Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban thanh tra nhân dân và trách nhiệm của BCH công đoàn các cấp
20/02/2017
Câu hỏi: Pháp luật quy định thế nào về nhiệm vụ và quyền hạn của Ban thanh tra nhân dân? Ban chấp hành công đoàn các cấp có trách nhiệm như thế nào với Ban TTND?
Trả lời:
Theo khoản 1, Điều 27 Nghị định số 159/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ “Quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật thanh tra về tổ chức và hoạt động của Ban TTND” (gọi tắt là Nghị định số 159/2016/NĐ-CP), Ban TTND có nhiệm vụ và quyền hạn sau:
a) Giám sát cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước và cá nhân có trách nhiệm ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại Điều 29 Nghị định này. Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì kiến nghị người có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật và giám sát việc thực hiện kiến nghị đó;
b) Xác minh những vụ việc do người đứng đầu cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước giao;
c) Tham gia việc thanh tra, kiểm tra tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước theo đề nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; cung cấp thông tin, tài liệu, cử người tham gia khi được yêu cầu;
d) Kiến nghị với người đứng đầu cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước xử lý vi phạm theo thẩm quyền và khắc phục sơ hở, thiếu sót được phát hiện qua hoạt động giám sát, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động;
đ) Kiến nghị Ban chấp hành công đoàn cơ sở và người đứng đầu cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước các hình thức động viên, biểu dương, khen thưởng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phát hiện sai phạm và có thành tích trong công tác;
e) Tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến phạm vi giám sát của Ban TTND;
g) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác do pháp luật quy định.
Theo Điều 34, Nghị định số 159/2016/NĐ-CP quy địnhtrách nhiệm của Ban chấp hành công đoàn như sau:
1. Ban chấp hành công đoàn cơ sở có trách nhiệm:
a) Thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại Điều 75 Luật thanh tra(**);
b) Chủ trì hoặc phối hợp với cơ quan, tổ chức hữu quan tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác cho thành viên Ban TTND. Chủ trì phối hợp với các tổ chức khác trong cơ quan, đơn vị trong việc hỗ trợ hoạt động của Ban TTND;
c) Hướng dẫn Ban TTND xây dựng chương trình công tác năm;
d) Xem xét, giải quyết kịp thời các kiến nghị của Ban TTND;
đ) Mời đại diện Ban TTND tham dự cuộc họp của Ban chấp hành công đoàn cơ sở có nội dung liên quan đến tổ chức và hoạt động của Ban TTND.
2. Ban chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp có trách nhiệm:Chỉ đạo Ban chấp hành công đoàn cơ sở trong việc hướng dẫn, chỉ đạo về tổ chức và hoạt động của Ban TTND.
-----------
(*) Nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng Ban TTND: Xem Khoản 2, Điều 27 Nghị định số 59/2016/NĐ-CP.
(**) Điều 75Luật thanh trasố 56/2010/QH12 ngày 15/11/2010 “Trách nhiệm của Ban chấp hành Công đoàn cơ sở”:
1. Phối hợp với người đứng đầu cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước tổ chức Hội nghị công nhân, viên chức hoặc Hội nghị đại biểu công nhân, viên chức bầu Ban TTND.
2. Ra văn bản công nhận Ban TTND và thông báo cho cán bộ, công nhân, viên chức trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước; tổ chức cuộc họp của Ban TTND để Ban Ban TTND bầu Trưởng ban, Phó Trưởng ban, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên.
3. Hướng dẫn Ban TTND xây dựng chương trình, nội dung công tác, định kỳ nghe báo cáo kết quả hoạt động và giải quyết kiến nghị của Ban TTND đối với Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở.
4. Động viên người lao động ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước ủng hộ, tham gia hoạt động của Ban TTND.
5. Xác nhận biên bản, kiến nghị của Ban TTND./.
Nguyễn Thị Thái – UBKT CĐNHVN