4 nguyên tắc trong tái cấu trúc hạ tầng công nghệ ngân hàng
05/06/2017
Đơn giản hóa - tự động hóa - sử dụng trí tuệ nhân tạo - đảm bảo an ninh bảo mật. Đó là 4 nguyên tắc trong tái cấu trúc hạ tầng công nghệ ngân hàng được Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh tại Hội nghị Giám đốc Công nghệ thông tin (CIO) ngành Ngân hàng năm 2017 được NHNN tổ chức ngày 2/6/2017.
Hội nghị giám đốc CNTT ngành Ngân hàng năm 2017 được tổ chức trong bối cảnh làn sóng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Cách mạng 4.0) đang diễn ra trên toàn cầu có tác động mạnh mẽ, lan tỏa tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội và hứa hẹn sẽ tạo thêm nhiều cơ hội, động lực mới cho ngành Ngân hàng trong việc nâng cao năng lực quản trị, tự động hóa quy trình nghiệp vụ và mở ra nhiều dịch vụ ngân hàng số mới, hiện đại, phá vỡ mọi hạn chế về không gian và thời gian trong việc cung cấp dịch vụ ngân hàng cho khách hàng ở mọi tầng lớp trong xã hội.
Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho rằng: Việc đón bắt và tận dụng cơ hội của Cách mạng 4.0, không đơn giản là chờ đợi và thụ hưởng thành quả từ đó. Hệ thống Ngân hàng Việt Nam cần vượt qua những thách thức trong việc phải thay đổi chính mình, tái cấu trúc hạ tầng công nghệ ngân hàng theo 4 nguyên tắc: đơn giản hóa - tự động hóa - sử dụng trí tuệ nhân tạo - đảm bảo an ninh bảo mật, để nắm bắt kịp thời với những thay đổi của làn sóng Cách mạng 4.0, làm nền tảng cho việc đổi mới tổ chức và hoạt động của mỗi ngân hàng, chủ động hội nhập với khu vực và thế giới.
Cuộc Cách mạng 4.0 tạo ra nhiều cơ hội, nhưng cũng đặt ra những rủi ro tiềm ẩn về an ninh thông tin. An ninh mạng trong thời gian gần đây đang nổi lên thành vấn đề an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu, thách thức đến an ninh của mỗi quốc gia, cũng như hệ thống thông tin của các ngành, các cấp. Tại Việt Nam cũng đã chứng kiến các vụ việc nghiêm trọng như: hacker tấn công hệ thống thông tin của Vietnam Airlines và các cảng hàng không, hàng nghìn máy tính nhiễm mã độc bị mã hóa dữ liệu đòi tiền chuộc…
Trong ngành Ngân hàng cũng đã xảy ra một số vụ việc hacker tấn công hệ thống thanh toán SWIFT, đánh cắp thông tin để trộm cắp tài sản của khách hàng, ngân hàng… Những vụ việc nêu trên không chỉ làm thất thoát tài sản, ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín, hình ảnh của mỗi ngân hàng, mà còn gây ra tác động dây chuyền đến toàn hệ thống Ngân hàng và làm ảnh hưởng đến niềm tin của dân chúng đối với ngành Ngân hàng.
“Do đó, công tác đảm bảo an ninh công nghệ thông tin nói chung, phòng chống tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực ngân hàng nói riêng đòi hỏi phải có sự nhận thức đầy đủ, sự vào cuộc quyết liệt, đầu tư nghiêm túc và phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức trong toàn ngành Ngân hàng và với các tổ chức bên ngoài”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Toàn cảnh Hội nghị
Đánh giá thực trạng hoạt động ứng dụng CNTT của ngành Ngân hàng giai đoạn 2013 - 2016, ông Đoàn Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin cho biết: Hoạt động ứng dụng CNTT ngân hàng từ năm 2013 đến nay đã tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm chính là đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động ngân hàng, nâng cao chất lượng và tiện ích các dịch vụ ngân hàng điện tử. Bên cạnh đó, đảm bảo an ninh, an toàn và hoạt động liên tục cho hệ thống CNTT của các TCTD, đáp ứng các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế về CNTT trong hoạt động ngân hàng.
Nhận thức rõ vai trò của CNTT, theo ông Hải, NHNN đã chú trọng đẩy mạnh ứng dụng CNTT làm nền tảng cho việc hiện đại hoá các hoạt động ngân hàng. CNTT đã được ứng dụng đồng bộ vào hầu hết các hoạt động, nghiệp vụ của NHNN với các mức độ khác nhau, góp phần từng bước nâng cao năng lực quản lý nhà nước của NHNN trên lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng.
Trong thời gian tới, ông Hải cũng nêu ra một số nhiệm vụ trọng tâm cần được đẩy mạnh như việc phát triển hạ tầng kỹ thuật; ứng dụng CNTT trong nội bộ và phục vụ người dân, doanh nghiệp; xây dựng, hoàn thiện các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành hay hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử… Các TCTD cũng đặt ra mục tiêu phải đảm bảo ứng dụng CNTT hỗ trợ tích cực cho việc triển khai chiến lược phát triên của ngành Ngân hàng và trở thành nhân tố thúc đẩy hoạt động kinh doanh, quản trị nội bộ của TCTD theo thông lệ quốc tế tốt nhất…
Với việc triển khai các quy định của NHNN về an toàn bảo mật CNTT và kế hoạch ứng cứu sự cố, ông Phan Thái Dũng - Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin cho rằng ý thức tuân thủ các quy định của NHNN tại các TCTD ngày càng nâng cao. Theo đó, 100% TCTD tiếp tục duy trì và nâng cấp các trang thiết bị an ninh bảo mật cơ bản như hệ thống tường lửa (firewall); hệ thống phát hiện xâm nhập (IDS/IPS); hệ thống phòng chống virus; xác thực đa thành tố đối với các giao dịch điện tử. Các TCTD cũng đã ban hành và cập nhật thường xuyên cũng như giám sát, tuân thủ các quy trình, quy định sử dụng, vận hành hệ thống hạ tầng CNTT; thường xuyên cập nhật chính sách bảo mật đã triển khai. “Trên 90% các TCTD cũng đã triển khai Hệ thống quản lý truy cập internet, hệ thống phòng chống thư rác”, ông Dũng cho biết thêm.
Hội nghị cũng đã được nghe những chia sẻ, đề xuất các giải pháp, kiến nghị tới từ Giám đốc CNTT tại một số NHTM trong việc triển khai ứng dụng CNTT ngành Ngân hàng để nâng cao hiệu quả thực hiện trong thời gian tới. Như việc đề nghị NHNN có thể nghiên cứu, đầu tư các hệ thống CNTT dùng chung để các NHTM có thể thuê sử dụng, giúp tiết kiệm chi phí trong việc đầu tư CNTT trong: xây dựng hệ thống chữ ký số, hệ thống xác thực 3D Secure, các trung tâm xác thực, trung tâm dữ liệu dự phòng, dịch vụ Điện toán đám mây… cho ngành Ngân hàng, theo chia sẻ của ông Nguyễn Thành Long - Trưởng ban CNTT của BIDV.
Hướng đến mục tiêu nắm bắt và ứng dụng nhanh chóng, hiệu quả các thành tựu tiên tiến từ các xu hướng phát triển công nghệ ngân hàng trên thế giới, Hội nghị cũng sẽ dành riêng phiên làm việc buổi chiều để thảo luận với các chuyên gia tới từ các công ty/tập đoàn CNTT quốc tế về xu hướng phát triển công nghệ mới trong hoạt động ngân hàng. Để từ đó cùng nhận diện rõ hơn các thời cơ, thách thức cũng như các bước đi phù hợp cho hoạt động của ngành Ngân hàng.
Theo thoibaonganhang.vn