Ngày 10/5/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 54/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 04/2018. Tại Nghị quyết này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) được Chính phủ giao tiếp tục triển khai một số công việc quan trọng.
Theo Nghị quyết, Chính phủ thống nhất đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2018 tiếp tục chuyển biến tích cực và toàn diện, tạo không khí phấn khởi trong sản xuất kinh doanh, góp phần củng cố niềm tin thị trường, niềm tin của nhà đầu tư và nhân dân. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát; mặt bằng lãi suất, thị trường ngoại hối ổn định. Các ngành, lĩnh vực chủ yếu tiếp tục phát triển, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện… Bên cạnh kết quả đạt được, nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Năng suất lao động và sức cạnh tranh thấp; Mức độ sẵn sàng thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 còn hạn chế; Nguồn vốn đầu tư phát triển còn hạn hẹp…
Do vậy, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, đặc biệt là các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhận thức rõ trọng trách là người đứng đầu quản lý ngành, lĩnh vực và địa phương, quán triệt sâu sắc tinh thần “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo và hiệu quả”; tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; tuyệt đối không chủ quan trong chỉ đạo, điều hành, chủ động nắm sát tình hình trong nước và quốc tế, kịp thời có đối sách, giải pháp phù hợp; có khát vọng đổi mới và phát triển, sâu sát với thực tiễn và công việc, chủ động giải quyết các vấn đề phát sinh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế, yếu kém thuộc ngành, lĩnh vực quản lý; có chính sách, giải pháp phù hợp, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Chính phủ xác định nhất quán công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh là ưu tiên hàng đầu trong năm 2018 và các năm tiếp theo. Yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát cơ chế, chính sách, quy định pháp luật, nhất là các quy định về đầu tư kinh doanh, quy hoạch, môi trường, đất đai…, bãi bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định không còn phù hợp, cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh; cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành theo mục tiêu đã đề ra; tiếp tục rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm, tạo chuyển biến căn bản, trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương, nhất là các chỉ số đang có điểm số và xếp hạng thấp.
Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường để thực hiện lộ trình điều chỉnh giá điện, giá dịch vụ y tế, giáo dục với mức độ và thời điểm phù hợp, không để ảnh hưởng lớn đến chỉ số giá tiêu dùng. Tiếp tục thực hiện các giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động. Theo dõi tình hình sản xuất, kinh doanh các mặt hàng, sản phẩm chiến lược thuộc ngành, lĩnh vực, địa phương quản lý, kịp thời có giải pháp tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.
Tại Nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện một số nội dung. Trong đó, NHNN điều hành thận trọng, linh hoạt chính sách tiền tệ, kết hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 11/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm soát các giao dịch tiền ảo.
Bộ Tài chính tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước; phát động phong trào ngành tài chính hành động liêm chính, nói không với tiêu cực, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu tiêu cực trong lĩnh vực hải quan, thuế. Quản lý chặt chẽ tài sản công, công khai minh bạch theo giá thị trường, không để thất thoát, lãng phí; tăng cường đôn đốc, kiểm tra, thúc đẩy công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thành việc phân bổ và giao kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020; phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường thanh tra, kiểm tra, nghiêm khắc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân gây chậm trễ trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư công.
Các cấp, các ngành tiếp tục tập trung đôn đốc, kiểm tra, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục đầu tư, đấu thầu, xây dựng, thanh quyết toán đối với các dự án đầu tư công; tăng cường các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, khẩn trương hoàn thiện hệ thống phần mềm để công khai trên trang điện tử kết quả giải ngân vốn đầu tư công của các Bộ, ngành, địa phương…
CKH (theo sbv.gov.vn)