Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ tư, 20/11/2024 | 20:33

Tin hoạt động ngân hàng

Chương trình hành động của ngành Ngân hàng về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2020

21/04/2017

Ngày 18/4/2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có Quyết định số 791/QĐ-NHNN ban hành Chương trình hành động của ngành Ngân hàng về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 – 2020.

Ngày 18/4/2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có Quyết định số 791/QĐ-NHNN ban hành Chương trình hành động của ngành Ngân hàng về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 – 2020.

Mục tiêu của Chương trình nhằm đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong mọi lĩnh vực hoạt động của ngành Ngân hàng, tập trung xây dựng các giải pháp quyết liệt để nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhằm phát huy cao nhất mọi nguồn lực để thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng.

Xây dựng và thực hiện Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 5 năm 2016-2020 là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các cơ quan, đơn vị trong ngành Ngân hàng. Đây là yếu tốt quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng giai đoạn 2016-2020 của ngành Ngân hàng. Để đạt được các yêu cầu đó, bên cạnh việc triển khai nghiêm túc Quyết định số 2544/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 của Chính phủ, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2020 trong ngành Ngân hàng cần được triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ sau: (i) Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, bảo đảm thanh khoản của các TCTD, ổn định thị trường tiền tệ. Xây dựng và triển khai quyết liệt, đồng bộ các nội dung của Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020”. Tăng cường công tác thanh tra, giám sát trong hoạt động ngân hàng, bảo đảm hoạt động của hệ thống TCTD hoạt động an toàn, lành mạnh; (ii) Quản lý chặt chẽ nguồn vốn tài chính của NHNN và của các đơn vị trong ngành Ngân hàng. Triệt để tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý và sử dụng tài sản và kinh phí hoạt động (bao gồm chi quản lý hành chính, chi nghiệp vụ và chi phí sản xuất – kinh doanh của các đơn vị); (iii) Chống lãng phí trong mua sắm tài sản nhà nước thông qua việc đẩy mạnh mua sắm theo phương thức tập trung, áp dụng đối với những loại tài sản có lượng mua sắm nhiều, giá trị mua sắm lớn, được sử dụng phổ biến ở nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị; (iv) Chống lãng phí trong việc đề xuất chủ trương và triển khai thực hiện các dự án đầu tư phát triển, đặc biệt là các dự án công nghệ thông tin và dự án đầu tư xây dựng công trình; (v) Chống lãng phí trong sử dụng nguồn lực lao động, nâng cao chất lượng lao động, tăng hiệu suất, hiệu quả lao động. Phấn đấu tinh giản biên chế hành chính của các đơn vị NHNN ở mức tối đa trên cơ sở nâng cao hiệu suất, hiệu quả làm việc trong các cơ quan nhà nước; (vi) Triển khai quyết liệt Quyết định số 1835/QĐ-NHNN về việc ban hành Kế hoạch của NHNN trong việc triển khai thực hiện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập; (vii) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Chương trình tổng thể của Chính phủ và Chương trình hành động của ngành Ngân hàng, Chương trình hành động của các đơn vị về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tạo sự chuyển biến thực sự trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; (viii) Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống quy định, tiêu chuẩn, định mức, chế độ trong quản lý tài chính, tài sản, quản lý dự án đầu tư công nghệ thông tin và xây dựng cơ bản, quản lý và sử dụng lao động làm cơ sở cho thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; (ix) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; công khai kết quả thanh tra, kiểm tra và kết quả xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Chương trình hành động cũng đưa ra một số chỉ tiêu tiết kiệm và biện pháp thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm như: Thống nhất công tác chỉ đạo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí từ NHNN đến từng đơn vị thuộc NHNN và các TCTD, tổ chức tài chính, doanh nghiệp trong ngành Ngân hàng; Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện trên các lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Thực hiện công khai, nâng cao hiệu quả giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Thường xuyên kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa quản lý; kiên quyết đấu tranh có hiệu quả đối với hành vi gây thất thoát, lãng phí; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Cũng tại Chương trình này, Thống đốc yêu cầu các đơn vị NHNN, đơn vị sự nghiệp căn cứ chương trình hành động về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2020 của ngành Ngân hàng, các đơn vị chủ động xây dựng chương trình hành động giai đoạn 2016 - 2020 của đơn vị mình; chỉ đạo việc xây dựng chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của các cấp, đơn vị trực thuộc. Mỗi đơn vị cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm, tiêu chí đánh giá tiết kiệm và yêu cầu chống lãng phí của cấp mình, của đơn vị mình; xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm cũng như những giải pháp, biện pháp cần thực hiện để đạt được mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm đã đề ra. Đồng thời, chủ động tổ chức triển khai các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó tập trung vào các giải pháp để đạt được mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm và yêu cầu chống lãng phí gắn với các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm của đơn vị.

Thống đốc cũng yêu cầu các Vụ, Cục chức năng của NHNN đẩy mạnh việc hoàn thiện hệ thống định mức, tiêu chuẩn, chế độ làm cơ sở thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và việc thực hiện chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong phạm vi quản lý. Thống đốc NHNN giao Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kiểm toán nội bộ và Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm toán, thanh tra về việc xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình hành động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2020 trong phạm vi quản lý.

Các TCTD do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Hợp tác xã, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam, Nhà máy In tiền Quốc gia có trách nhiệm tổ chức xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2020 của đơn vị mình, đảm bảo phù hợp với Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2020 của ngành Ngân hàng, trong đó cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm và yêu cầu chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản của Nhà nước; xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm và những giải pháp, biện pháp cần thực hiện để đạt được mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm đã đặt ra trong giai đoạn 2016 - 2020.

Các cấp ủy Đảng, đoàn thể tại các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phát động phong trào thi đua và việc tổ chức, triển khai các giải pháp cụ thể trong từng hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

 

NH (theo SBV)

Tin cùng chuyên mục