Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ tư, 20/11/2024 | 18:48

Tin hoạt động ngân hàng

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng: Việt Nam có nhiều đề xuất, hợp tác để phát triển hiệu quả tài chính bao trùm

22/10/2017

Ngày 21/10/2017, tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã tham dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Ngày 21/10/2017, tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã tham dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC và các Hội nghị liên quan năm nay có khoảng 300 đại biểu quốc tế và trong nước tham dự, bao gồm các Bộ trưởng Tài chính, lãnh đạo cơ quan tài chính và lãnh đạo Ngân hàng Trung ương của 21 nền kinh tế thành viên trong khu vực, lãnh đạo cấp cao của các tổ chức tài chính quốc tế như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng thế giới (WBG), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Đại diện đoàn Việt Nam có ông Đinh Tiến Dũng – Bộ Trưởng Bộ Tài chính, ông Trần Xuân Hà – Thứ trưởng Bộ Tài chính và bà Nguyễn Thị Hồng – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Tại Hội nghị, đại diện các tổ chức tài chính quốc tế như: IMF, WB, OECD, ADB đã có những đánh giá tổng quan về tình hình kinh tế, tài chính toàn cầu và khu vực. Đa số các ý kiến đều đánh giá, kinh tế của các quốc gia khu vực APEC có sự hồi phục và tăng trưởng đáng khích lệ so với tương quan các khu vực khác trên thế giới; những chuyển biến tích cực trong các chính sách vĩ mô về kinh tế, tài chính, tiền tệ, thương mại, dịch vụ, cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư… cũng như sự hợp tác, thúc đẩy phát triển tài chính bao trùm trong khu vực. Cùng với đó là một số quan ngại về tình trạng gia tăng nợ công, thâm hụt thương mại của một số quốc gia… Đáng chú ý, đại diện IMF, OECD đã đánh giá cao Việt Nam trong việc đề xuất đưa khái niệm Inclusion (sự bao trùm), bao gồm tài chính bao trùm, phát triển bao trùm vào chương trình nghị sự, hợp tác của APEC 2017. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn chứa đựng nhiều yếu tố khó lường, việc chú trọng yếu tố “bao trùm” sẽ giúp các nền kinh tế ứng phó được với các biến động và phát triển bền vững.

Thảo luận tại Hội nghị, các Bộ trưởng Tài chính, Trưởng đoàn các nền kinh tế APEC cũng đưa ra nhiều góc nhìn khác nhau thông qua những phân tích, đánh giá, bình luận về tình hình kinh tế thế giới và khu vực; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, tình hình thực tế về phát triển kinh tế, chính sách và hoạt động tài chính, tiền tệ, thương mại, dịch vụ… của một số quốc gia.

Phát biểu tại Hội nghị, đại diện đoàn Việt Nam, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, trên cơ sở tham vấn với các nền kinh tế thành viên APEC và các đối tác phát triển quốc tế, ngay từ cuối năm 2016 Việt Nam đã đề xuất các hoạt động hợp tác APEC về tài chính bao trùm năm 2017 hướng đến mục tiêu phục vụ phát triển bền vững nông nghiệp nông thôn, tập trung vào các nhóm nội dung gồm: (i) Xác định phạm vi tài chính bao trùm, phù hợp với điều kiện và đặc điểm của mỗi nền kinh tế APEC; (ii) Tài chính số và ứng dụng công nghệ tài chính mới; (iii) Giáo dục tài chính và bảo vệ người tiêu dùng; (iv) Bảo hiểm vi mô tại các nền kinh tế thành viên đang phát triển; (v) Chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn để ứng phó thách thức;và (vi) Phát triển cơ sở hạ tầng (CSHT) tài chính.

Trong suốt gần một năm qua, các nền kinh tế APEC đã hợp tác chặt chẽ, cùng với các tổ chức quốc tế triển khai nhiều hoạt động thiết thực, có hiệu quả cả trên bình diện song phương và đa phương mà trọng tâm là 3 sự kiện do Việt Nam chủ trì, phối hợp cùng ABAC/FDC và WB/IFC tổ chức, bao gồm: Diễn đàn APEC thường niên lần thứ 8 về Tài chính Bao trùm tại Hội An, Quảng Nam vào tháng 7/2017; Hội thảo quốc tế về Trao đổi Thông tin Tín dụng xuyên biên giới vào tháng 5/2017 tại Ninh Bình và Hội nghị lần thứ 4 Mạng lưới Phát triển Cơ sở Hạ tầng Tài chính (FIDN) với chủ đề “Cải cách cơ sở hạ tầng tài chính” vào tháng 7/2017 tại Hội An, Quảng Nam. Tại các hội nghị trên, đã có nhiều kinh nghiệm thực tế và nhiều kiến nghị, giải pháp được đề ra cho sự hợp tác của các nền kinh tế thành viên APEC trong thời gian tới.

Bên lề Hội nghị, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã có cuộc trao đổi với ông Mitsuhiro Fukusawa- Phó Tổng Giám đốc IMF.

 

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tiếp ông Mitsuhiro Fukusawa - Phó Tổng Giám đốc IMF

Tại cuộc tiếp xúc, thay mặt IMF, ông Mitsuhiro Fukusawa đã chúc mừng Việt Nam tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC rất thành công; đồng thời đánh giá tích cực về tình hình kinh tế Việt Nam như: tăng trưởng kinh tế đạt mức cao, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định. Cải cách ngân hàng đang có những tiến bộ đáng kể và IMF nhận thấy quyết tâm của NHNN trong việc hiện đại hóa khuôn khổ chính sách tiền tệ, đẩy mạnh xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng; đồng thời khẳng định, IMF rất ủng hộ và sẽ đồng hành cùng NHNN Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt là liên quan đến chủ đề được đề cập đến tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC năm nay, đó là tài chính bao trùm.


Trao đổi với ông Mitsuhiro Fukusawa, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng bày tỏ sự vui mừng được đón ông Mitsuhiro Fukusawa nhân dịp Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2017. Vừa trở về từ Hội nghị thường niên IMF/WB, Phó Thống đốc cũng chia sẻ về chủ đề tăng trưởng toàn diện trong Hội nghị năm nay của IMF/WB hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều rủi ro, bất định. Tăng trưởng toàn diện cũng là một trong những trọng tâm ưu tiên chính sách của Việt Nam nhằm hướng đến xây dựng một Việt Nam Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ. Chính vì vậy, một trong bốn trụ cột ưu tiên hợp tác Việt Nam đặt ra trong năm APEC 2017 đó là “Thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và toàn diện”. Trong đó, NHNN với tư cách là cơ quan đầu mối về Tài chính bao trùm của Việt Nam đã đề xuất các hoạt động hợp tác APEC về tài chính bao trùm năm 2017 là hướng đến mục tiêu phục vụ phát triển bền vững nông nghiệp nông thôn nhằm góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng toàn diện. Bên cạnh đó, Phó Thống đốc cũng cảm ơn sự ủng hộ của IMF đối với đường lối chính sách của Việt Nam và hoạt động hỗ trợ, đào tạo, tư vấn chính sách cho Việt Nam.

 

Minh Phương (theo SBV)

Tin cùng chuyên mục