Ngày 12.5.2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định 655/QĐ-TTg 2017 phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường thăm thiết chế công đoàn tại Hà Nam. Ảnh VGP
Tích cực triển khai thực hiện Quyết định 655, Tổng LĐLĐVN đã phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương để kịp thời tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc trong đầu tư xây dựng nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, chăm sóc y tế... cho công nhân; phối hợp với 20 địa phương xác định được địa điểm đầu tư, trong đó đã triển khai nghiên cứu thị trường và đánh giá các điều kiện đầu tư dự án tại 12 địa phương, đây là bước đi làm cơ sở đảm bảo hoạt động xây dựng đúng mục tiêu và hiệu quả của đề án. Các dự án xây dựng thiết chế công đoàn tại Quảng Nam, Tiền Giang và Khu công nghiệp Đồng Văn II tỉnh Hà Nam được tập trung, hoàn thành xây dựng nhà mẫu...
Dù còn gặp nhiều những vướng mắc nhưng với sự nỗ lực của Tổng LĐLĐVN, những bước triển khai đã thu được kết quả đáng mừng.
Thiết chế công đoàn tại Hà Nam. Ảnh: PV
1/ Dự án thiết chế công đoàn tại Khu công nghiệp (KCN) Đồng Văn II tỉnh Hà Nam
Hà Nam, Tổng Liên đoàn Lao động VN đã quyết định đầu tư số tiền 559 tỉ đồng cho dự án này. Thời gian hoàn thành dự án từ 2018 đến 2020. Các hạng mục công trình theo quy hoạch dự án gồm: Chung cư 5 tầng có 20 block, gồm 976 căn hộ (có diện tích từ 30m2 và 45m2/căn).
Các công trình dịch vụ, hạ tầng xã hội thuộc dự án gồm: Nhà thi đấu đa năng quy mô 500 chỗ; quảng trường với sức chứa 5.000 người; siêu thị, phòng khám, nhà thuốc, các khu sân thể thao, công viên vui chơi giải trí, trụ sở công đoàn khu công nghiệp…
Trong tổng số 976 căn hộ tại thiết chế Hà Nam, Tổng Liên đoàn Lao động VN sẽ dành 208 căn có diện tích 30m2/căn (tương đương với 21% tổng số căn hộ) để cho đoàn viên công đoàn là công nhân, người lao động tại khu công nghiệp thuê với giá cho thuê từ 250.000 đồng/người/tháng; dành 768 căn còn lại (tương đương với 79% tổng số căn hộ) có diện tích từ 30m2 và 45m2 để bán cho đoàn viên công đoàn là công nhân và người lao động với giá chỉ từ 150 triệu/căn đến 350 triệu/căn tùy theo diện tích, vị trí tầng cao của căn hộ.
Khi hoàn thành toàn bộ, dự án thiết chế công đoàn tại tỉnh Hà Nam sẽ tạo chỗ ở cho khoảng 4.000 đến 4.500 đoàn viên là công nhân, người lao động tại khu công nghiệp.
Theo tiến độ dự kiến, quý I/2019 sẽ thực hiện các hoạt động mua bán nhà ở thiết chế công đoàn và hết quý IV/2019 những căn nhà đầu tiên sẽ được bàn giao cho công nhân, người lao động.
Thiết chế công đoàn tại Quảng Nam. Ảnh: P.V
2/ Dự án xây dựng thiết chế công đoàn tại Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc tỉnh Quảng Nam
Dự án này được xây dựng trên diện tích 40.000m2 với tổng vốn đầu tư dự kiến là 377,2 tỉ đồng, bao gồm các hạng mục: Nhà thi đấu đa năng; trường mầm non, sân, đường; điện, hệ thống cấp thoát nước và cây xanh với tổng diện tích xây dựng trên 2.500m2, tổng mức đầu tư trên 27,2 tỉ đồng.
Về nhà ở, sẽ được xây dựng với 14 tòa, mỗi tòa gồm 5 tầng với tổng diện tích xây dựng trên 7.800m2 sàn, tổng mức đầu tư 350 tỉ đồng (tương đương 884 căn hộ), đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho khoảng 3.500 đoàn viên, CNLĐ.
Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, hiện thu hút hơn 30.000 công nhân lao động. Việc Tổng LĐLĐVN phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng thiết chế công đoàn gồm nhà ở, nhà trẻ, nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao phục vụ nhu cầu thiết yếu của đoàn viên, CNLĐ góp phần giảm bớt khó khăn về điều kiện sống và làm việc của CNLĐ tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Thiết chế công đoàn tại Tiền Giang. Ảnh: P.V
3/ Dự án thiết chế công đoàn tại Tiền Giang
Dự án khu thiết chế công đoàn tại xã Trung An, thành phố Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) khởi công vào tháng 7.2018. Đề án được thực hiện nhằm phục vụ CNLĐ tại KCN Mỹ Tho và CCN Trung An (TP. Mỹ Tho) với tổng kinh phí hơn 400 tỉ đồng trên diện tích đất hơn 30.000m2. Đề án bao gồm các hạng mục: Nhà ở xã hội cho CNLĐ gồm 1.000 căn hộ (mỗi căn có diện tích từ 32 - 47m2); Nhà làm việc của CĐ các KCN; Nhà giữ trẻ; “Siêu thị CĐ”; cùng các hạng mục khác như quầy thuốc tây, phòng sinh hoạt, tập luyện văn hóa văn nghệ - thể dục thể thao, nhà giữ xe, đường đi nội bộ, các mảng cây xanh…
4/ Dự án Thiết chế của công đoàn tại tỉnh Thái Nguyên
Được triển khai tại Khu công nghiệp Điềm Thụy, huyện Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên) với diện tích khoảng 3,9ha gồm các hạng mục: Cụm công trình thấp tầng liền kề, 3 tòa cụm công trình 5 tầng có gác xép, 2 tòa cụm công trình cho thuê, 12 tòa cụm công trình 5 tầng và cụm công trình giáo dục, sinh hoạt cộng đồng.
Dự án được chia làm hai giai đoạn, giai đoạn 1 từ tháng 9.2018 đến tháng 2.2019 dự kiến sẽ bàn giao 300 căn hộ đầu tiên cho người lao động và hoàn thành một số khu phụ trợ. Giai đoạn 2 từ tháng 10.2019 đến tháng 4.2020 sẽ hoàn thiện khoảng 500 căn hộ.
Theo dự kiến, dự án này có tổng mức đầu tư là 490 tỉ đồng.
***
Mục tiêu
- Từ năm 2018 - 2020: Hoàn thành và đưa vào sử dụng 40 thiết chế của công đoàn
- Đến năm 2030 phấn đấu tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước đều có thiết chế của công đoàn
Giải pháp về huy động nguồn lực đầu tư từ 3 nguồn
a) Ngân sách trung ương hỗ trợ
- Giai đoạn 2016 - 2020: 141,7 tỉ đồng;
- Sau giai đoạn 2016 - 2020: Được hỗ trợ khi có chủ trương về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn theo quy định của pháp luật.
b) Nguồn tài chính của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;
c) Nguồn vốn vay ưu đãi và vốn huy động hợp pháp khác.
Tổng kinh phí 50 thiết chế công đoàn khoảng 11.000 tỉ đồng
Các hạng mục công trình thiết chế công đoàn gồm, các khối chung cư nhà ở năm tầng, sức chứa gần 1.000 căn hộ, nhà văn hóa đa năng chứa 500 người, quảng trường trung tâm chứa 5.000 người, siêu thị, nhà trẻ, nhà thuốc, nhà điều hành, hệ thống dịch vụ phục vụ đời sống, văn hóa, xã hội, vườn hoa, cây xanh kết hợp sân thể thao.
Diện tích xây dựng tối thiểu của mỗi thiết chế từ 3 đến 5 ha, tổng giá trị đầu tư xây dựng với tổng số vốn từ 350 đến 500 tỉ, trong đó, Tổng LÐLÐ Việt Nam đóng góp 100 tỉ đồng xây dựng các công trình dịch vụ phục vụ NLÐ.
Theo congdoan.vn