Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ tư, 22/01/2025 | 12:35

Hỏi - Đáp

Về hình thức tổ chức đại hội, hội nghị công đoàn

19/06/2017

Khi nào thì tổ chức đại hội và trường hợp nào thì tổ chức hội nghị công đoàn? Và Hội nghị công đoàn sẽ được tổ chức dưới hình thức nào?

Như chúng ta đã biết, Đại hội công đoàn là dịp sinh hoạt chính trị dân chủ, rộng rãi, huy động nhiều hình thức tham gia của đoàn viên, cán bộ công đoàn nhằm xem xét, thảo luận, đánh giá tổng thể nội dung, phương thức, chất lượng, hiệu quả hoạt động công đoàn trong nhiệm kỳ qua; từ đó đúc rút kinh nghiệm, quyết định phương hướng, nhiệm vụ của nhiệm kỳ tiếp theo; đồng thời thống nhất ý chí, hành động, đảm bảo cho việc tổ chức thực hiện tốt những nhiệm vụ mà đại hội đã đề ra. Đại hội công đoàn là cơ quan lãnh đạo cao nhất của mỗi cấp công đoàn. Nghị quyết đại hội công đoàn cấp trên phải được triển khai thực hiện ở công đoàn cấp dưới; Nghị quyết đại hội CĐVN phải được triển khai thực hiện ở công đoàn các cấp trong hệ thống tổ chức CĐVN (Trích tài liệu “Những điều cần biết về đại hội công đoàn các cấp” của Ban Tổ chức TLĐLĐVN năm 2017).

Song trên thực tế không ít ý kiến băn khoăn, vậy khi nào thì tổ chức đại hội và trường hợp nào thì tổ chức hội nghị công đoàn? Và Hội nghị công đoàn sẽ được tổ chức dưới hình thức nào?

Để trả lời cho câu hỏi này, xin được trích dẫn như sau:

* Theo quy định tại khoản 2, Điều 10 Điều lệ CĐVN khoá XI:

- Nhiệm kỳ của đại hội công đoàn các cấp 5 năm 1 lần. Trường hợp CĐCS có ít đoàn viên hoặc thường xuyên biến động, nếu có đề nghị bằng văn bản của BCH CĐCS thì công đoàn cấp trên quản lý trực tiếp quyết định nhiệm kỳ đại hội của CĐCS 5 năm 2 lần.

- Trường hợp đặc biệt, nếu được công đoàn cấp trên đồng ý, đại hội công đoàn các cấp có thể triệu tập sớm hoặc muộn hơn, nhưng không quá 12 tháng đối với nhiệm kỳ 5 năm và không quá 6 tháng đối với nhiệm kỳ 5 năm 2 lần…

* Theo tài liệu “Những điều cần biết về đại hội công đoàn các cấp” của Ban Tổ chức TLĐLĐVN năm 2017, tại câu 5 có ghi:

- Theo Khoản 1, Điều 11 Điều lệ CĐVN khoá XI quy định: Những nơi xét thấy cần thiết và được BCH công đoàn cấp trên trực tiếp đồng ý thì BCH ở cấp đó được triệu tập hội nghị đại biểu hoặc hội nghị toàn thề.

- Theo Kế hoạch số 52/KH-TLĐ ngày 28/11/2016 của ĐCT TLĐLĐVN về tổ chức đại hội công đoàn các cấp tiến tới Đại hội XII CĐVN, tại Mục II, điểm 2 quy định:

+ Tổ chức công đoàn chưa hết nhiệm kỳ hoặc đã quá nhiệm kỳ, thì được phép rút ngắn hoặc kéo dài để phù hợp với tiến độ đại hội công đoàn cấp trên trực tiếp, nhưng không quá 12 tháng đối với nhiệm kỳ 5 năm 1 lần và không quá 6 tháng đối với nhiệm kỳ 5 năm 2 lần.

+ Các trường hợp không đủ điều kiện rút ngắn hoặc kéo dài trên, thì tổ chức hội nghị công đoàn theo quy định tại Điều 11 Điều lệ CĐVN và phải được sự đồng ý của cấp uỷ cùng cấp (nếu có) và công đoàn cấp trên trực tiếp.

* Về hình thức tổ chức hội nghị, tương tự như đại hội công đoàn, hội nghị công đoàn cũng có 2 hình thức tổ chức. Tại câu 6 tài liệu “Những điều cần biết về đại hội công đoàn các cấp” đã chỉ rõ:

- Hội nghị đại biểu được tổ chức trong trường hợp CĐCS có trên 150 đoàn viên và các công đoàn cấp trên cơ sở, thuộc đối tượng không đủ điều kiện kéo dài hoặc rút ngắn thời gian để tổ chức đại hội nhiệm kỳ theo quy định tại Điều 11 CĐVN và Hướng dẫn thi hành Điều lệ CĐVN số 238/HD-TLĐ ngày 04/3/2014, Mục 8.4, điểm a về đại hội đại biểu.

- Hội nghị toàn thể được tổ chức trong trường hợp CĐCS thuộc đối tượng không đủ điều kiện kéo dài hoặc rút ngắn thời gian để tổ chức đại hội nhiệm kỳ và có số lượng đoàn viên thuộc đối tượng tổ chức đại hội toàn thể, theo quy định tại Hướng dẫn thi hành Điều lệ CĐVN số 238/HD-TLĐ ngày 04/3/2014, Mục 8.4, điểm b về đại hội toàn thể./.

 

 N.T.T