Thống đốc Lê Minh Hưng cũng khuyến khích các NHTM Việt Nam tại Campuchia tăng cường triển khai hiệu quả các chương trình này để phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, góp phần cho sự phát triển của lĩnh vực tài chính – ngân hàng Campuchia và quan hệ hợp tác Việt Nam – Campuchia.
Về chương trình khám sức khỏe, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, các cơ sở khám chữa bệnh của Việt Nam ngày được nâng cao về chất lượng và về khoảng cách, việc thu xếp từ Campuchia sang Việt Nam khám chữa bệnh cũng khá thuận lợi. NHNN Việt Nam mong muốn mời các cán bộ từ cấp Tổng Vụ trưởng trở lên của NHQG Campuchia hàng năm sang Việt Nam khám sức khỏe tổng thể 01 lần và hàng năm sẽ phối hợp với NHQG Campuchia để xây dựng và triển khai chương trình này.
Hai Thống đốc cùng thống nhất cần tiếp tục tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, du lịch giữa nhóm 4 nước Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam (CLMV).
Hai Thống đốc cũng nhất trí cùng tăng cường hợp tác kỹ thuật trong lĩnh vực phát hành kho quỹ, cụ thể là trao đổi nghiệp vụ về phòng chống tiền giả như: Tập huấn nghiệp vụ nhận biết tiền thật/giả cho đồng tiền hai nước và một số ngoại tệ thông dụng; Thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn công chúng về tiền thật và quy định của pháp luật về phòng chống tiền giả; Biện pháp ngăn chặn trà trộn và vận chuyển tiền giả qua biên giới…
Liên quan đến nội dung thanh toán biên mậu, hai Thống đốc đều nhất trí cần chuẩn bị kỹ các nội dung làm việc và trao đổi tích cực, trên tinh thần xây dựng để sớm đi đến thống nhất phương án phù hợp với khuôn khổ pháp lý, nhu cầu và nguyện vọng của hai bên. Thống đốc Lê Minh Hưng đề nghị NHQG Campuchia tạo điều kiện hỗ trợ các NHTM Việt Nam đang hoạt động tại Campuchia được mở rộng tại các địa điểm có giao dịch biên mậu.
Lễ ký Bản ghi nhớ hợp tác chung giữa hai ngân hàng.
Nhân dịp này, Thống đốc Chea Chanto và Thống đốc Lê Minh Hưng đã ký Bản ghi nhớ hợp tác chung giữa hai Ngân hàng.
Phát biểu kết thúc Hội đàm, Thống đốc NHNN Việt Nam Lê Minh Hưng và Thống đốc NHQG Campuchia Chea Chanto tin tưởng rằng các nội dung thảo luận tại Hội đàm sẽ đóng góp hữu ích vào việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn của cả hai bên và thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị đặc biệt giữa NHNNVN và NHQG Campuchia. Hai Thống đốc mong NHNN Việt Nam, NHQG Campuchia và các đơn vị thuộc ngành Ngân hàng của hai bên tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ để triển khai hiệu quả các nội dung hợp tác đã đề ra.
* Bên lề cuộc họp song phương, hai Thống đốc đã có buổi làm việc với các NHTM của Việt Nam có hiện diện tại Campuchia (bao gồm: BIDV, Agribank, Vietinbank, Vietcombank, MB, SHB, Sacombank…).
Hai Thống đốc đã lắng nghe các NHTM báo cáo tình hình hoạt động và giải đáp kiến nghị đề xuất nhằm mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi để các NHTM Việt Nam tại Campuchia hoạt động an toàn, hiệu quả, hỗ trợ hợp tác, phát triển kinh tế của hai quốc gia. Trong đó, Vietcombank và Vietinbank kiến nghị muốn mở chi nhánh tại Campuchia, Sacombank muốn mở rộng địa bàn hoạt động của Chi nhánh Sacombank tại Campuchia. Thống đốc NHQG Campuchia rất hoan nghênh, ủng hộ và giao các Vụ, Cục chức năng giải quyết kiến nghị thuộc phạm vi chức năng của NHQG Campuchia, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ các NHTM Việt Nam hoạt động tại Campuchia,
Thống đốc NHQG Campuchia đánh giá cao hoạt động của các NHTM Việt Nam tại Campuchia thời gian qua, đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội của Campuchia. Bên cạnh đó, các ngân hàng này rất tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội. Để tiếp tục phát triển, NHQG Campuchia khuyến khích các NHTM của Việt Nam tiếp tục tăng cường hoạt động trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là hoạt động tín dụng để thực sự giữ vai trò trung gian tài chính, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Theo sbv.gov.vn