Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị sơ kết 01 năm triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 và Quyết định số 1058/QĐ-TTg do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức sáng 28/8, tại Hà Nội.
Hội nghị được tổ chức dưới hình thức truyền hình trực tuyến tại phòng họp trực tuyến của NHNN và NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố.
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu trung tâm Hà Nội có đại diện Ban Kinh tế Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Ủy Ban Kinh tế Quốc hội, Uỷ Ban Pháp luật Quốc hội, Văn Phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao…
Chủ trì Hội nghị có Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng và các Phó Thống đốc NHNN. Ngoài ra, tại điểm cầu NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, Hội nghị còn có sự tham dự của đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố, các sở, ban, ngành liên quan (Công an tỉnh, Sở Tài chính, Cơ quan Thuế, Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên môi trường, Tòa án Nhân dân, Viện kiểm sát Nhân dân).
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị
Quyết định số 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện được tính đúng đắn trong định hướng chính sách của Quốc hội và Chính phủ, những giải pháp tháo gỡ đã tạo ra triển vọng và niềm tin đối với hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) và nhân dân trong việc xử lý một cách có hiệu quả nợ xấu trong nền kinh tế.
Năng lực tài chính của các TCTD được củng cố, vốn điều lệ tăng nhanh dần qua các năm: Tính đến 30/6/2018, vốn điều lệ của toàn hệ thống ước đạt 519,01 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3% so với cuối năm 2017, tăng 6,3% so với cuối năm 2016. Vốn chủ sở hữu của toàn hệ thống ước đạt 720,43 nghìn tỷ đồng, tăng 9,1% so với cuối năm 2017, tăng 21,1% so với cuối năm 2016.
Các giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng tín dụng và giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 42 bước đầu đã tạo điều kiện quan trọng góp phần xử lý nợ xấu tại các TCTD, đến cuối tháng 6/2018 tỷ lệ nợ xấu so với so với tổng nợ là 2,09%, giảm so với thời điểm 31/12/2016 (2,46%).
Về thu giữ tài sản bảo đảm, Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) đã thực hiện thu giữ 6 tài sản bảo đảm để xử lý thu hồi nợ, cụ thể: Tài sản bảo đảm của Công ty cổ phần Thép Tân Quốc Duy (bảo đảm cho khoản nợ của Công ty cổ phần Thuận Kiều) tại Đường Kha Vạn Cân, Dĩ An, Bình Dương; Tài sản bảo đảm của nhóm khách hàng Công ty cổ phần Sài Gòn One Tower là Dự án đầu tư Cao ốc phức hợp Sài Gòn M&C tại địa chỉ 34 Tôn Đức Thắng, quận 1, TP.HCM - khoản nợ xấu lớn nhất mà VAMC đã mua bằng trái phiếu đặc biệt với tổng nợ gốc và lãi gần 7.000 tỷ đồng...
Tuy nhiên, theo các ý kiến phát biểu tại Hội nghị, việc triển khai Nghị quyết 42 trong thực tiễn còn gặp nhiều bất cập, như: Việc thực hiện nội dung liên quan đến việc hoàn trả tài sản bảo đảm (TSBĐ) là vật chứng trong vụ án hình sự sau khi đã hoàn tất các thủ tục xác minh chứng cứ quy định tại Nghị quyết số 42; Vấn đề liên quan đến thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý TSBĐ và nghĩa vụ nộp thuế có ảnh hưởng đến việc thực hiện thủ tục sang tên cho người mua; Công tác giữ gìn, đảm bảo an ninh trật tự và hỗ trợ các TCTD trong việc thu giữ TSBĐ của các khoản nợ xấu; Vấn đề xử lý TSBĐ là dự án bất động sản còn dở dang; Quyền nhận thế chấp, đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai là tài sản bảo đảm cho các khoản nợ mà các cá nhân, tổ chức mua lại từ VAMC…
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng phát biểu tại Hội nghị
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phát huy vai trò đầu mối
Đồng tình với báo cáo của NHNN và ý kiến của đại diện các TCTD, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu được ban hành cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Quốc hội. Cùng với việc sửa đổi bổ sung Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2017 trở thành công cụ quan trọng trong tái cơ cấu hệ thống và xử lý nợ xấu.
Hay nói cách khác, Nghị quyết 42 và Luật các TCTD có ý nghĩa lịch sử của ngành Ngân hàng.
“Qua đó có sự phối hợp các ngành với nhau, và sự vào cuộc bản lĩnh, chuyên nghiệp của ban lãnh đạo NHNN và sự nỗ lực, cố gắng của các TCTD” - Phó Thủ tướng nhìn nhận.
Khi triển khai Nghị quyết 42 và Luật các tổ chức tín dụng năm 2017 ngoài một số thuận lợi thì chúng ta cũng trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, phức tạp... Nhưng theo Phó Thủ tướng, quan trọng là cách thực hiện chỉ đạo của chúng ta rất quyết liệt nên kết quả 1 năm đã đạt được những kết quả hết sức tích cực, căn bản tạo tiền đề cho thời gian tới tự tin bước tiếp.
Những số liệu tại hội nghị đã cho thấy “xử lý nợ xấu đã thực chất hơn,” - Phó Thủ tướng nói và cho rằng, qua đó hệ thống ngân hàng đã được gia cố chắc chắn hơn nhìn từ tỷ lệ an toàn vốn tăng, dự trữ thanh khoản tốt, vốn điều lệ tăng, quy mô tài sản, hoạt động các ngân hàng tăng trưởng ấn tượng.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ: NHNN tiếp tục phát huy vai trò đầu mối, phối hợp với các bộ ngành liên quan thực hiện Nghị quyết 42 và Quyết định 1058 theo hướng tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đồng bộ, kịp thời phát hiện và chủ động thực hiện những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD và xử lý nợ xấu.
Thứ nhất, phấn đấu từ nay đến năm 2020, hoàn thành và hoàn thành vượt các chỉ tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 42 và Quyết định số 1058; riêng năm 2018, phấn đấu hoàn thành 30% mục tiêu đặt ra cho cả giai đoạn 2016-2020; Đến năm 2020 tăng gấp 2 lần tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập của các NHTM;
Thứ hai, xử lý và kiểm soát nợ xấu để đến năm 2020 đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các TCTD, nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3%. Phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của hệ thống TCTD về mức an toàn theo thông lệ quốc tế.
Thứ ba, tập trung nguồn lực thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 42 và Quyết định số 1058, trong đó xác định những giải pháp then chốt, hiệu quả, đúng pháp luật để xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém trong thời gian ngắn nhất, không để xảy ra những rủi ro phát sinh trong quá trình cơ cấu lại, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của cả ngân hàng, người đi vay và người gửi tiền.
Thứ tư, thực hiện ngay các giải pháp tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính và hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng, bảo đảm tỷ lệ an toàn trong hoạt động ngân hàng.
Thứ năm, đối với các TCTD cần chủ động thực hiện kế hoạch cơ cấu lại của ngân hàng mình theo hướng tuân thủ các quy định pháp luật về hoạt động ngân hàng, nâng cao chất lượng tín dụng, phân loại đúng và trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ đối với các khoản nợ xấu, nâng cao năng lực quản trị rủi ro, tăng cường chất lượng và doanh thu từ các dịch vụ phi tín dụng, xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, đạo đức.
Thứ sáu, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý, thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước để phát hiện kịp thời và hạn chế tối đa những sai phạm, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với hệ thống ngân hàng, trong đó coi trọng công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ để phát hiện và xử lý kịp thời những tồn tại, yếu kém và sai phạm trong hệ thống ngân hàng mình; xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Thứ bảy, nâng cao hiệu quả phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, địa phương trong việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, phối hợp giữa ngành ngân hàng và các cơ quan tư pháp trong xử lý nợ xấu nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm.
Cuối cùng Phó Thủ tướng yêu cầu, các bộ, ngành liên quan phải tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu để tạo đồng thuận xã hội, đồng tình của nhân dân.
Toàn cảnh Hội nghị
Quán triệt tới toàn Ngành ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định: Những kết quả đạt được trong thời gian qua đối với xử lý nợ xấu là rất tích cực.
Nhìn lại quá trình từ khi triển khai xây dựng tới ban hành có thể thấy “chúng ta hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong một thời gian ngắn”, Thống đốc nói và cho rằng, trên cơ sở Nghị quyết 42 và Luật các TCTD, NHNN đã ban hành các văn bản, thông tư hướng dẫn để đảm bảo tính minh bạch, tăng cường kiểm soát nội bộ, cải thiện môi trường kinh doanh cho hoạt động ngân hàng.
Thống đốc cũng đánh cao sự phối hợp giữa ngành Ngân hàng với các Bộ, ngành để triển khai đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu và xử lý nợ xấu.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thống đốc Lê Minh Hưng yêu cầu chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố, các TCTD nắm vững các nội dung của Chỉ thị 07 mới ban hành và các văn bản, thông tư của NHNN để tích cực triển khai xử lý nợ xấu.
Các chi nhánh NHNN phải phối hợp với các sở, ban ngành địa phương, nhất là với hoạt động thu giữ tài sản trong xử lý nợ xấu. Nếu gặp vướng mắc, khó khăn gì phải báo cáo về trung ương để có giải pháp xử lý.
Với các TCTD cần phối hợp chặt chẽ với NHNN, đồng thời tuân thủ đúng pháp luật trong quá trình xử lý nợ xấu.
Theo thoibaonganhang.vn (Đức Nghiêm)